|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Hạ viện công bố hai đề xuất, cuộc chiến trần nợ của Mỹ sắp tới hồi gay cấn

08:09 | 20/04/2023
Chia sẻ
Hôm 19/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đề xuất nâng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD, đồng thời tiết lộ kế hoạch cắt giảm chi tiêu liên bang gấp ba lần số tiền đó.

Hai bản kế hoạch 

Hôm 19/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (Đảng Cộng hoà) đã công bố kế hoạch nâng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD. Ông cũng đề xuất giảm chi tiêu liên bang khoảng 4.500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Theo kế hoạch thứ hai, Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu trong nước và chi tiêu quân sự xuống mức của năm 2022, đồng thời giới hạn tốc độ tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm trong những năm tới.

Đề xuất trên sẽ không ảnh hưởng đến các chương trình hưu trí và y tế mà các nhà kinh tế dự đoán sẽ mở rộng đáng kể khi dân số già đi.

Kế hoạch của ông McCarthy cũng sẽ bãi bỏ các ưu đãi năng lượng xanh do Tổng thống Joe Biden ban hành hồi năm ngoái, mặt khác thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu khí trong nước và loại bỏ nỗ lực xoá nợ sinh viên trị giá 400 tỷ USD của ông chủ Nhà Trắng.

Ngoài ra, ông McCarthy còn muốn thu hồi số tiền cứu trợ COVID-19 chưa được sử dụng, huỷ bỏ khoản tăng ngân sách gần đây cho Sở Thuế vụ và áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn đối với một số chương trình phúc lợi.

Cũng theo đề xuất này, Quốc hội sẽ có quyền lực lớn hơn nhằm ngăn chặn các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, ông Biden và Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát nhiều khả năng sẽ bác bỏ các đề xuất này, nhưng ông McCarthy cho biết chúng sẽ đặt nền móng cho các cuộc đàm phán giữa hai bên về việc nâng trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD trong những tuần tới.

Nếu không thể nâng trần nợ, Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng vỡ nợ, làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ lẫn thế giới.

Tuy nhiên, tờ Reuters cho biết kế hoạch cắt giảm chi tiêu của ông McCarthy là không đủ để lấp đầy khoản thâm hụt ngân sách được dự đoán sẽ tăng thêm hơn 20 nghìn tỷ USD vào khối nợ quốc gia trong 10 năm tới.

“Tổng thống Biden có hai lựa chọn: ngồi vào bàn đàm phán và ngừng chơi trò chính trị đảng phải, hoặc quay lưng đi, từ chối đàm phán và mạo hiểm sa vào vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ”, ông McCarthy phát biểu tại Hạ viện.

Ông không tiết lộ khi nào Hạ viện, hiện do Đảng Cộng hoà kiểm soát, sẽ bỏ phiếu cho các kế hoạch mới.

Trước đó, Tổng thống Biden đã lần nữa nhấn mạnh rằng Quốc hội nên nâng trần nợ công mà không ràng buộc điều kiện nào, tương tự như những gì các nhà lập pháp đã làm ba lần dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

“Hãy gạt vấn đề vỡ nợ ra khỏi đây và chúng ta sẽ có một cuộc trò chuyện nghiêm túc, chi tiết về hướng phát triển nền kinh tế, giảm bớt chi phí và thu hẹp thâm hụt”, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ.

Hậu quả tiềm tàng

Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm (Committe for a Responsible Federal Budget), một tổ chức phi lợi nhuận, đã khen ngợi kế hoạch của ông McCarthy là “bước đi đầu tiên thực tế và cực kỳ đáng hoan nghênh”.

Song, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Neal bác bỏ, cho rằng đề xuất này “không nghiêm túc”, theo Reuters.

Chính phủ Mỹ đã đạt đến giới hạn vay nợ và vào mùa hè năm nay dự kiến sẽ không còn khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính nếu Quốc hội không hành động.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen từng cảnh báo rằng chính phủ liên bang có khả năng sẽ không thể xoay xở các khoản nợ, sớm nhất là vào đầu tháng 6.

Đề xuất nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD của ông McCarthy có thể giúp chính phủ cho đến đầu năm sau, tạo tiền đề cho một cuộc chiến trần nợ khác giữa chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2024.

Không rõ liệu kế hoạch của ông McCarty có thể gắn kết và đạt được sự đồng thuận của các đảng viên Cộng hoà tại Hạ viện hay không. Một số nghị sĩ có thể chùn bước trước giới hạn chi tiêu quân sự trong đề xuất.

Năm 2011, bế tắc liên quan đến trần nợ đã khiến S&P hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ liên bang Mỹ lần đầu tiên. Động thái này khiến thị trường náo loạn và làm tăng chi phí đi vay vào thời điểm đó.

Khả Nhân