Ba ‘tê giác xám’ đang lớn lên từng ngày, đe dọa nền kinh tế Trung Quốc
Ba “tê giác xám” đáng sợ nhất của Trung Quốc đang lớn lên từng ngày, tờ SCMP nhận định.
“Tê giác xám” là thuật ngữ mà nhà phân tích chính sách Michele Wucker sáng tạo ra để chỉ các mối đe dọa có nguy cơ cao và hậu quả lớn.
SCMP cho rằng thuật ngữ này rất thích hợp để chỉ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, núi nợ và xu hướng chia tách với các nền kinh tế lớn khác của Trung Quốc.
Trong bối cảnh tỷ suất sinh của Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng, con “tê giác xám” đầu tiên hóa ra còn đáng sợ hơn nhiều so với dự đoán trước đây.
Trung Quốc đã để mất danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ. Theo dự đoán gần đây nhất dựa trên dữ liệu của các bệnh viện, số trẻ em được sinh ra trong năm nay của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới ngưỡng 8 triệu, thấp hơn cả mức 9,56 triệu trong năm 2022.
Nếu dự báo trên thành sự thực, 2023 sẽ là năm Trung Quốc ghi nhận số trẻ sơ sinh thấp nhất kể từ năm 1949. Và thế giới sẽ có thêm bằng chứng rằng Trung Quốc đang rơi vào bẫy sinh sản thấp sau nhiều năm áp dụng chính sách một con.
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố rằng bằng lực lượng lao động khổng lồ và hệ thống giáo dục được cải thiện, nước này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ “lợi tức dân số” – các điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế nhờ quy mô của dân số.
Nhưng lối suy nghĩ trên là không đúng bởi dân số đang già hóa nhanh chóng không mang lại ưu thế nào. Trên thực tế, sự thay đổi của nhân khẩu học đã bắt đầu cản trở động lực tăng trưởng của Trung Quốc, và rắc rối này sẽ càng lớn lên trong thời gian tới.
Tê giác xám thứ hai – khối nợ của các chính quyền địa phương – đã được phát hiện từ lâu và các nhà chức trách cũng đã nỗ lực giảm thiểu đòn bẩy trong một thời gian dài. Cho tới nay, Trung Quốc đã xoay xở để tránh được một cuộc khủng hoảng nợ, nhưng vấn đề này sẽ không tự biến mất mà ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nhiều công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV) bị cho là sẽ không thể trả nợ. Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, đã phải lên tiếng phủ nhận một văn bản được lưu truyền rộng rãi với nội dung là các LGFV đang gặp rắc rối.
Trong quá khứ, Trung Quốc dựa vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng để giải quyết vấn đề nợ nần. Nhưng khi nền kinh tế mất đi động lực, Trung Quốc không còn có thể dựa vào phương pháp này.
Trong bối cảnh các khoản nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc (chưa kể các khoản nợ của LGFV) hiện đã lên đến gần 300% GDP, Trung Quốc cuối cùng có thể phải đối mặt với hậu quả của việc vay nợ quá mức.
Tình hình tài chính của các hộ gia đình Trung Quốc, vốn được đánh giá là an toàn trong nhiều năm qua, cũng có thể sẽ bắt đầu xấu đi.
Các gia đình từng vay mượn nhiều để mua bất động sản trong những năm qua sẽ phải vật lộn với nợ nần nếu thu nhập của họ bị giảm sau các đợt cắt giảm nhân sự trong ngành công nghệ và tài chính.
Tê giác xám thứ ba là sự chia tách giữa Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Nhật Bản. Đây là quá trình phức tạp và sẽ không diễn ra trong nháy mắt. Nhưng tuy sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc vẫn rất đáng nể, cỗ máy này đang phải đương đầu với nhiều lực cản chính trị.
Trung Quốc là đất nước hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng toàn cầu hóa trong thế kỷ 21, nhưng giờ nước này phải chuẩn bị đối phó với môi trường quốc tế ít thuận lợi hơn.
Quá trình nâng cấp nền kinh tế và công nghệ của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại. Trung Quốc cũng có nguy cơ để mất lợi thế sản xuất trong bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia bắt đầu loại bỏ nước này khỏi chuỗi cung ứng.
Ba tê giác xám nói trên đã được nuôi lớn bằng niềm tin lâu dài rằng dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục lớn lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì trong hàng thập kỷ kế tiếp, và các nhà máy và thị trường của nước này quan trọng tới mức các doanh nghiệp nước ngoài không thể bỏ đi. Cả ba luận điểm này đều hợp lý, nhưng chúng không thể được coi là định luật bất biến.
Trung Quốc đã triển khai một số biện pháp để xử lý ba mối nguy trên, nhưng chúng chưa đủ để khắc phục được tình hình. Ví dụ, các hình thức trợ cấp sinh con hiện tại của quốc gia này vẫn chưa thuyết phục được các hộ gia đình có thêm con.
Theo tờ SCMP, Trung Quốc cần phải mở cửa và tự do hóa nền kinh tế hơn nữa để người dân có thêm lòng tin vào tương lai. Khi công chúng trở nên lạc quan, các tê giác xám sẽ trở nên dễ quản lý hơn nhiều.