Mỹ nhập khẩu hơn 3.200 tỷ USD hàng hóa, Việt Nam có sản phẩm nào trong top 10?
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, trong năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 3.246 tỷ USD hàng hóa, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Số liệu của Bộ Thương mại chênh lệch khoảng 31 tỷ USD so với số liệu Cục Thống kê dân số vừa công bố (3.277 tỷ USD).
Xét theo hệ thống phân ngành NAICS 3 (Hệ thống phân loại công nghiệp Bắc Mỹ cấp độ 3), vào năm ngoái, mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất là máy tính và sản phẩm điện tử, kế đến là thiết bị vận tải; hóa chất; máy móc, ngoại trừ điện tử; dầu và khí đốt; ....
Máy tính và sản phẩm điện tử
Máy tính và sản phẩm điện tử theo phân ngành NAICS 3 bao gồm máy tính, thiết bị viễn thông, bán dẫn, thiết bị đo đạc, .... Nhập khẩu nhóm ngành này của Mỹ tăng trưởng đều đặn hàng năm, từ 348 tỷ USD năm 2012 lên 508 tỷ USD vào năm ngoái. Nhóm hàng này đang chiếm gần 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Xuất khẩu từ Mexico, Việt Nam và đảo Đài Loan tới Mỹ có xu hướng tăng trong những năm gần đây, trong khi Trung Quốc và Malaysia lại đi ngang hoặc giảm.
Trung Quốc đại lục vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu máy tính (63 tỷ USD vào năm 2022), trong khi đảo Đài Loan đi đầu về xuất khẩu bán dẫn (18 tỷ USD). Trong những năm gần đây, đảo Đài Loan đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác xuất khẩu bán dẫn lớn nhất sang Mỹ.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thiết bị liên lạc (điện thoại) sang Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tới Mỹ của nước ta năm 2022 là hơn 25 tỷ USD.
Nhìn chung, những đối tác xuất khẩu nhiều máy tính và sản phẩm điện tử tới Mỹ trong năm 2022 lần lượt là: Trung Quốc (161 tỷ USD), Mexico (82 tỷ USD), Việt Nam (46 tỷ USD), đảo Đài Loan (44 tỷ USD) và Malaysia (31 tỷ USD).
Thiết bị vận tải
Trong khi thiết bị vận tải được Mỹ xuất khẩu nhiều nhất là máy bay, Washington lại nhập khẩu về một lượng lớn xe và phụ tùng, bộ phận.
Trong thập kỷ qua, nhờ vị trí thuận lợi và nguồn lao động giá rẻ, Mexico đã trở thành quốc gia cung cấp khoảng 1/3 lượng xe cho Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, gần 70% ô tô được sản xuất tại Mexico sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, tương đương khoảng 2 triệu chiếc.
Hàn Quốc cũng đang ngày càng chuyển nhiều xe tới Mỹ. Giai đoạn 2012- 2022, xuất khẩu xe của Hàn Quốc đã tăng hơn 70%, từ 11 tỷ USD lên 19 tỷ USD. Ngược lại, xuất khẩu xe của Nhật, Canada và Đức tới Mỹ đều đi xuống trong thập kỷ vừa qua.
Xuất khẩu thiết bị vận tải của Mexico sang Mỹ đạt 140 tỷ USD, tiếp đến là Canada (58 tỷ USD), Nhật Bản (49 tỷ USD), Đức (32 tỷ USD) và Hàn Quốc (31 tỷ USD).
Hóa chất
Ngành hóa chất theo NAICS 3 tương đối rộng, bao gồm cả các loại hóa chất thông thường, nhựa, cao su, phân bón, thuốc trừ sâu cũng như dược phẩm, sơn, .... Hoạt động nhập khẩu hóa chất của Mỹ trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm (NAICS 3254).
Mỹ nhập khẩu dược phẩm từ các quốc gia như Ireland, Đức và Thụy Sỹ. Trong khi đó, Washington mua hóa chất cơ bản nhiều nhất từ Trung Quốc.
Những đối tác xuất khẩu nhiều hóa chất nhất tới Mỹ trong năm ngoái là: Ireland (60 tỷ USD), Trung Quốc (35 tỷ USD), Canada (33 tỷ USD), Đức (30 tỷ USD) và Thụy Sỹ (22 tỷ USD).
Dầu và khí đốt
Trong giai đoạn từ 2012 đến 2022, Mỹ giảm nhập khẩu dầu và khí đốt từ 327 tỷ USD xuống chỉ còn 219 tỷ USD. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhập khẩu dầu và khí đốt của Mỹ đã đi xuống kể từ mức đỉnh vào năm 2005.
Việc giảm nhập khẩu năng lượng đồng thời tăng xuất khẩu đã giúp thâm hụt về dầu và khí đốt gần về 0 kể từ năm 2020. Những thành công trên là nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến và khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, giúp sản lượng của Mỹ tăng vọt.
Những đối tác bán nhiều dầu và khí đốt nhất cho Mỹ trong năm ngoái là: Canada (133 tỷ USD), Mexico (21 tỷ USD), Arab Saudi (16 tỷ USD) và Colombia (8 tỷ USD).
Trang phục và phụ kiện
Trang phục và phụ kiện (mã NAICS 3 là 315) là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bởi vậy không quá bất ngờ khi vào năm 2022, nước ta là quốc gia xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng được thu hẹp, khi chi phí nhân công tăng cao và những thách thức địa chính trị khiến việc sản xuất hàng may mặc tại đất nước tỷ dân ngày càng kém hấp dẫn. Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ đã trở thành những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.
Các đối tác xuất khẩu trang phục và phụ kiện lớn nhất vào Mỹ là Trung Quốc (24 tỷ USD), Việt Nam (18 tỷ USD), Bangladesh (10 tỷ USD), Ấn Độ (6 tỷ USD) và Indonesia (6 tỷ USD).
Ngoài trang phục và phụ kiện, da giày (mã NAICS 3 là 316) cũng là một mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đi từ 3 tỷ USD vào 2012 lên hơn 12 tỷ USD năm ngoái, Trung Quốc lại tụt từ 24 tỷ USD xuống chỉ còn 17 tỷ USD.
Những ngành khác
Với ngành máy móc, ngoại trừ điện tử, trong năm 2022, Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc (39 tỷ USD), tiếp đến là Nhật Bản (31 tỷ USD), Mexico (28 tỷ USD), Đức (26 tỷ USD) và Canada (20 tỷ USD).
Mỹ nhập khẩu thiết bị điện, đồ gia dụng và linh kiện nhiều nhất từ Trung Quốc (56 tỷ USD), Mexico (41 tỷ USD), Hàn Quốc (12 tỷ USD), Nhật Bản (9 tỷ USD) và Việt Nam (8 tỷ USD).
Trung Quốc (59 tỷ USD), Ấn Độ (17 tỷ USD), Mexico (13 tỷ USD), Israel (8 tỷ USD) và Ireland (7 tỷ USD) là những quốc gia bán nhiều sản phẩm thuộc phân ngành sản xuất khác nhất tới Mỹ trong năm vừa qua.
Về kim loại chính, những nước xuất khẩu nhiều nhất tới Mỹ là Canada (33 tỷ USD), Mexico (14 tỷ USD), Thụy Sỹ (11 tỷ USD), Nam Phi (8 tỷ USD) và Hàn Quốc (7 tỷ USD).
Cuối cùng, trong nhóm hàng thực phẩm đã chế biến, nước bán nhiều hàng hóa cho Mỹ nhất lần lượt là Canada (28 tỷ USD), Mexico (13 tỷ USD), Indonesia (5 tỷ USD), Singapore (4 tỷ USD) và Thái Lan (4 tỷ USD).
Trong số 10 mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất, Trung Quốc đứng đầu trong 5 lĩnh vực. Ngược lại, Trung Quốc chỉ mua vào nhiều nhất một trong số 10 sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch cao nhất của Mỹ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/