|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc thặng dư thương mại 878 tỷ USD, Việt Nam đứng trong top 10 đối tác lớn nhất

15:05 | 27/02/2023
Chia sẻ
Năm 2022, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, cũng như nắm giữ mức thặng dư kỷ lục 878 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, nước này xuất khẩu tổng cộng 3.594 tỷ USD hàng hóa ra thế giới, tăng 7% so với năm 2021, trong khi chỉ nhập về 2.716 tỷ USD, tăng 1,1%. Do vậy, thặng dư thương mại của nền kinh tế số hai so với toàn thế giới là 878 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. 

Dù gặp khó khăn do dịch COVID, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong năm qua vẫn tăng trưởng 4,4%, đạt 6.310 tỷ USD, cao hơn nền kinh tế số một thế giới là Mỹ (5.363 tỷ USD).

Kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), Trung Quốc ngày càng xuất khẩu nhiều hàng hóa ra thế giới.

Vào năm 2022, có tổng cộng 23 đối tác có kim ngạch thương mại với Trung Quốc vượt trên 25 tỷ USD. Trong đó, cao nhất là Mỹ, đạt 759 tỷ USD. Năm vừa qua, Bắc Kinh đã bán cho Washington 582 tỷ USD hàng hóa, trong khi chỉ mua về 178 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư lên tới 404 tỷ USD. 

Nếu sử dụng số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mức thặng dư 404 tỷ USD của năm 2022 sẽ là cao nhất trong lịch sử thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ lại chỉ ra rằng 2018 mới là năm Trung Quốc có mức thặng dư thương mại cao nhất (418 tỷ USD).

Theo CNBC, nguyên nhân của sự chênh lệch này có thể do phương pháp thống kê. Vào năm 2018, Trung Quốc không tính những hàng hóa bán sang Mỹ thông qua nước thứ ba vào kim ngạch xuất khẩu của mình.

Hàn Quốc, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 2 và 3 của Trung Quốc, trong khi vị trí thứ 4 và 5 lần lượt thuộc về Đảo Đài Loan và Đặc khu Hành chính Hong Kong. Trong khi Đảo Đài Loan là đối tác xuất siêu sang Trung Quốc cao nhất (157 tỷ USD vào năm 2022), Hong Kong lại có mức thâm hụt thương mại cao thứ hai, chỉ sau Mỹ. 

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 235 tỷ USD.

 

Trung Quốc thặng dư với những đối tác nào?

Với danh hiệu là công xưởng của thế giới, Trung Quốc có thặng dư thương mại với nhiều đối tác nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Trong nhiều năm, Mỹ luôn giữ vững vị trí là nước có giá trị nhập siêu lớn nhất với Trung Quốc.

Vào năm ngoái, Hong Kong có mức thâm hụt gần 300 tỷ USD với Trung Quốc. Đặc khu hành chính này từ lâu đã là trung tâm tái xuất, đưa hàng hóa của Trung Quốc ra thế giới. 

 

Việt Nam hiện là đối tác có thâm hụt lớn thứ 6 với Trung Quốc. Năm 2022, nước ta nhập khẩu 147 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất đi 88 tỷ USD. Những năm gần đây, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng đi lên, từ 20 tỷ USD vào năm 2018 lên 59 tỷ USD vào năm ngoái.

Nước ta đang nhập siêu ngày càng nhiều từ Trung Quốc.

Trung Quốc thâm hụt với những đối tác nào?

Vào năm 2022, đối tác Trung Quốc có thâm hụt thương mại lớn nhất là Đảo Đài Loan, đạt 157 tỷ USD. Chỉ tính riêng nhóm sản phẩm máy tính và thiết bị điện (mã HS là 85), Trung Quốc đã nhập khẩu 183 tỷ USD từ Đảo Đài Loan, chiếm gần 77% tổng nhập khẩu.

Mức thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc đại lục và Đảo Đài Loan trong năm ngoái không cao bằng so với 2021, do những căng thẳng địa chính trị cũng như nhu cầu về sản phẩm công nghệ giảm sút do đại dịch COVID.

 

Trong khi đó, ba đối tác có thâm hụt thương mại lớn thứ 2, 3, 4 với Trung Quốc đều là những cường quốc về xuất khẩu hàng hóa, năng lượng. Vào năm 2022, Australia đã bán 88 tỷ USD quặng, xỉ và tro tới Trung Quốc (mã HS là 26). Theo S&P Global, năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,1 tỷ tấn quặng sắt, chiếm 71,3% thị phần toàn cầu. 

Tương tự, Brazil đã xuất khẩu 27 tỷ USD quặng, xỉ và tro, cũng như 37 tỷ USD hạt dầu, quả có dầu, ngũ cốc ... (mã HS là 12) với nền kinh tế thứ 2 thế giới. Ngành nông nghiệp của Trung Quốc hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Brazil và Mỹ để có được nguồn cung thức ăn chăn nuôi (đậu nành). 

Các đối tác Trung Quốc có thâm hụt thường xuất khẩu hàng hóa, nhiên liệu hoặc sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.

Vào năm 2022, xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục là 85 tỷ USD, cao hơn 32 tỷ USD so với kết quả năm 2021. Nguyên nhân của sự gia tăng này là bởi Moscow tăng cường bán nhiên liệu đến Trung Quốc khi chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Kết quả là, thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Nga nhảy vọt từ 12 tỷ USD vào năm 2021 lên 38 tỷ USD.

Nhìn chung, các đối tác có thặng dư với Trung Quốc thường thuộc hai nhóm: cung ứng hàng hóa, nguyên liệu, năng lượng (Australia, Nga, Brazil) hoặc cung ứng thiết bị công nghệ cao, bán dẫn (Đảo Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản), ....

Minh Quang