|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư lo chính phủ Mỹ vỡ nợ, chi phí bảo hiểm rủi ro lên cao nhất kể từ 2008

07:58 | 24/04/2023
Chia sẻ
Chi phí bảo hiểm cho trường hợp chính phủ Mỹ vỡ nợ (hợp đồng CDS) đã tăng lên mức cao kỷ lục, cho thấy thị trường đang bất an về tình hình tài chính của Washington.

Theo Financial Times, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap - CDS ) trong một năm của Mỹ đã được giao dịch ở mức 106 điểm cơ bản (bps). CDS là công cụ phái sinh để bảo hiểm trong trường hợp một doanh nghiệp hoặc quốc gia vỡ nợ.

Giá hợp đồng CDS đối với khả năng vỡ nợ của chính phủ Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008, tăng 15 điểm cơ bản so với đầu năm và vượt xa năm 2011, khi sự bất đồng về trần nợ ở Washington khiến Mỹ mất đánh giá tín dụng cao tuyệt đối AAA.  

 

Hiện tại, khối nợ của chính phủ Mỹ đã vượt quá trần nợ là 31.400 tỷ USD. Tuy nhiên, các biện pháp của Bộ Tài chính có thể kéo dài thời hạn vỡ nợ của Washington tới khoảng tháng 6/2023. Cho đến nay, các cuộc đàm phán nhằm nâng trần nợ tại Washington vẫn đang bế tắc.

Sự tăng giá của hợp đồng CDS cho thấy các nhà đầu tư đang cố gắng bảo hiểm trước rủi ro Mỹ vỡ nợ, hoặc cố gắng kiếm lời. Tuy nhiên, khả năng chính phủ Mỹ không chi trả được nợ vẫn được coi là khó xảy ra.

Các nhà phân tích cho biết thị trường và các hợp đồng CDS một năm tương đối nhỏ và kém thanh khoản. Bởi vậy, chúng khó có thể được sử dụng làm thước đo cho kỳ vọng thị trường về khả năng vỡ nợ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, CDS của các quốc gia đáng tin cậy nhất thường chỉ được giao dịch trong khoảng từ 25 đến 50 điểm cơ bản thay vì 106 bps như Mỹ hiện nay, theo các nhà phân tích từ ING.

Ông Antoine Bouvet, người đứng đầu về chiến lược lãi suất khu vực châu Âu của ING, nhận định: “Mỹ rõ ràng được coi là có rủi ro vỡ nợ cao hơn nhiều so với hầu hết [các quốc gia khác]”. Ông cho biết CDS của Italy, Anh và Hy Lạp hiện đang giao dịch lần lượt ở mức 39, 14 và 46 bps.

Những quốc gia có rủi ro vỡ nợ “thực sự” thường có giá hợp đồng CDS lên tới hàng nghìn bps. Tuy vậy, “thị trường không thoải mái về rủi ro vỡ nợ của Mỹ”, ông Bouvet nói.

Giá của các hợp đồng CDS 5 năm - hình thức bảo hiểm khả năng vỡ nợ được giao dịch rộng rãi nhất - cũng đã đạt đỉnh trong vào hơn một thập kỷ vào tháng này, ở mức 50 bps.

 

Doanh thu thuế tháng 4 thấp hơn dự kiến đang chỉ làm tăng thêm những lo ngại trên, kéo thời điểm chính phủ Mỹ hết tiền ngày càng gần.

Các nhà phân tích tại Danske Bank cho biết số dư của Bộ Tài chính Mỹ hiện nay ở mức khoảng 250 tỷ USD, nghĩa là thời điểm Washington hết tiền có thể đến sớm nhất vào đầu tháng 6, “nhanh hơn đáng kể” so với ước tính trước đó là từ tháng 7 đến tháng 9.

Ngân hàng này cho biết thêm: “Việc tạm đình chỉ trần nợ cho đến khi vòng đàm phán ngân sách tiếp theo diễn ra vào mùa đông 2023 ngày càng có khả năng xảy ra”. 

Khi được hỏi về những hậu quả của việc vỡ nợ, Tổng thống Joe Biden cho biết khả năng trên sẽ là “một tai họa”, vượt quá “bất cứ điều gì từng xảy ra đối với nền tài chính Mỹ”.

 

Minh Quang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.