Nhờ đâu Singapore phát triển không cần tài nguyên, diện tích ngày một rộng lớn?
Singapore mới giành được độc lập từ năm 1965, nhưng đến cuối thế kỷ 20, Singapore được coi là một trong 4 con rồng của châu Á, cùng với Hong Kong, Hàn Quốc và Đảo Đài Loan. Thu nhập bình quân thực tế hàng năm (GDP đầu người) của quốc đảo này tăng gần 18 lần trong 60 năm, từ chỉ khoảng 3.600 USD/năm lên hơn 66.000 USD/năm và dẫn đầu châu Á.
Singapore giàu lên nhanh chóng mà không cần tài nguyên, trên một lãnh thổ vô cùng chật chội. Mặc dù vậy, diện tích đất đai của đảo quốc sư tử đang ngày một tăng lên.
Vậy làm sao một hòn đảo nhỏ, không có tài nguyên ở Đông Nam Á lại đạt được những thành tựu to lớn trong một thời gian ngắn như vậy?
Vị trí chiến lược, chính sách hợp lý
Theo AsiaTimes, Singapore không có khoáng sản quý nào nhưng lại nắm trong tay hai tài nguyên chiến lược là vị trí địa lý và con người.
Singapore nằm ngay trên Eo biển Malacca, cửa ngõ của một trong những tuyến vận tải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Từ sớm, hoạt động thương mại và cướp biển tại khu vực này đã rất phát triển.
Singapore đóng vai trò như một trung tâm điều phối hàng hóa đi từ châu Âu, Ấn Độ, Châu Phi sang phía Đông Á. Khoảng 30% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển này.
Ngoài vị trí vô cùng thuận lợi, một thứ tài nguyên đặc biệt mà Singapore sở hữu chính là con người, trong đó có những nhà lãnh đạo tài ba. Chỉ số phát triển con người (HDI) của đảo quốc sư tử đạt mức rất cao là 0,938, tương đương với đa số quốc gia Bắc Âu.
Trình độ học vấn cao, kèm theo những chính sách thúc đẩy lĩnh vực công giúp Singapore xây dựng được môi trường đầu tư thân thiện với doanh nghiệp. Các công ty đa quốc gia thường lựa chọn đảo quốc sư tử để đặt trụ sở do các ưu đãi về thuế quan.
Tất nhiên vị trí chiến lược là một điều kiện cần, nhưng Ai Cập hay Panama, cũng nắm trong tay những tuyến vận tải chẳng kém phần quan trọng, lại không tận dụng được hết ưu thế trên. Các quốc gia này thường vướng phải các vấn đề như bất ổn chính trị, tham nhũng, quan liêu.
Ngược lại, Singapore duy trì được một nền chính trị ổn định, nền kinh tế cởi mở và dịch vụ công hiệu quả. Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã chèo lái đất nước từ 1959 đến tận 1990 đã biến Singapore từ “quốc gia Thế giới thứ Ba thành Thế giới thứ Nhất chỉ trong một thế hệ”.
Ông Lý giữ chế độ độc đảng, thực hiện nhiều cải cách xuyên suốt, từ đó tạo nên môi trường chính trị và kinh tế ổn định, thu hút các nhà đầu tư. Gần đây, Singapore đã vượt qua Hong Kong để trở thành trung tâm tài chính của châu Á. Sau các cuộc biểu tình và bất ổn tại Hong Kong, các nhà đầu tư đã tìm đến lựa chọn an toàn hơn là Singapore.
Diện tích không ngừng tăng
Singapore nằm trong top 20 quốc gia nhỏ bé nhất thế giới với diện tích năm 2020 là 728,3 km2. Để so sánh, riêng thành phố Hà Nội có diện tích lên tới 3.360 km2, tức gấp hơn 4,6 lần diện tích Singapore.
Trước kia, đảo quốc sư tử còn nhỏ hơn rất nhiều. Vào năm 1960, diện tích của Singapore chỉ là 581,5 km2. Hay nói cách khác, trong 60 năm, Singapore đã rộng thêm khoảng 25%.
Trong khi nhiều quốc đảo khác đang ngày một nhỏ đi do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, diện tích của Singapore vẫn đang ngày một tăng lên. Và tất nhiên, Singapore không sáp nhập lãnh thổ hay xâm chiếm đất đai của các nước láng giềng như Malaysia hay Indonesia.
Tất cả diện tích đất mà Singapore có được là nhờ lấn biển. Tới năm 2030, quốc gia này đặt mục tiêu sẽ nâng diện tích lên 766 km2. Đất lấn biển đã trở thành một động lực lớn cho kinh tế của Singapore.
Hòn đảo Jurong, nơi đặt nhà máy của nhiều công ty hóa dầu lớn; sân bay Changi, cảng hàng không tốt nhất thế giới; và cảng Tuas đều được xây dựng trên nền đất lấn biển. Và để có được mặt bằng, Singapore phải cần đến rất nhiều cát.
Theo SG101, trong những dự án lấn biển ban đầu, Singapore sử dụng cát được tìm thấy ngay trên đảo. Kế hoạch Lấn biển Bờ Đông được tiến hành ngay sau khi quốc đảo này độc lập đã sử dụng đất từ những ngọn đồi tại khu vực Siglap và Tampines để mở rộng nền đất tại Bedok.
Tuy nhiên, quốc đảo với diện tích ban đầu là 578 km2 cũng chẳng có nhiều đất, cát để san lấp ra biển. Bởi vậy, Singapore đã phải nhập khẩu cát từ nước ngoài. Theo một báo cáo năm 2019 của Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, đảo quốc sư tử đã trở thành nhà nhập khẩu cát lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm qua.
Singapore đã mua khoảng 517 triệu tấn cát từ các quốc gia láng giềng. Để dễ hình dung hơn thì tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa ở Dubai, có khối lượng khoảng 500.000 tấn. Nói cách khác, Singapore đã đổ lượng cát tương đương hơn 100 tòa Buji Khalifa xuống biển.
Gần đây, đảo quốc sư tử đang gặp khó khăn trong việc mua cát từ nước ngoài. Những nhà cung ứng truyền thống của Singapore như Malaysia và Indonesia đã cấm hoạt động xuất khẩu cát vì lý do môi trường. Việt Nam cũng từng là một nhà xuất khẩu mặt hàng cát lớn của Singapore, tuy nhiên đến năm 2009, chính phủ đã cấm hoạt động này.
Trong tương lai, tham vọng lấn biển của Singapore đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Trước tiên, hiện tượng băng tan khiến nước biển dâng cao đang có nguy cơ nuốt trọn một số lãnh thổ của Singapore. Vào năm 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố quốc đảo này sẽ bỏ ra 100 tỷ USD để chống lại những hậu quả của nước biển dâng.
Ngoài ra, việc các nước ngày càng hạn chế xuất khẩu cát, một loại tài nguyên mang tính chiến lược, sẽ khiến việc kiếm đủ cát ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn.
Không cần khoáng sản, vẫn xuất khẩu xăng dầu
Singapore không hề có mỏ dầu, khí đốt hay bất cứ loại khoáng sản đáng kể nào. Bất chấp những điểm yếu đó, Singapore vẫn trở thành một trong những người chơi lớn nhất trong ngành công nghiệp dầu khí của thế giới.
Theo Dữ liệu của Đài Quan sát Kinh tế (OEC), vào năm 2020, dầu khí đứng thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu của Singapore, đạt kim ngạch hơn 27 tỷ USD. Quốc đảo nhỏ bé này được coi như "trung tâm dầu mỏ của châu Á". Dầu khí chính là ngành công nghiệp giúp Singapore giàu lên nhanh chóng bên cạnh lĩnh vực điện tử.
Ngoại trừ việc không có tài nguyên, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng của Singapore đều thuận lợi. Đảo quốc sư tử sở hữu cảng nước sâu phù hợp, cơ sở hạ tầng và ngành ngân hàng phát triển, đồng thời có vị trí chiến lược trên cực nam của bán đảo Malaysia, gần tuyến vận tải sôi động nhất thế giới.
Ngành dầu khí có thể được chia làm ba phần, bao gồm khai thác, vận chuyển và tinh chế. Singapore vốn đã là một mắt xích quan trọng trong hoạt động vận chuyển dầu khí toàn cầu.
Bởi hoạt động tinh chế dầu mỏ đòi hỏi đầu tư nhiều vốn, việc có một chuỗi giá trị được tích hợp tốt sẽ giúp chi phí giảm thiểu. Hay nói cách khác, các cơ sở khai thác, vận chuyển và tinh chế càng gần nhau thì lợi nhuận sẽ càng cao.
Trước khi giành được độc lập, Singapore đã là trung tâm thương mại và phân phối dầu mỏ của khu vực châu Á. Vào những năm 1800, Syme & Company đã xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Singapore. Công ty này sau đó đã trở thành Shell, gã khổng lồ trong ngành năng lượng toàn cầu.
Singapore có vị trí thuận lợi, nhưng các doanh nghiệp vẫn tránh xây dựng nhà máy trên đảo quốc sư tử do diện tích nhỏ hẹp, quá nhiều bất ổn chính trị … Đến năm 1960, chính phủ Singapore mới ký kết thỏa thuận quan trọng với phía Nhật Bản về việc xây dựng một nhà máy trị giá 30 triệu USD.
Sau đó, vào cuối những năm 1960 và 1980, Shell đầu tư mạnh vào hòn đảo này. BP cũng tham gia vào năm 1962, tiếp đó là Mobil năm 1966, và Esso (tiền thân của Exxon Mobil) năm 1969. Sự phát triển nhanh chóng của ngành dầu khí Singapore được thúc đẩy bởi một loạt xung đột toàn cầu. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam và tại Trung Đông đã khiến dầu thiếu hụt và giá cả tăng cao.
Đa số nhiên liệu được Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam được chế xuất tại Singapore. Đến năm 1974, Singapore đã có 5 nhà máy lọc dầu, với công suất lên tới 1,2 triệu thùng/ngày.
Sau khi thị trường dầu mỏ thế giới hạ nhiệt, Singapore đã có quyết định đúng đắn và kịp thời khi đầu tư mạnh vào mảng hóa dầu, sản xuất các mặt hàng thông dụng như đồ nhựa, lốp xe …
Hòn đảo Jurong, được khánh thành năm 2000 bằng cách kết nối 7 hòn đảo nhỏ thông qua phương pháp lấn biển, đã trở thành trung tâm dầu khí - hóa dầu của Singapore cũng như châu Á.
Việc các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định do cơ sở hạ tầng sẵn có đã khiến Jurong trở thành trung tâm lọc hóa dầu của châu Á. Hòn đảo chỉ rộng 32 km2 này có nhà máy của hơn 100 doanh nghiệp, với những cái tên nổi tiếng như Mitsui, Sumitomo, BASF, và DuPont.