|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ đau đầu vì trần nợ công, Trung Quốc cũng khổ sở vì nợ chính quyền địa phương

16:51 | 28/02/2023
Chia sẻ
Việc các địa phương Trung Quốc vay nợ quá nhiều đang tạo ra những nguy cơ lớn khi nguồn thu giảm sút do thị trường bất động sản suy thoái và ngân sách chịu nhiều thiệt hại sau ba năm Zero COVID.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang vui vẻ theo dõi cuộc chiến trần nợ tại Mỹ. Một Quốc hội Mỹ bị chia sẻ quyền lực giữa hai đảng đang tạo ra nguy cơ chính phủ phải đóng cửa. 

Những nỗ lực vào phút chót của chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đang chứng minh luận điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng mô hình dân chủ kiểu phương Tây thua kém so với mô hình của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề trần nợ của chính mình. Cuộc suy thoái bất động sản và nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID đã buộc chính quyền địa phương phải vay số nợ khổng lồ, và có nguy cơ đổ bể trong năm nay. 

Trước dịch COVID, chính quyền địa phương nhận được khoảng 40% thu nhập từ thuế, phần còn lại là từ tiền bán đất, cũng như trợ cấp của Bắc Kinh. 

Năm ngoái, doanh số bán bất động sản giảm 23%, trong khi tổng chi tiêu đã tăng 6%. Bắc Kinh đã tăng trợ cấp, nhưng sự hỗ trợ này không đủ để lấp đầy lỗ hổng ngân sách địa phương.

Kết quả là, nợ của chính quyền địa phương đã tăng vọt lên 66% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc, theo tính toán của CLSA. Vào năm 2012, con số này chỉ là 29%.

Mặt khác, Bắc Kinh vẫn khá dè dặt trong việc vay nợ. Tỷ lệ nợ/GDP của chính quyền trung ương hiện chỉ ở mức 25%, tăng từ 15% vào một thập kỷ trước.

Nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng hơn 7 lần trong 12 năm.

Do sự mất cân bằng giữa nợ trung ương và địa phương, nợ chính phủ của Trung Quốc vẫn được xếp hạng vào cấp độ đầu tư, bất chấp việc quốc gia này đã trở thành một trong những nơi có đòn bẩy tài chính cao nhất thế giới.

Khi các nhà đầu tư nói về khối nợ đang tăng cao của Trung Quốc, họ đang đề cập đến những khoản vay của các nhà phát triển bất động sản, hoặc chính quyền địa phương, chứ không phải chính quyền trung ương.

 

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình vay nợ của Trung Quốc không còn bền vững. Theo CLSA, chính quyền địa phương đã chi 10,8% doanh thu để thanh toán các khoản lãi.

Chi phí này sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) không bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính. Chi phí vay trung bình của các địa phương đã giảm từ 5,6% vào năm 2018 xuống còn 4,1% trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, các công ty huy động vốn của chính quyền địa phương (LGFV) bắt đầu tạo ra sự lo lắng trên thị trường. LGFV là một công ty đầu tư, bán trái phiếu để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Sử dụng LGFV giúp cho nợ không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương.

Năm ngoái, nhiều địa phương Trung Quốc đã một lần nữa sử dụng LGFV để khắc phục các vấn đề tài chính của mình. Khi các nhà phát triển bất động sản rút lui, LGFV đã mua lại hơn một nửa số đất thổ cư mà chính quyền đã bán. Vào tháng 1 vừa qua, 22 công ty LGFV đã lỡ hạn thanh toán hối phiếu thương mại, nhiều hơn 5 công ty so với tháng 12/2022.

Nguy cơ đóng cửa

Không chỉ Mỹ mà cả Trung Quốc cũng có thể đối mặt với tình trạng chính phủ đột ngột đóng cửa. Tuần trước, một thành phố với 7,7 triệu người ở trung tâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã không thể sử dụng dịch vụ xe buýt.

Công ty xe buýt duy nhất tại thành phố này cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc trả lương hay thậm chí là bảo hiểm phương tiện. Công ty này đổ lỗi cho việc mất trợ cấp.

Tình trạng các dịch vụ công cộng bị ngừng đột ngột này sẽ xảy ra thường xuyên hơn nếu Bắc Kinh tiếp tục buộc chính quyền địa phương gánh chịu tất cả nghĩa vụ tài khóa và nợ nần.

Bloomberg cho rằng đã đến lúc chính quyền trung ương Trung Quốc tăng trần nợ của chính mình. Một vụ vỡ nợ của địa phương sẽ tồi tệ hơn nhiều so với các vụ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản.

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.