|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Việt Nam cho vay 37 tỷ USD, Trung Quốc cho vay 867 tỷ USD: Các chủ nợ của Mỹ hưởng lãi suất bao nhiêu % mỗi năm?

16:11 | 07/03/2023
Chia sẻ
Thị trường tài chính Mỹ hiện nay đang chứng kiến tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn cao hơn so với kỳ hạn dài. Trong năm 2022, Mỹ đã chi gần 981 tỷ USD để trả lãi vay.

Tính đến ngày cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ đang nợ tổng cộng khoảng 31.400 tỷ USD, trong đó có hơn 7.300 tỷ USD là nợ nước ngoài, chiếm 23,3%.

Hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ đều đến từ châu Á, đó là Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Riêng hai cường quốc kinh tế phương Đông này đã nắm giữ gần 2.000 tỷ chứng khoán Kho bạc Mỹ. Việt Nam cũng cho vay khoảng 37 tỷ USD, đứng thứ 15 ở châu Á và thứ 36 trên thế giới.

Việt Nam là chủ nợ lớn thứ 15 của Mỹ ở châu Á và thứ 36 trên thế giới. 

Tín phiếu và trái phiếu

Chính phủ Mỹ vay tiền thông qua phát hành các loại chứng khoán nợ với nhiều kỳ hạn và lãi suất khác nhau, ví dụ như phương tiện tài chính với mục đích đặc biệt (SPV), trái phiếu tiết kiệm Mỹ, trái phiếu tiết kiệm lạm phát Mỹ, trái phiếu Kho bạc phòng ngừa lạm phát (TIPS), …

Tuy nhiên, ba loại phổ biến nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất là tín phiếu Kho bạc (T-bills), trái phiếu Kho bạc trung hạn (T-notes) và trái phiếu Kho bạc dài hạn (T-bonds).

Tín phiếu (T-bills) bao gồm các kỳ hạn 4, 8, 13, 17, 26 và 52 tuần. Tín phiếu 52 tuần được Kho bạc đưa ra đấu thầu 4 tuần một lần. Các kỳ hạn còn lại được đấu thầu hàng tuần. Tín phiếu thường được phát hành với giá thấp hơn mệnh giá, trả gốc và lãi cùng nhau và một lần duy nhất khi đáo hạn.

Ví dụ, một tín phiếu có mệnh giá 1.000 USD, kỳ hạn 8 tuần được bán lần đầu với giá 998 USD, tức là Kho bạc Mỹ nhận về 998 USD khi phát hành. Sau 8 tuần, Kho bạc trả cho nhà đầu tư đủ 1.000 USD, số chênh lệch 2 USD chính là tiền lãi vay.

Trái phiếu trung hạn (T-notes) gồm các kỳ hạn 2, 3, 5, 7 và 10 năm. Kỳ hạn 10 năm được đấu giá vào các tháng 2, 5, 8 và 11. Các kỳ hạn còn lại được đấu giá đều hàng tháng.

Giá phát hành T-notes có thể cao hơn, thấp hơn hoặc ngang bằng mệnh giá. T-notes trả lãi 6 tháng một lần, lãi suất cố định và không bao giờ thấp hơn 0,125%/năm.

Trái phiếu dài hạn (T-bonds) gồm các kỳ hạn 20 và 30 năm, được đấu giá 4 lần mỗi năm. Giống như T-notes, T-bond cũng trả lãi 6 tháng một lần, lãi suất cố định trong suốt vòng đời và không bao giờ thấp hơn 0,125%.

T-bonds có kỳ hạn dài hơn hẳn so với T-notes và T-bills nên rủi ro cao hơn và phải có lãi suất lớn hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, điều ngược đời đang xảy ra trên thị trường tài chính Mỹ khi các chứng khoán nợ kỳ hạn ngắn lại có lãi suất lớn kỳ hạn dài.

Đường cong lợi suất đảo ngược

Việc lãi suất kỳ hạn ngắn lớn hơn lãi suất kỳ hạn dài là biểu hiện của tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược.

Trong tháng 1 vừa qua, lãi suất trung bình của tất cả tín phiếu Kho bạc Mỹ (T-bills) là 4,242%, trong khi lãi suất trung bình của trái phiếu Kho bạc trung hạn (T-notes) là 1,753% và của trái phiếu Kho bạc dài hạn (T-bonds) là 3,022%.

Trong kỳ đấu thầu gần đây nhất, trái phiếu kỳ hạn 20 năm có lãi suất 3,875% còn kỳ hạn 30 năm có lãi suất thấp hơn, ở mức 3,625%. Lãi suất trung bình tháng 1/2023 của tất cả chứng khoán nợ do chính phủ Mỹ phát hành là 2,455%. 

Để so sánh, trong phiên đấu thầu gần đây nhất ngày 1/3, trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 5 năm có lãi suất trúng thầu 3,68%, kỳ hạn 10 năm là 4,17%.

Lãi suất tín phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn các trái phiếu kỳ hạn dài, đường cong lợi suất của Mỹ đang đảo ngược. 

Giả sử Việt Nam cho Mỹ vay 37 tỷ USD trong suốt một năm, tất cả đều dưới dạng tín phiếu (kỳ hạn từ 52 tuần trở xuống) với lãi suất trung bình 4,242% thì nước ta sẽ thu về khoảng 1,57 tỷ USD tiền lãi.

Nếu Việt Nam nắm giữ trái phiếu trung hạn (lãi suất bình quân 1,753%) hoặc trái phiếu dài hạn (3,022%) thì sẽ thu được lần lượt gần 649 triệu USD hoặc 1,12 tỷ USD.

Năm 2022, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ lên cao kỷ lục 980,6 tỷ USD.

Trong năm 2022 vừa qua, chính phủ Mỹ đã chi gần 981 tỷ USD để trả lãi vay, tăng 13% so với năm trước và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Năm 2021, Washington trả lãi vay tổng cộng 866,7 tỷ USD, trong đó có 147 tỷ USD đến tay các chủ nợ nước ngoài, gần 720 tỷ thuộc về các bên cho vay trong nước.

Trong ba quý đầu năm 2022, chính phủ Mỹ chi 701 tỷ USD cho lãi vay, bao gồm gần 132 tỷ USD cho chủ nợ nước ngoài. Với quý IV, tổng chi phí lãi vay là hơn 279 tỷ USD nhưng chưa rõ chi tiết bao nhiêu cho chủ nợ trong nước và nước ngoài. 

Khoảng 15 - 18% chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ là dành cho các chủ nợ nước ngoài, 82 - 85% là cho các bên cho vay trong nước.

Đức Quyền - Song Ngọc