|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới có điểm chung là gì?

13:17 | 02/02/2023
Chia sẻ
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các quốc gia tham nhũng nhất thế giới thường phải đối mặt với xung đột, nội chiến hoặc có nền chính trị, kinh tế bất ổn. Tham nhũng vừa là hậu quả và nguyên nhân của xung đột, cẳng thẳng tại những quốc gia này.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế mới công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022. Theo đó, đa số các nước đang dậm chân tại chỗ trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là những quốc phát triển. 

Trong số 180 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng, 124 nước không cải thiện được tình hình tham nhũng, 31 nước có tình trạng tham nhũng tồi tệ hơn. Chỉ có 24 quốc gia (bao gồm Việt Nam) có bước tiến trong cuộc chiến chống tham nhũng trong năm vừa qua.

Đại dịch COVID, cuộc khủng hoảng khí hậu và những rủi ro an ninh trên khắp thế giới đang tạo ra hàng loạt điều bất trắc. Trong một thế giới bất ổn, việc các quốc gia thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng đang làm trầm trọng các vấn đề trên.

Chỉ số CPI là gì?

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) là bảng xếp hạng về tham nhũng toàn cầu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Chỉ số này đo lường mức độ tham nhũng của khu vực công tại mỗi quốc gia, theo cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia. Điểm số phản ánh quan điểm của chuyên gia và các doanh nhân, chứ không phải của công chúng.

Điểm số của mỗi quốc gia là sự kết hợp của ít nhất 3 trong số 13 cuộc điều tra và đánh giá tham nhũng khác nhau. Những dữ liệu này được thu thập bởi các tổ chức có uy tín, bao gồm Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Điểm số của mỗi quốc gia thể hiện mức độ nhận thức về tham nhũng trong khu vực công trên thang điểm từ 0 đến 100. Trong đó, mức 0 tức là quốc gia rất tham nhũng, còn 100 là rất trong sạch.

Chỉ số CPI đo lường những yếu tố như: tình trạng hối lộ, biển thủ, tư lợi, năng lực chống tham nhũng của chính phủ, mức độ quan liêu, việc bổ nhiệm người thân trong cơ quan công quyền, luật lệ về minh bạch tài chính, biện pháp bảo vệ cho người tố cáo tham nhũng, lũng đoạn nhà nước và tiếp cận thông tin về hoạt động của chính phủ. 

Tình hình tham nhũng năm 2022

Chỉ số CPI năm 2022 cho thấy 124 quốc gia đã có mức độ tham nhũng không được cải thiện. Số lượng quốc gia có chỉ số CPI đi xuống cũng đang tăng lên.  Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng vừa là nguyên nhân, cũng vừa là kết cho việc hòa bình, ổn định trên toàn cầu đang đi xuống.  

Các quốc gia tham nhũng nhất thế giới thường ở châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông. (Ảnh: Statista; Việt hóa: Minh Quang)

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, những quốc gia có thể chế mạnh mẽ và nền dân chủ hoạt động hiệu quả thường đứng đầu chỉ số. Vào năm 2022, Đan Mạch đứng đầu danh sách với số điểm là 90, Phần Lan, New Zealand bám đuổi sát nút với số điểm 87.

Na Uy (84), Singapore (83), Thụy Điển (83), Thụy Sỹ (82), Hà Lan (80), Đức (79), Ireland (77) và Luxembourg (77) chiếm những vị trí còn lại trong top 10. Ngoại trừ New Zealand và Singapore, các quốc gia đầu bảng đều nằm tại châu Âu. Tất cả đều có nền kinh tế phát triển, dân cư giàu có.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia đang trải qua xung đột hoặc bị đánh giá là thiếu quyền tự do cá nhân, chính trị thường có số điểm thấp nhất. Trong năm 2022, Somalia (12 điểm), Syria (13), Nam Sudan (13), đứng cuối danh sách. 

Venezuela (14), Yemen (16), Libya (17), Triều Tiên (17), Haiti (17), Guinea Xích đạo (17) và Burundi cũng nằm trong số những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. 

Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 đã tăng ba điểm và lên 10 bậc trong bảng xếp hạng nhờ nỗ lực chống tham nhũng. Việt Nam được Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá là một trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI nhiều nhất trong 5 năm liên tục.

Vào năm 2018, CPI của Việt Nam là 33 điểm, nhưng đến năm 2022, chỉ số này đã lên 42 điểm, tiệm cận mức trung bình của thế giới. Xếp hạng về CPI của Việt nam cũng được cải thiện nhanh chóng, vượt qua những quốc gia như Ấn Độ hay Belarus.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) tăng lên chứng tỏ tình trạng tham nhũng tại Việt Nam giảm đi.

Những nước nào tham nhũng nhiều nhất trên thế giới?

Theo Tổ chức Minh bạch Thế giới, Somalia là quốc gia tham nhũng nhất thế giới vào năm 2022. Quốc gia châu Phi này đã giảm một điểm và tụt hai bậc, xuống vị trí thứ 180. Somalia đã phải đối mặt với nội chiến, xung đột và bất ổn trong suốt hơn 30 năm qua. 

Tình trạng bạo lực tại quốc gia này có thể đã khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng, trong khi dân số của Somalia chỉ là khoảng hơn 12 triệu người. Ngoài ra, Somalia còn nổi tiếng với nạn cướp biển, thường tấn công vào các tàu thuyền đi qua vùng Sừng châu Phi.

Bộ phim Captain Phillips (Thuyền trưởng Phillips, do nam tài tử Tom Hanks thủ vai chính) công chiếu năm 2013 được dàn dựng dựa trên sự việc có thật xảy ra vào năm 2009 khi con tàu container Maersk Alabama bị cướp biển Somalia tấn công và bắt giữ con tin.

Syria tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong danh sách. Kể từ năm 2011, cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này đã khiến khoảng hơn 600 nghìn người thiệt mạng, và tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn qua châu Âu. 

Syria là địa điểm tranh chấp của nhiều thế lực, bao gồm chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad (được Nga, Iran hỗ trợ), cũng như các lực lượng do phương Tây hậu thuẫn và một số nhóm phiến quân, tổ chức khủng bố. 

Nam Sudan là một quốc gia non trẻ, mới tách khỏi Sudan từ năm 2011. Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2020, đất nước này chìm trong nội chiến.

Theo một số ước tính, khoảng gần 400.000 người đã thiệt mạng do cuộc xung đột này. Nam Sudan đã cải thiện thứ hạng CPI trong năm 2022, tăng hai điểm và hai bậc. 

 

7 quốc gia còn lại trong top 10 tham nhũng bao gồm Venezuela, Yemen, Libya, Triều Tiên, Haiti, Guinea Xích đạo và Burundi cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự. 

Yemen, Libya đang hoặc vừa trải qua nội chiến. Venezuela, Triều Tiên bị nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là kém tự do. Venezuela đang phải đối mặt với bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế sâu sắc, còn Haiti, Guinea Xích đạo và Burundi thuộc nhóm những nước nghèo đói nhất thế giới.

Những nước tham nhũng nhất có điểm gì chung

Theo Tổ chức Minh bạch Thế giới, tham nhũng và xung đột nuôi dưỡng lẫn nhau, đe dọa nền hòa bình và ổn định lâu dài. Một mặt, xung đột tạo môi trường cho tham nhũng: bất ổn chính trị và các cơ quan giám sát yếu kém tạo cơ hội cho tội phạm, chẳng hạn như hối lộ hay biển thủ.

Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các quốc gia ở cuối danh sách CPI năm 2022 đang hoặc đã trải qua xung đột vũ trang trong thời gian gần đây. Số còn lại đa phần đang đối diện với khủng hoảng chính trị, kinh tế hoặc tình trạng đói nghèo kéo dài.

Mặt khác, tham nhũng cũng là một mối đe dọa tới hòa bình và an ninh. Lịch sử đã chứng minh rằng tham nhũng không chỉ là hậu quả, mà còn là nguyên nhân dẫn tới xung đột. Tham nhũng tạo ra sự bất bình trong xã hội, hoặc thúc đẩy những căng thẳng hiện có, bằng cách làm suy yếu cơ quan quốc phòng, an ninh và tính hợp pháp của nhà nước.

Tham nhũng cũng giúp giới tinh hoa tăng sức ảnh hưởng, gieo rắc sự bất ổn nhằm đạt được kết qủa thuận lợi. Việc sử dụng tham nhũng như một vũ khí chính sách đối ngoại cũng có thể làm suy yếu nền dân chủ ở các quốc gia khác.

Tham nhũng cũng làm suy yếu năng lực bảo vệ người dân của các quốc gia. Phân tích của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy lực lượng hành pháp và quốc phòng yếu kém khiến các quốc gia gặp khó trong việc bảo vệ và kiểm soát lãnh thổ, cũng như ngăn chăn bạo lực, bao gồm cả khủng bố. 

Tham nhũng càng cao, các quốc gia càng đối mặt với nhiều mối nguy về an ninh. Chỉ số CPI càng cao thì càng ít tham nhũng.

Tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong nỗ lực thiết lập nền hòa bình và an ninh tại Afghanistan. Tình trạng tham nhũng làm suy yếu tính hợp pháp và năng lực của chính phủ Afghanistan, làm mục ruỗng quân đội nước này. Tham nhũng cũng đồng thời chuyển các nguồn lực, và tăng cường sự ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng Taliban.

Tổ chức Minh bạch Thế giới cho rằng trong môi trường đầy phức tạp, đa khủng hoảng như hiện nay,  chống tham nhũng, thúc đẩy minh bạch, củng cố các thể chế là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm tránh xung đột và duy trì hòa bình.

Minh Quang