|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thêm một startup Việt rời cuộc chơi thương mại điện tử B2B: Hơn 400 nhân sự mất việc, 6 năm ròng chưa có lãi

10:10 | 07/02/2025
Chia sẻ
Telio, startup thương mại điện tử B2B hàng đầu Việt Nam, đã chính thức đóng cửa vào cuối năm 2024 sau khi không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được đối tác mua lại, đánh dấu một thất bại lớn trong lĩnh vực số hóa chuỗi cung ứng bán lẻ.

Telio, một trong những công ty thương mại điện tử B2B hàng đầu tại Việt Nam, đã đóng cửa vào cuối năm ngoái. Công ty không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được đối tác mua lại. Nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong xác nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia.

Theo ông Phong, Telio ngừng hoạt động tại Việt Nam vào cuối tháng 11/2024 và giải thể tư cách pháp nhân vào tháng 12. Khoảng 400 nhân viên mất việc, bao gồm cả đội ngũ công nghệ tại Ấn Độ.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8/2024, ông Phong cho biết Telio đã giảm lỗ hàng tháng xuống còn 280.000 USD. Đây là mức giảm 80% so với đỉnh điểm 1,4 triệu USD.

Công ty đặt mục tiêu đạt lợi nhuận EBITDA vào giữa năm 2026. Ban đầu, Telio kỳ vọng huy động được 10-15 triệu USD vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, công ty không thể đạt được mục tiêu này và cũng không tìm được cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A).

Telio từng là đối thủ của Vinshop,Ninja Mart. (Ảnh: Telio).

Từ khởi nghiệp đến đóng cửa

Telio được thành lập vào năm 2019 với mục tiêu kết nối các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ với các thương hiệu và nhà cung cấp. Công ty là một trong những startup đầu tiên tại Việt Nam số hóa mô hình này. 

Trong quá trình hoạt động, Telio huy động được 52,5 triệu USD qua 5 vòng gọi vốn. Công ty nhận đầu tư từ nhiều quỹ lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG.

Từ giữa năm 2022, Telio bắt đầu thu hẹp hoạt động và cắt giảm chi phí. Công ty tập trung tối ưu hóa mô hình kinh doanh và hạn chế bán các mặt hàng có lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, những thay đổi này đến quá muộn vì công ty đã mở rộng quá nhanh trong hai năm đầu.

Telio không thể giải quyết những thách thức lớn của thương mại điện tử B2B. Công ty gặp khó khăn vì chi phí vận hành cao, biên lợi nhuận thấp từ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và chuỗi cung ứng nhiều tầng trung gian. 

Theo ông Phong, quy mô hoạt động khiến Telio không thể áp dụng chiến lược kinh doanh lợi nhuận cao nhưng khối lượng thấp.

Trước khi đóng cửa, Telio đạt doanh thu 2,5-3 triệu USD mỗi tháng. Tuy nhiên, do nguồn vốn cạn kiệt, công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng hoạt động.

Không phải là cái tên đầu tiên

Trước đó vào năm 2023, công ty TNHH Kilo MDC, đơn vị quản lý startup Kilo, đã chính thức tạm ngừng kinh doanh sau khoảng 3 năm hoạt động. Kilo do ông Kartick Narayan sáng lập – người từng giữ vị trí Giám đốc Marketing (CMO) của Groupon, Phó Chủ tịch Coupang và Giám đốc Kinh doanh của Tiki.

Dù công ty thông báo rằng đây chỉ là tạm ngừng hoạt động trong thời gian nhất định, nhưng khả năng Kilo quay lại lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) B2B tại Việt Nam là rất thấp.

Kilo được thành lập với mục tiêu kết nối các nhà bán buôn với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Startup này cũng kỳ vọng sẽ số hóa chuỗi cung ứng bán lẻ tại Việt Nam bằng công nghệ.

Ông Kartrick Narayan (đứng giữa) cùng đội ngũ của Kilo (Ảnh: Kilo) 

Cuối năm 2021, Kilo từng huy động thành công 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Dù lý do cụ thể khiến công ty ngừng hoạt động chưa được công bố, nhưng thị trường thương mại điện tử B2B tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn.

Mặc dù thị trường này vẫn còn khá mới, chỉ đạt dưới 150 triệu USD vào năm 2020, nhưng mô hình này đang tạo ra sự thay đổi lớn trong hệ thống phân phối hàng hóa tại các đô thị.

Khác với thương mại điện tử B2C, các giao dịch B2B thường có giá trị đơn hàng lớn. Theo Forrester, giá trị trung bình mỗi đơn hàng B2B vào khoảng 491 USD, cao hơn nhiều so với con số 147 USD của B2C. Ngoài ra, tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng của B2B cao gấp ba lần so với B2C, trong khi rủi ro hủy đơn cũng thấp hơn.

Một trong những lợi thế lớn nhất của thương mại điện tử B2B là khả năng tối ưu quản lý chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp kiểm soát nhiều mối quan hệ với nhà cung cấp cùng lúc. Điều này đặc biệt quan trọng tại Việt Nam, nơi mà các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo số liệu từ RedSeer Consulting, khoảng 88% hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn được phân phối qua kênh truyền thống. Điều này cho thấy dù thương mại điện tử B2B có tiềm năng phát triển, nhưng việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang nền tảng số vẫn còn nhiều thách thức.

Dự án mới

Telio là startup thứ hai của Bùi Sỹ Phong thất bại. Năm 2015, ông thành lập OnOnPay, một ví điện tử và nền tảng nạp tiền điện thoại, để tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của smartphone tại Việt Nam. Telio, dự án thứ hai của ông, được lấy cảm hứng từ chương trình eFounders Fellowship của Alibaba.

Năm 2020, ông Phong thua một vụ kiện kéo dài hai năm tại Singapore. Các nhà đầu tư trước đó cáo buộc ông sử dụng nguồn lực của họ để phát triển Telio mà không có sự đồng ý.

Việc Telio đóng cửa là một cú sốc lớn với lĩnh vực thương mại điện tử B2B tại Việt Nam. Dù startup Telio đã bỏ cuộc chơi thương mại điện tử B2B, nhưng vẫn còn đó những tên tuổi lớn, như VinShop, Karavan, hay Ninja Mart.

Sau khi Telio ngừng hoạt động, ông Phong cho biết đang tự gây dựng vốn và tuyển dụng nhân sự cho một dự án mới. Dự án này tập trung vào phát triển game AAA, tức các trò chơi có ngân sách lớn và chất lượng cao. VNG, một tập đoàn game lớn tại Việt Nam, từng là nhà đầu tư của Telio.

Đức Huy