Là đối thủ cạnh tranh, Trung Quốc có gặt hái lợi ích nào nếu Mỹ vỡ nợ hay không?
Nguy cơ vỡ nợ chực chờ
Khối nợ của chính phủ Mỹ đã vượt quá trần nợ 31.400 tỷ USD vào tháng 1 năm nay. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết chính phủ có thể chỉ đủ khả năng thanh toán các hoá đơn cho đến đầu tháng 6/2023.
Trong 63 năm qua, các nhà lập pháp Mỹ đã 78 lần nâng giới hạn đi vay lên cao hơn. Song, lần này Quốc hội đang rơi vào tình trạng bế tắc đáng ngại, có nguy cơ khiến Mỹ vỡ nợ.
Cơ hội để các nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đàm phán đã thu hẹp lại sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy công bố kế hoạch nâng trần nợ công, nhưng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phải hạn chế chi tiêu.
Trong bản kế hoạch dài 320 trang, ông McCarthy đề xuất nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD, đủ để chặn đứng rủi ro vỡ nợ đến ngày 31/3/2024. Song, ông kiến nghị giảm chi tiêu liên bang khoảng 4.500 tỷ USD trong 10 năm tới và loại bỏ nhiều chính sách đáng chú ý của ông Biden.
Hạ viện do Đảng Cộng hoà kiểm soát đã thông qua dự luật nâng trần nợ. Tuy nhiên, ông Biden và Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát nhiều khả năng sẽ bác bỏ các đề xuất chi tiêu đi kèm.
Thị trường đang lo sợ rằng Mỹ sẽ vỡ nợ. Dữ liệu từ Investing.com cho thấy, giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn một năm của Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.
Mức giá hiện tại cũng bỏ xa năm 2011, khi Quốc hội bất đồng kéo dài về vấn đề trần nợ, dẫn đến việc S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao tuyệt đối AAA xuống AA+.
Hãng dịch vụ tài chính ING cho biết, giá CDS của các quốc gia đáng tin cậy thường nằm trong khoảng 25 đến 50 điểm cơ bản (bps), còn những nước có rủi ro vỡ nợ thực sự thường có giá CDS lên tới hàng nghìn bps.
“Thảm hoạ kinh tế”
Ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã lên tiếng cảnh báo: “[Nếu Quốc hội không nâng trần nợ], một vụ vỡ nợ sẽ gây ra thảm hoạ kinh tế và tài chính, làm tăng chi phí đi vay vĩnh viễn và các khoản đầu tư trong tương lai sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều”.
Mỹ vỡ nợ là một sự kiện có xác suất thấp, nhưng một khi đã xảy ra thì tác động vô cùng lớn. Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) dự đoán hàng chục triệu hộ gia đình sẽ không nhận được các phúc lợi liên bang như An sinh Xã hội, Medicare và Mediaid đúng hạn hoặc hoàn toàn không nhận được.
Ngoài ra, CEA còn lo sợ chi phí đi vay sẽ tăng mạnh, vì lãi suất của các khoản vay thế chấp mua nhà, khoản vay mua ô tô và các loại nợ tiêu dùng khác đều có liên quan mật thiết với các biến động trên thị trường trái phiếu Kho bạc.
Theo New York Times, kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics cũng cảnh báo cú sốc vỡ nợ sẽ buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và có nguy cơ kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô tương tự năm 2008.
Trong vòng một năm, các khoản cắt giảm nói trên có thể khiến quy mô nền kinh tế giảm 4%, xoá sổ 7 triệu việc làm và kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức 3,5% hiện nay lên 8%, Moody’s ước tính.
“Nền kinh tế đang rất dễ bị tổn thương. Ngay cả khi không có bế tắc trần nợ, rủi ro suy thoái đã rất cao. Sẽ không mất nhiều thời gian để vấn đề nợ nần của chính phủ đẩy chúng ta vào khủng hoảng tài chính...”, ông bày tỏ.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng có thể rơi vào hỗn loạn. Goldman sachs cho biết S&P 500 đã giảm 15% trong cuộc khủng hoảng năm 2011 và các cổ phiếu liên quan nhiều nhất đến chi tiêu liên bang bốc hơi gần 25%.
Một vụ vỡ nợ của Mỹ cũng có khả năng làm sang chấn thị trường tài chính toàn cầu, bởi thị trường trái phiếu Kho bạc khổng lồ của Mỹ là trụ đỡ quan trọng của hệ thống tài chính quốc tế theo hai cách.
Lượng lớn tín dụng trên khắp thế giới được định giá trực tiếp hoặc gián tiếp bởi lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Đồng thời, nhiều khoản vay trên toàn cầu cũng lấy trái phiếu Kho bạc làm tài sản thế chấp.
Trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, cả hai chức năng trên có thể sẽ bị vô hiệu hoá và thị trường tài chính sẽ đóng băng. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng không thể in tiền như trong cuộc khủng hoảng năm 2008 để giải vây cho hệ thống, bởi thị trường trái phiếu Kho bạc đã ngừng hoạt động.
Trung Quốc vui hay buồn?
Từ lâu, Trung Quốc - chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ - đã muốn phá vỡ thế thống trị của hệ thống tài chính Mỹ. Họ cũng muốn làm điều tương tự với đồng USD trong dự trữ ngoại hối và thương mại toàn cầu để thúc đẩy đồng nhân dân tệ (CNY).
Nếu Mỹ vỡ nợ, niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu Kho bạc và đồng bạc xanh có thể lung lay. Một số nhà phân tích tin rằng việc này sẽ trao cho Trung Quốc lợi ích đáng kể để hiện thực hoá tham vọng của mình.
Tuy nhiên, tương tự năm 2008, một cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu từ Mỹ vẫn sẽ gây tổn hại lớn cho Trung Quốc, dù nước này có vị thế tốt hơn để vượt qua khủng hoảng nhờ vận hành một hệ thống tài chính tương đối khép kín và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thương mại và nhu cầu toàn cầu sa sút đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt gần 20% và hơn 20 triệu công nhân mất việc, theo Foreign Policy.
15 năm trước, Trung Quốc có thể sớm phục hồi là nhờ chính phủ đã tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ được tài trợ bằng nợ. Khi đó, nợ của nước này chỉ tương đương 140% GDP và nhu cầu về cơ sở hạ tầng, nhà ở vẫn còn lớn.
Hiện tại, dư địa để Trung Quốc kích thích kinh tế đã bị thu hẹp đáng kể, đặc biệt là sau ba năm khép mình bởi đại dịch COVID-19. Nợ đã tương đương 300% GDP và cả nước đã phát triển hạ tầng quá mức trong chục năm qua.
Mặt khác, dù Mỹ có vỡ nợ, Trung Quốc vẫn chưa đủ sức để xây dựng một hệ thống tài chính xoay quanh đồng nhân dân tệ.
Thị trường trái phiếu Kho bạc rất lớn và có mối liên hệ mật thiết với phần còn lại. Tính đến cuối năm 2022, có khoảng 23.900 tỷ USD chứng khoán Kho bạc đang lưu hành, các nhà đầu tư ngoại quốc nắm giữ khoảng 7.500 tỷ USD. Giao dịch hàng ngày vào năm ngoái đạt 600 tỷ USD.
Thị trường trái phiếu chính phủ của Trung Quốc không đủ lớn, không đủ thanh khoản hoặc liên kết chặt chẽ với hệ thống tài chính toàn cầu như vậy. Theo tính toán của Foreign Policy, tổng giá trị trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã được phát hành là 3.300 tỷ USD.
Lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ chỉ đạt 340 tỷ USD. Giao dịch trung bình một ngày vào khoảng 30 tỷ USD, bằng khoảng 5% so với mức trung bình của thị trường trái phiếu Kho bạc.
Nỗ lực quốc tế hoá đồng CNY cũng chưa đạt kết quả lớn. Đồng nội tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 3,2% dự trữ ngoại hối toàn cầu, tính đến quý IV/2022. Tỷ trọng của đồng USD và EUR lần lượt là 53,3 và 20,4%. Liên quan đến thanh toán quốc tế, CNY hiện chỉ chiếm hơn 2,3%, rất nhỏ so với đồng USD.
Trung Quốc thất bại trong việc phổ biến đồng CNY vì cùng lý do giúp nước ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc tài chính toàn cầu: các biện pháp kiểm soát vốn. Hiện tại, việc mang tiền ra và vào nước này vẫn phải xin phép Bắc Kinh,
Các chính sách kiểm soát vốn giúp hạn chế rủi ro dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Nhờ đó, Bắc Kinh không phải vất vả như phương Tây để duy trì ổn định tài chính trong nước.
Vấn đề là nếu Trung Quốc muốn thay thế thị trường trái phiếu Kho bạc cũng như đồng tiền trụ cột của thế giới là USD, họ phải chấp nhận những rủi ro đó như Mỹ để nhà đầu tư cảm thấy tự tin rằng họ có thể rót nhiều tiền vào thị trường này.