|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản chuyển hướng chính sách năng lượng hạt nhân

15:30 | 21/12/2024
Chia sẻ
Dự thảo Kế hoạch năng lượng chiến lược của Chính phủ Nhật Bản nêu rõ nước này sẽ sử dụng càng nhiều năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân càng tốt.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố dự thảo Kế hoạch năng lượng chiến lược của chính phủ, trong đó đáng chú ý là sự thay đổi đối với chính sách năng lượng hạt nhân sau khi liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh đạt được thỏa thuận về vấn đề này.

Dự thảo đóng vai trò là hướng dẫn cho chính sách năng lượng trung hạn và dài hạn của quốc gia, đang được sửa đổi lần đầu tiên sau ba năm. Bản dự thảo nêu rõ mục tiêu đối với các nguồn năng lượng trong năm tài chính 2040, bao gồm tỷ lệ từ các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, để đạt được cả mục tiêu phi carbon hóa và nguồn cung cấp điện ổn định.

Về năng lượng hạt nhân, cụm từ "giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt" đã bị xóa khỏi bản dự thảo. Thay vào đó, bản dự thảo nêu rõ rằng quốc gia sẽ sử dụng càng nhiều năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân càng tốt.

Nội dung mới cho thấy Chính phủ Nhật Bản quyết tâm thay đổi chính sách năng lượng thay vì giữ nguyên chính sách đã có kể từ trận động đất lớn ở miền Đông Nhật Bản vào năm 2011. Trước đó, LDP và đảng Công minh không đạt được nhất trí về mức độ phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

Ông Yoshifumi Murase, Ủy viên của Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng, đã nói với một nhóm chuyên gia rằng vấn đề không phải là chỉ sử dụng năng lượng tái tạo hoặc chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân, "điều quan trọng là phải sử dụng cả hai càng nhiều càng tốt".

Kể từ trận động đất lớn ở các vùng Đông Bắc năm 2011, lĩnh vực năng lượng tái tạo của Nhật Bản, vốn đang phát triển nhanh chóng, đã bị trì trệ. Việc tiến tới chỉ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo mà không cân nhắc đến mọi khả năng khác có thể dẫn đến nguồn cung cấp điện không ổn định, làm tăng giá điện và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Trước trận động đất năm 2011, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% lượng điện được tạo ra tại Nhật Bản, nhưng kể từ thảm họa, chỉ có 14 lò phản ứng được tái hoạt động cho đến nay. Trong năm tài chính 2023, sản xuất điện hạt nhân chiếm 8,5%.

Do nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng, Chính phủ Nhật Bản tin rằng điều quan trọng là phải thúc đẩy đưa cụm từ "sử dụng năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt" vào dự thảo. Nhưng LDP và đảng Công minh đã bất đồng quan điểm về việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Những người ủng hộ đảng Công minh phản đối năng lượng hạt nhân và trong cuộc bầu cử Hạ viện năm nay, đảng này đã đưa ra cam kết về chính sách năng lượng, trong đó nhấn mạnh mục tiêu giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nguồn năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, LDP muốn xóa cụm từ về việc giảm sự phụ thuộc của đất nước vào năng lượng hạt nhân khỏi kế hoạch năng lượng giai đoạn tiếp theo, một phần là do các giới công nghiệp thúc đẩy việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân.

Các thành viên đảng Công minh đã nhiều lần thảo luận về một đề xuất liên quan đến vấn đề này kể từ đầu tháng 11/2024, nhưng không cải thiện được tình hình.

Theo các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, cựu Bộ trưởng Kinh tế Hiroshi Kajiyama của LDP đã thuyết phục cựu Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Kazuyoshi Akaba, người chịu trách nhiệm về chính sách năng lượng của đảng Công minh, xóa cụm từ về việc “giảm sự phụ thuộc của đất nước vào năng lượng hạt nhân”.

Đề xuất của đảng Công minh gửi đến chính phủ không bao gồm cụm từ này. Ban đầu, đảng này cũng phản đối, nhưng sau đó miễn cưỡng chấp nhận cụm từ về việc xây dựng các lò phản ứng mới tại các địa điểm khác của nhà máy điện hạt nhân, ngoài những nhà máy sắp ngừng hoạt động.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)