|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuỗi cung ứng toàn cầu tưởng sắp được chữa lành, nay lại chuẩn bị đối phó cú sốc mới

21:58 | 17/07/2022
Chia sẻ
Các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang dần được tháo gỡ, nhưng một cú sốc mới có thể sắp xuất hiện và đe doạ đà phục hồi của hệ thống cung ứng hàng hoá toàn cầu.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Dù vẫn còn gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã nới lỏng so với 6 tháng trước. Áp lực lạm phát hình thành từ chúng cũng đã trở nên bớt nghiêm trọng hơn.

Từng cải thiện của chuỗi cung ứng đang dần hiện rõ trong các thước đo do Bloomberg Economics hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York tổng hợp.

Tuy nhiên, sự kết thúc từ từ của cuộc khủng hoảng nguồn cung trong thời kỳ dịch bệnh có thể đang nhường chỗ cho một vấn đề tiềm tàng khác: nhu cầu tiêu dùng sụt giảm khiến tăng trưởng kinh tế đảo ngược và tạo ra một đống hàng tồn kho dư thừa.

Trong một báo cáo đầu tháng 7, các nhà kinh tế của Citigroup nhận xét: “Áp lực trong lĩnh vực hàng hoá toàn cầu - vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, cuối cùng đã có thể giảm bớt”.

“Tin xấu là điều này có vẻ đang xảy ra do nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng chậm lại, đặc biệt là ở các mặt hàng tiêu dùng tuỳ ý. Điều đó cũng báo hiệu nguy cơ suy thoái gia tăng”, Citigroup nhấn mạnh.

Citigroup khá thận trọng nên chưa muốn tuyên bố rằng các nút thắt trong chuỗi cung ứng “đã được giải quyết hoàn toàn”. Đại gia ngân hàng Mỹ nói có lý do để nghi ngờ liệu chúng có thể sớm được tháo gỡ.

Các cuộc đình công tại cảng biển, gián đoạn hoạt động nhà máy tại Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine và áp lực vận chuyển hàng hoá dịp lễ cuối năm có thể làm rối loạn mạng lưới logistics toàn cầu thêm lần nữa.

Từng nút thắt được tháo gỡ

Theo dữ liệu từ Oxford Economics, các số liệu mới nhất về tình trạng đứt gãy nguồn cung tại Mỹ đã giảm trong ba tháng liên tiếp, như biểu đồ bên dưới:

 

Nhìn chung, giới chuyên gia kinh tế đồng ý rằng nhu cầu hàng hoá của các hộ gia đình ở Mỹ sẽ là yếu tố then chốt cần theo dõi trong những tháng tới, nhưng họ lại bất đồng quan điểm rằng nhu cầu sẽ mạnh lên hay bắt đầu đi xuống.

Một chỉ số cho thấy nhu cầu có thể quay trở lại mức bình thường khi người dân ra ngoài ăn tối, xem biểu diễn ca nhạc và đi du lịch nhiều hơn so với trong thời kỳ phong toả.

Để xác định chính xác xu hướng tiêu dùng thời gian tới, hãng Flexport đã xây dựng chỉ báo hậu COVID để theo dõi cách người Mỹ phân chia tiền lương của họ. Kết quả cho thấy “sở thích của người tiêu dùng đã thay đổi một chút trong tháng 5, họ bớt ham muốn mua hàng hoá hơn”.

Flexport cho hay: “Chỉ số của chúng tôi được dự báo là sẽ ở gần mức hiện tại trong suốt quý III năn nay. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng sẽ giảm mua hàng hoá để chuyển sang dịch vụ, nhưng nhìn chung mức chi tiêu cho hàng hoá vẫn cao hơn một chút so với mùa hè năm 2020 và trước đại dịch”.

quan kiểm soát một số đòn bẩy của hoạt động kinh tế là Fed. Theo khảo sát khu vực gần nhất của ngân hàng trung ương Mỹ, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối phó với nhiều vấn đề nguồn cung nhưng mức độ nghiêm trọng thì đã giảm đi.

Bloomberg đã nhìn vào số lần từ “thiếu hụt” xuất hiện trong khảo sát Beige Book của Fed. Thiếu hụt ở đây có thể là thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu hoặc các yếu tố quan trọng khác phục vụ sản xuất.

Dù vẫn cao hơn hai lần so với mức trước đại dịch COVID-19, số lần xuất hiện của từ “thiếu hụt” đã giảm xuống còn khoảng một phần ba so với mức đỉnh  tháng 8/2021, Bloomberg cho hay.

 

Một chỉ báo khác cho thấy nguồn cung đã bớt eo hẹp hơn. Giá cước vận tải biển đã liên tục giảm từ mức cao kỷ lục. Và đáng chú ý là giá cước hạ nhiệt trong mùa cao điểm vận chuyển hàng hoá toàn cầu.

Giá container vẫn cao hơn mức trước COVID-19 nhưng quỹ đạo ngày càng đi xuống, dường như đang tìm đáy trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng không rõ sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới.

Phần lớn cuộc phục hồi của chuỗi cung ứng phụ thuộc vào hoat động thương mại và sản xuất hàng hoá của Trung Quốc. Chưa kể, liệu Bắc Kinh có thể duy trì cho các cảng biển hoạt động thông suốt khi nước này tiếp tục duy trì chính sách Zero COVID hay không cũng đóng vai trò quan trọng.

Có vẻ Trung Quốc vẫn trụ vững sau khi nước này công bố số liệu mới, cho thấy tháng 6 vừa qua là tháng xuất khẩu tốt thứ hai của đất nước tỷ dân trong ít nhất ba thập kỷ qua.

 

Chuyên gia kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics đã công bố một bảng dữ liệu. Kết quả cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi và thời gian giao hàng đã rút ngắn sau khi Thượng Hải nới lỏng các hạn chế COVID.

Tin xấu vẫn còn

Dù vậy, không phải mọi mắt xích của chuỗi cung ứng đều ổn, đặc biệt là ở châu Âu - nơi đang gặp phải các vấn đề về vận chuyển hàng hoá do nằm gần với khu vực giao tranh ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt đối với hàng hoá có xuất xứ hoặc hướng đến Nga đang làm phức tạp thêm dòng chảy thương mại của châu Âu, đặc biệt là từ châu Á. Chưa kể, tình trạng gián đoạn lực lượng lao động như sự cố tại các cảng lớn của Đức sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Theo số liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tình trạng tắc nghẽn đang xuất hiện tại các cảng ở Bắc Âu và leo thang hơn nữa dọc bờ Đông nước Mỹ. Các tàu đang phải xếp hàng nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần từ Georgia đến New York để chờ dỡ hàng.

 

Một chỉ báo khác cho thấy vấn đề căng thẳng nguồn cung không thể nhanh chóng dịu lại. Cuối tuần này, dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng 6 đã tăng mạnh so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Hai nhà kinh tế Yelena Shulyatyeva và Andrew Husby của Bloomberg Economics nói “điều đó chứng tỏ nền kinh tế Mỹ vẫn còn dư địa tăng trưởng trong phần còn lại của năm 2022, khi người tiêu dùng tìm cách đối phó với lạm phát tăng cao”. Nói cách khác, người Mỹ có thể sẽ tiếp tục mua hàng và các vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ càng trở nên bế tắc hơn.

Yên Khê

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.