Hạ viện Mỹ đồng ý nâng trần nợ công, hy vọng kéo Tổng thống Biden vào bàn đàm phán
Theo CNN, vào ngày 26/4, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật nâng trần nợ, sau nhiều tranh cãi giữa các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Cuộc bỏ phiếu được thông qua với kết quả suýt soát 217-215, với 4 Đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống. Sau khi các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa thực hiện một loạt thay đổi vào phút chót, nhiều Đảng viên bảo thủ đã chấp nhận đề xuất nâng trần nợ.
Các đồng minh chủ chốt của ông McCarthy cho biết dự luật phải được thông qua vào hôm 26/4 để củng cố lập luận rằng Đảng Dân chủ đã không hành động về vấn đề trần nợ. Việc dự luật này qua cửa Hạ viện cũng giúp nâng cao vị thế của Chủ tịch McCarthy.
Nhiệm vụ tiếp theo, khó khăn hơn nhiều, sẽ là dàn xếp một thỏa hiệp với phe Dân chủ mà không mất đi sự ủng hộ của những Đảng viên Cộng hòa bảo thủ nhất. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer - thuộc phe Dân chủ - cho biết dự luật của Đảng Cộng hòa sẽ "chết yểu" ngay khi tới Thượng viện. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Tuy nhiên, theo Independent, việc thông qua dự luật là một chiến thắng lớn đối với Chủ tịch McCarthy. Trước hết, ông đã chứng tỏ rằng mình có sức ảnh hưởng tới tất cả các phe phái khác nhau trong liên minh Cộng hòa tại Hạ viện, nhất là các đảng viên mang tư tưởng bảo thủ sâu sắc.
Thứ hai, việc thông qua dự luật sẽ đẩy trách nhiệm về phía Tổng thống Biden và ông Schumer. Trước khi dự luật được thông qua, ông Biden vẫn nói rằng Chủ tịch McCarthy cần đưa ra kế hoạch trần nợ của riêng mình. Tổng thống Biden biết rằng việc đoàn kết phe Cộng hòa trong Hạ viện sẽ là một thách thức với ông McCarthy.
Wall Street Journal dẫn lời Hạ Nghị sĩ French Hill, một đồng minh của ông McCarthy, cho biết: "Mục đích chính của [dự luật] là nhằm buộc Tổng thống phải thương lượng, và thể hiện với Washington rằng [Chủ tịch] Kevin McCarthy có đủ [sự ủng hộ] để nâng trần nợ công".
Hạ Nghị sĩ Cộng hòa Dusty Johnson tuyên bố: “Hầu hết mọi người đều có thể [chấp nhận] một số bất đồng nhỏ để đưa Chủ tịch Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden vào bàn đàm phán".
Ngày 26/4, ông Biden một lần nữa khẳng định sẽ không gặp Chủ tịch McCarthy để thảo luận về vấn đề nâng trần nợ. Ông Biden tuyên bố: “Tôi rất vui được gặp Chủ tịch McCarthy, nhưng không phải về vấn đề trần nợ có được nâng hay không. Điều này không thể đem ra thương lượng”. Phe Dân chủ và Nhà Trắng muốn tăng trần nợ mà không phải cắt giảm chi tiêu.
Hạ Nghị sĩ Patrick McHenry cho biết: “Bất kỳ Tổng thống nào từ chối thương lượng đều tự gây nguy hiểm cho chính mình và thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Vị Tổng thống này đang tự đặt mình vào một vị thế tồi tệ”.
“Việc thông qua dự luật trong tuần này cho thấy các Đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện có lập trường, chúng tôi đã nâng trần nợ, chúng tôi đã đưa ra một đề nghị, chúng tôi có một danh sách các lựa chọn cho Tổng thống. Ông ấy cần phải ngồi vào bàn đàm phán, trở thành một người trưởng thành và thảo luận với [Quốc hội]”, ông McHenry nói thêm.
Dự luật bao gồm những gì?
Việc thông qua dự luật chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình thương lượng về trần nợ công, và cũng không rõ khi nào ông Biden sẽ ngồi lại với Chủ tịch McCarthy.
Dự luật sẽ giúp tăng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD, từ 31.400 tỷ USD lên 32.900 tỷ USD. Tuy nhiên, đề xuất cũng yêu cầu nếu trần nợ không bị phá vỡ vào ngày 31/3/2024, Quốc hội sẽ phải một lần nữa ngồi lại để thảo luận về giới hạn vay của chính phủ Mỹ. Yêu cầu này có thể khơi mào một cuộc chiến tài chính lớn ngày trước thềm bầu cử Tổng thống năm 2024.
Trong Dự luật "Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng”, các Đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện đề xuất cắt giảm đáng kể các chương trình của chính phủ cũng như tiết kiệm ngân sách của Lầu Năm Góc, đưa mức phân bổ cho các cơ quan liên bang về như năm 2022, đồng thời giới hạn tăng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết dự luật sẽ giúp thâm hụt của chính phủ Mỹ giảm 4.800 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Đảng Cộng hòa cũng đề xuất ngừng kế hoạch xóa nợ cho sinh viên, bãi bỏ các khoản khấu trừ thuế cho năng lượng xanh và hủy bỏ ngân sách cho Sở Thuế vụ (IRS) theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA).
Dự luật này cũng sẽ áp đặt những đề xuất mới nhằm trao cho Quốc hội thêm quyền lực để ngăn chặn các chính sách từ phía chính phủ Mỹ. Đề xuất của phe Cộng hòa cũng xúc tiến các dự án khai thác dầu mới, đồng thời bãi bỏ những khoản hỗ trợ nhằm ứng phó với đại dịch COVID.