|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh thu thuế của Bộ Tài chính yếu hơn dự kiến, nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ ngày càng lớn?

17:11 | 21/04/2023
Chia sẻ
Sau hạn chót ngày 18/4, số tiền thuế mà Bộ Tài chính Mỹ thu về là hơn 108 tỷ USD - thấp hơn dự kiến và làm gia tăng nguy cơ chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ.

Toà nhà của Bộ Tài chính Mỹ tại thủ đô Washington. (Ảnh: Bloomberg).

Đổ dồn vào tín phiếu Kho bạc

Hôm 20/4, lợi suất tín phiếu Kho bạc kỳ hạn một tháng đã giảm gần 0,5 điểm % trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về khả năng chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ sớm hơn dự kiến.

Các bản khai thuế liên bang (federal tax receipts) đến hạn vào ngày 18/4 cho thấy doanh thu thuế của chính phủ thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích. Điều này có thể dẫn đến việc Washington cạn tiền trước thời điểm giữa tháng 6, trừ khi Quốc hội đồng ý nâng trần nợ công.

Thông tin trên đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến tín phiếu Kho bạc kỳ hạn một tháng, dự kiến sẽ đáo hạn trước thời điểm chính phủ có nguy cơ vỡ nợ. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy lợi suất của loại tín phiếu này đã sụt gần 0,5 điểm % vào ngày 20/4 xuống 3,26%.

Trong khi đó, lợi suất tín phiếu đáo hạn vào ngày 20/6 chỉ giảm 0,05 điểm % xuống còn 4,78%. Chênh lệch lợi suất giữa tín phiếu kỳ hạn một tháng và hai tháng thường không lớn như vậy, tờ Barron’s lưu ý.

Mặc dù việc chính phủ Mỹ vỡ nợ được coi là một sự kiện có rủi ro thấp, các nhà đầu tư dường như không tin tưởng và đang đổ dồn vào các khoản nợ ngắn hạn của chính phủ có ngày đáo hạn trước tháng 6.

Trong một ghi chú cùng ngày 20/4, nhà phân tích Greg Valliere của công ty quản lý tài sản AGF nhận định: “[Trong mắt nhà đầu tư], khả năng Mỹ vỡ nợ đã đột ngột chuyển từ một mối đe doạ xa xôi thành một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra...

...nhờ vào dữ liệu thu thuế đáng thất vọng mà Bộ Tài chính công bố trong tuần này, chúng ta có thể thấy doanh thu thuế tăng ít hơn so với dự kiến”.

Bộ Tài chính thu được bao nhiêu tiền thuế?

Hôm 18/4, số tiền thuế mà Bộ Tài chính thu về để trang trải các nghĩa vụ nợ chỉ tăng 108,47 tỷ USD. Số dư tiền mặt của bộ này đã tăng từ 144,08 tỷ USD một ngày trước đó lên 252,55 tỷ USD tỷ USD.

Theo AGF, một lý do dẫn đến doanh thu thuế không được như kỳ vọng là việc thị trường chứng khoán suy yếu vào năm ngoái, ảnh hưởng đến các khoản thuế đánh vào thặng dư vốn (capital gain taxes).

Thời gian gần đây, tài khoản ngân hàng của Bộ Tài chính đang trên đà đi xuống do các biện pháp mà giới chức trách thực hiện để lách trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD. Tuần trước, số dư đã giảm xuống chỉ còn 86,55 tỷ USD.

Số tiền thuế mới thu được đã giúp số dư tài khoản của Bộ Tài chính tăng lên mức Bloomberg nhìn thấy lần cuối vào ngày 20/3. Liệu biến động số dư nói trên có thể tạo điều kiện để các nhà lập tìm ra giải pháp cho bế tắc trần nợ và tránh vỡ nợ kỹ thuật hay không là vấn đề chưa có lời giải.

 

Tuần trước, các chiến lược gia của Bank of America cho biết nếu số dư tiền mặt của Bộ Tài chính tăng hơn 200 tỷ USD sau thời hạn 18/4 thì đây có thể coi là một con số lớn, trong khi nếu dưới 150 tỷ USD lại là con số khiêm tốn.

Điểm mấu chốt là liệu số tiền thuế thu vào ngày 18/4 có đủ lớn để Bộ Tài chính thực hiện các nghĩa vụ nợ cho đến khi lượng tiền thuế tiếp theo chảy vào ngân khố vào ngày 15/6 hay không, các nhà phân tích cho hay.

Nếu số liệu khả quan, Bộ Tài chính có thể xoay xở đến ngày 30/6 (khi một nghiệp vụ mang về cho cơ quan này 145 tỷ USD) và ngăn tình trạng vỡ nợ cho đến cuối mùa hè. Ngược lại, nếu số tiền thuế thu được thấp hơn, chính phủ Mỹ có thể không duy trì được đến ngày 15/6.

Ở diễn biến khác, cơ hội để các nhà lập pháp thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đàm phán đang thu hẹp lại sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy công bố kế hoạch nâng trần nợ công nhưng yêu cầu chính phủ của Tổng thống Joe Biden phải hạn chế chi tiêu.

Thông qua bản kế hoạch dài 320 trang, ông McCarthy đề xuất sẽ nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD, đủ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho đến ngày 31/3/2024. Mặt khác, ông kiến nghị giảm chi tiêu liên bang khoảng 4.500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Theo kế hoạch thứ hai, Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu trong nước và chi tiêu quân sự xuống mức của năm 2022, đồng thời giới hạn tốc độ tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm trong những năm tới.

Kế hoạch của ông McCarthy cũng sẽ bãi bỏ các ưu đãi năng lượng xanh do Tổng thống Joe Biden ban hành hồi năm ngoái, mặt khác thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu khí trong nước và loại bỏ nỗ lực xoá nợ sinh viên trị giá 400 tỷ USD của ông chủ Nhà Trắng.

Ngoài ra, ông McCarthy còn muốn thu hồi số tiền cứu trợ COVID-19 chưa được sử dụng, huỷ bỏ khoản tăng ngân sách gần đây cho Sở Thuế vụ và áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn đối với một số chương trình phúc lợi.

Ông Biden và Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát nhiều khả năng sẽ bác bỏ các đề xuất trên. Ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định rằng vấn đề trần nợ và ngân sách phải tách bạch với nhau.

Khả Nhân