|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'

15:18 | 13/09/2024
Chia sẻ
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.

Chiều 13/9 đã diễn ra Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 9/2024 với chủ đề 'Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300'. Toạ đàm do VietnamBiz phối hợp cùng Công ty Giải pháp Dữ liệu WiGroup tổ chức.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng Phân tích Công ty Giải pháp Dữ liệu WiGroup, cho hay chúng ta đang đứng trước một thời điểm đặc biệt của nền kinh tế toàn cầu, với những quyết định quan trong từ chính sách lãi suất của Fed và những lo ngại về suy thoái kinh tế. Có thể vài tháng nữa, bức tranh kinh tế tiêu cực, hay tích cực sẽ trở lên rất rõ ràng nhưng nhà đầu tư cần đi sớm hơn, nắm bắt xu hướng tốt hơn để tránh rơi vào thế "muộn màng".

Hiện giới phân tích chia làm hai phe. Phe tích cực nhìn nhận vấn đề suy thoái là hạ cánh mềm và năm 2025 sẽ tốt hơn năm 2024, về kinh tế Mỹ cũng như ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Còn phe tiêu cực nhìn nhận vấn đề suy thoái là hạ cánh cứng, sẽ gây ra đổ vỡ và ảnh hưởng nặng tới kinh tế Mỹ cũng như Việt Nam.

 Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 9/2024 với chủ đề 'Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300". (Ảnh: BTC).

Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM cho rằng khủng hoảng hay suy thoái là những vấn đề rất khó dự báo và thường chúng ta chỉ có thể biết được suy thoái khi nó đã xảy ra. 

Dẫn chứng câu chuyện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi Nữ hoàng Anh đến thăm Trường Kinh tế London và đặt câu hỏi rằng sao không nhà kinh tế học nào dự báo được khủng hoảng này để thấy rằng dự báo một cuộc khủng hoảng không hề đơn giản.

"Hiện tại kinh tế Mỹ chưa suy thoái, nhưng có nhiều dấu hiệu cảnh cáo, giống như những người có lượng đường trong máu tăng cao có thể gặp nguy cơ tiểu đường", ông Huy nói.

Theo ông, ở góc nhìn là người theo dõi và cũng là nhà đầu tư thì có những dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng, cần phải tôn trọng những tín hiệu ấy. Nhưng không phải vì vậy mà bi quan và không đầu tư. 

4 dấu hiệu chính về suy thoái

Dấu hiệu chính về kinh tế bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, sức khỏe nền kinh tế, đường cong lợi suất và chỉ số VIX.

Gần đây tỷ lệ thất nghiệp, quy tắc Sahm được nhắc đến nhiều. Báo cáo việc làm tháng 7 đã kích hoạt quy tắc Sahm, chưa sai bao giờ. Theo Quy tắc Sahm, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó thì nền kinh tế đã rơi vào suy thoái. Ý tưởng của tác giả quy tắc này là quán tính của tỷ lệ thất nghiệp tăng lên thì sẽ tăng rất nhanh.

Tuy nhiên giờ đây thị trường việc làm khác rồi, nên cần phải phân tích rõ ràng hơn. Thật sự tỷ lệ thất nghiệp vi phạm, tháng 8 vẫn vi phạm nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại ổn hơn, đã đặt dấu hỏi về quy tắc này có còn chính xác hay không.

Về sức khỏe nền kinh tế Mỹ từ khi Fed nâng lãi suất thì PMI đã rớt rất sâu rồi, vừa qua chạm biên 45. Đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược rất lâu rồi, nhưng khi mà Fed có tín hiệu hạ lãi suất thì đường cong lợi suất đã biến mất. Từ tháng 9 đã trở lại bình thường.

Về chỉ số biến động VIX, có nhiều tranh luận cho rằng cách tính VIX cần thay đổi do chịu nhiều ảnh hưởng từ cổ phiếu công nghệ. Trong tháng 8, VIX lên trên 30, mức cao nhất trong nhiều năm. VIX trên ngưỡng cao như vậy thì có thể là sự cảnh báo.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên , Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng. (Ảnh: BTC).

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên , Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cũng cho rằng dự báo suy thoái rất khó.

Khoảng thời điểm 2022, rất nhiều bài báo, nhà kinh tế nói rằng kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ trải qua suy thoái. Bloomberg thậm chí còn dự báo rằng 100% kinh tế Mỹ sẽ suy thoái 2023, nhưng kinh tế Mỹ thực tế vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Lạm phát giảm dần, trong khi Fed tăng lãi suất, thất nghiệp thấp nhất nhiều thập kỷ. Cá nhân rất thích kịch bản hạ cánh mềm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích chỉ tin vào dữ liệu. Dữ liệu kinh tế hiện tại của Mỹ ở chiều hướng khá tích cực, đủ đảm bảo vào một kịch bản tích cực hơn.

Mỗi lần suy thoái, hậu quả hết sức ghê gớm

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM. (Ảnh: BTC).

Nhấn mạnh về mức độ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, ông Huy cho rằng mỗi lần suy thoái, hậu quả hết sức ghê gớm. Điều đáng sợ nhất không phải sau suy thoái có phục hồi hay không, bởi theo thời gian luôn phục hồi. Câu chuyện là chịu đựng thế nào khi suy thoái quét qua.

Có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ. Vậy thống kê có ý nghĩa hay không? Nhiều người thống kê sau khi Fed cắt giảm lãi suất thì chứng khoán ra sao?

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng suy thoái là một sự kiện đủ hiếm để thấy mọi thống kê đều không có ý nghĩa gì cả. Mỗi lúc một bối cảnh khác nhau, không thể khẳng định Fed hạ lãi suất thì thị trường tăng, giảm ra sao.

"Theo tôi, Fed cắt giảm lãi suất bao nhiêu mới là quan trọng. Tôi ủng hộ Fed hạ lãi suất càng nhiều càng tốt. Fed hạ lãi suất nhanh thì xác suất suy thoái thấp đi trong ngắn hạn", Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM nói.

Toạ đàm hiện đang được livestream trên các nền tảng VietnamBiz (https://vietnambiz.vn), livestream Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz).

Hạ An - Minh Quang