Hàng tồn kho chất đống làm nhà kho kín chỗ, tăng áp lực lạm phát tại Mỹ
Theo CNBC, khi thị trường đang chuẩn bị cho báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2023 của Mỹ, các nhà quản trị logistics cũng cảnh báo về một nguyên nhân gây lạm phát trong chuỗi cung ứng.
Trong khi nhiều nguồn gây ra lạm phát như giá cước vận tải biển và nhiên liệu đã giảm mạnh, hàng tồn kho thừa do nhu cầu yếu lại đang tạo áp lực lên giá thuê nhà kho. Ông Brian Bourke, Giám đốc thương mại toàn cầu của SEKO Logistics cho biết: “Vào năm 2022, giá cước vận tải biển, hàng không và nội địa đã giảm xuống mức bình thường”.
“Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tồn tại ở những khu vực mà cầu cao hơn cung vào năm 2023, bao gồm kho bãi trên khắp nước Mỹ, bưu kiện nội địa và lao động”.
Một trong những lý do khiến cung và cầu kho bãi mất cân bằng là việc thiếu nhà kho mới. Ông Chris Huwaldt, Phó Giám đốc tại WarehouseQuote nhận định: “Công suất kho bãi của Mỹ đang và sẽ tiếp tục thấp trong tương lai gần bởi hoạt động xây dựng công nghiệp giảm đáng kể do lãi suất đi lên”.
Trong cuộc họp gần nhất, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell đầy tự tin khẳng định rằng quá trình thiểu phát “đã bắt đầu”. Chỉ số CPI trong tháng 12/2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ 9,1% hồi tháng 6/2022 và thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Fed giờ đây đang tập trung hơn vào lạm phát trong ngành dịch vụ, đặc biệt là chi phí lao động. Ngân hàng trung ương Mỹ đang kỳ vọng rằng lạm phát hàng hóa sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống.
Tuy nhiên, những vấn đề về logistics gợi ý rằng sẽ vẫn còn một số nhân tố thúc đẩy lạm phát hàng hóa. “Thị trường đang bắt đầu nhận ra rằng câu chuyện thiểu phát phức tạp hơn chúng ta đã tưởng”, ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, nói.
Một số người gửi hàng đang phải giữ hàng hóa trong container đặt trên khung xe bởi các nhà kho và trung tâm phân phối đã đầy. Tuy nhiên, người gửi hàng sẽ phải chịu chi phí, và giá bán cho người tiêu dùng cũng sẽ được nâng lên để bù đắp.
Người gửi hàng thường được cho phép giữ container trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải trả phí giữ container quá hạn (per diem fee). Tuy nhiên, khi quỹ thời gian này kết thúc, họ sẽ phải chịu phí phạt do trả container trễ.
Ông Paul Brashier, Phó Giám đốc phụ trách vận tải cự ly ngắn và vận tải quốc tế của ITS Logistics cho biết, việc container bị đặt lâu trên khung xe tạo ra hai vấn đề gây tốn kém.
Đầu tiên, tình trạng này ngăn không cho những khung xe trên được sử dụng để vận chuyển những container mới đến, tạo thêm áp lực cho các nhà cung cấp khung xe trên khắp nước Mỹ.
Người gửi hàng cũng sẽ bị tính phí gửi khung xe, container tại cảng. Ông Brashier nói: “Những quy định trên có thể dẫn đến hàng chục triệu USD tiền phạt”. Ông dự đoán rằng per diem fee sẽ tăng mạnh trong quý II và III của năm nay.
Ông Brashier cho biết: “Đây là những khoản phí hàng đầu cho việc lưu kho, vốn vẫn đang ở mức cao trong lịch sử. Phí chậm trễ và phí lưu kho được chuyển cho người tiêu dùng, và đó là lý do khiến giá sản phẩm không giảm như mong đợi”.
Giá lưu kho trên toàn nước Mỹ đã tăng 1,4% so với tháng trước và 10,6% so với cùng kỳ năm trước, theo WareHouseQuote.
Những doanh nghiệp nhỏ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ về số lượng lại thường là người được hưởng lợi cuối cùng từ việc chi phí trong chuỗi cung ứng giảm. Các công ty trên không tin tưởng rằng lạm phát đã lên đỉnh điểm.
Gián đoạn từ COVID, thuế quan
Ngành xây dựng nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát trong chuỗi cung ứng. Ông Phillip Ross, Giám đốc kế toán và kiểm toán của Tập đoàn kiến trúc và kỹ thuật Anchin, cho biết lạm phát chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc hoàn thành các dự án đúng hạn.
Ông nói: "Trong một số trường hợp, chúng tôi phải chờ từ 6 đến 8 tháng trước khi có nguyên liệu. Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Mỹ, chịu ảnh hưởng đặc biệt bởi chuỗi cung ứng, dẫn đến việc các công ty xây dựng không chỉ gặp phải sự chậm trễ trong tiến độ mà còn đẩy giá nguyên vật liệu cao".
Theo ông Jim Monkmeyer, Chủ tịch bộ phận vận tải của DHL Supply Chain, một số yếu tố lạm phát bắt nguồn từ gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới COVID vẫn còn tồn tại.
Những gián đoạn này bao gồm: chi phí cao trong việc chuyển container đến cảng Bờ Đông, gián đoạn và thiếu hụt sản xuất tại Trung Quốc và những nước khác, các hạn chế trong vận tải đa phương thức yêu cầu những giải pháp thay thế đắt đỏ hơn, chẳng hạn như vận tải hàng không hoặc xe tải hỏa tốc.
Ông Steve Lamar, CEO của Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cho rằng người gửi hàng cũng đang gặp khó khăn hơn trong việc bù đắp chi phí phát sinh từ thuế quan dưới thời Tổng thống Trump - Biden lên hàng hóa Trung Quốc.
Ông Lamar cho biết: "Mức thuế trên hiện đang ảnh hưởng 170 tỷ USD hàng hóa và được tính vào giá vốn hàng bán, làm giá cả cao hơn tại cửa hàng. Thuế quan khiến doanh nghiệp khó hấp thụ những chi phí lạm phát khác".