Người dân các nước giàu ngang Việt Nam sống thọ bao lâu, học vấn cao hay thấp?
GDP - chỉ số không hoàn hảo
Thượng nghị sỹ Mỹ Robert F. Kennedy từng nói rằng những số liệu như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đo lường mọi thứ “ngoại trừ những điều làm cho cuộc đời này đáng sống”. Ông Kennedy cho rằng GDP tính đến cả những yếu tố không tốt đẹp nhưng đóng góp vào nền kinh tế như sự ô nhiễm, quảng cáo thuốc lá, vũ khí, chương trình truyền hình bạo lực, ....
Đồng thời, những chỉ số này cũng không tính được sức khỏe của con người, trình độ học vấn, văn hóa nghệ thuật, .... Những hạn chế trên khiến GDP (hoặc những chỉ số tương tự) trở thành một thước đo đầy khiếm khuyết để so sánh các quốc gia với nhau.
Bởi vậy, Liên Hợp Quốc (UN) đã đưa ra Chỉ số Phát triển Con người (HDI) nhằm đánh giá đầy đủ hơn về sự phát triển của người dân tại mỗi quốc gia.
Theo Báo cáo Phát triển Con người của Liên hợp Quốc, HDI được tạo ra để khẳng định rằng con người và năng lực của họ mới là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của một quốc gia, chứ không phải nền kinh tế.
HDI là tổng hợp của một loạt những thành tựu trong phát triển con người: tuổi thọ cao và khỏe mạnh, hiểu biết rộng và có mức sống tốt.
Sức khỏe được đánh giá dựa trên tuổi thọ dự kiến khi sinh, hiểu biết được đánh giá dựa trên số năm học trung bình của người lớn ở tuổi 25 và số năm học kỳ vọng khi trẻ em bắt đầu đến trường.
Mức sống được đo lường bằng thu nhập quốc dân bình quân (GNI). HDI sử dụng hàm logarit cho thu nhập, để phản ánh sự ảnh hưởng ngày càng thấp với sự phát triển của con người khi GNI tăng.
Trong hơn 30 năm qua, nỗ lực phát triển con người của nước ta đã mang lại nhiều thành quả, khi chỉ số HDI tăng từ 0,482 vào năm 1990 lên 0,703 vào năm 2021. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 69,2 lên 73,1 tuổi. Số năm đi học trung bình từ 4,1 năm lên 8,4 năm, trong khi số năm học kỳ vọng từ 7,8 năm lên gần 13 năm.
HDI của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách này đang ngày càng được thu hẹp.
Đứng đầu danh sách HDI là các quốc gia tại Bắc Âu, Tây Âu, Australia và Đặc khu hành chính Hong Kong. Trong khi đó, những nước có chỉ số HDI thấp nhất đến từ châu Phi, Trung Đông, thường chìm trong nhiều năm xung đột, nội chiến hoặc bất ổn chính trị.
Cùng mức sống với Việt Nam, các nước có HDI như thế nào?
Để đánh giá mức sống, thay vì sử dụng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) bình quân đầu người, Liên Hợp Quốc lựa chọn GNI (thu nhập quốc dân) bình quân đầu người.
GDP là giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra bên trong biên giới một nước. Như vậy, nếu người mang quốc tịch Việt Nam đến Mỹ làm ăn thì giá trị mà người đó tạo ra sẽ được tính vào GDP của Mỹ. Tương tự, nếu người Hàn Quốc kinh doanh trong biên giới Việt Nam thì giá trị tạo ra sẽ tính vào GDP của Việt Nam.
GNI là tổng số tiền kiếm được của người dân và doanh nghiệp của một quốc gia, bao gồm cả trong lẫn ngoài biên giới. GNI không tính đến phần lợi nhuận được chuyển về nước của doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, GNI bình quân đầu người ngang giá sức mua (PPP), được điều chỉnh theo giá USD năm 2017, của Việt Nam là 7.867 USD/năm, đứng thứ 121 trên thế giới.
Có 18 quốc gia sở hữu mức thu nhập bình quân đầu người tương tự như Việt Nam (+- 20% GNI đầu người của nước ta). Tại mức thu nhập này, chỉ số HDI của các nước năm trong khoảng từ 0,597 đến 0,764, tương ứng với mức trung bình và cao.
Nhìn chung, đa số các quốc gia trên thường nằm trong khu vực từ hai chí tuyến đi xuống tới xích đạo, tại châu Á, châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ.
Cuba mặc dù có thu nhập bình quân thuộc mức trung bình, nhưng lại có chỉ số HDI cao nhất trong nhóm 18 quốc gia trên, do hệ thống y tế và giáo dục vượt trội, tỷ lệ biết chữ thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Bhutan, nước đứng đầu về thu nhập trong danh sách trên, nhiều năm được đánh giá là Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của Bhutan không phát triển tương xứng so với mức thu nhập.
Lào có thu nhập gần bằng Việt Nam, nhưng kém xa về hai chỉ số phụ là tuổi thọ trung bình cũng như hiểu biết. Bởi vậy, chỉ số HDI của Lào thấp hơn Việt Nam tới gần 0,1 điểm.
Giàu có chưa chắc đã sống thọ, học vấn cao
Thu nhập bình quân đầu người là một chỉ số phụ trong HDI. Do vậy, thu nhập càng cao, HDI thường sẽ càng cao. Đồng thời, thu nhập cũng quyết định đến khả năng tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ.
Qatar có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ số HDI của nước này chỉ là 0,855, đứng thứ 42 toàn cầu. Liechtenstein, một đất nước nhỏ tại châu Âu, có GNI cao nhất thế giới, nhưng HDI lại chỉ đứng thứ 16.
Tuổi thọ trung bình của người Qatar là hơn 79,27 tuổi, trong khi số năm học trung bình chỉ là gần 10 năm. Tương tự như Qatar, người dân của Brunei, một quốc gia giàu lên nhờ nhiên liệu hóa thạch, có thu nhập đứng thứ 9 trên toàn thế giới, có tuổi thọ khoảng 74,6 năm và được đi học trung bình 9,2 năm.
Nhìn chung, các nước giàu có lên nhờ vào tài nguyên thiên nhiên sẽ thường có GNI đầu người cao, nhưng tuổi thọ và học vấn tương đối thấp (so với những nước có thu nhập tương đương).
Các quốc đảo và bán đảo như Nhật Bản, Italy, New Zealand, Australia ... có thu nhập bình quân không quá cao, nhưng người dân lại sống rất thọ, và trình độ học vấn cũng rất nổi trội.
Tất nhiên, xu hướng chung của chỉ số HDI trên toàn cầu vẫn là càng giàu có, người dân càng sống thọ, học vấn càng cao. Các chỉ số phụ trong HDI đều có sự tương quan với nhau, sống càng lâu, càng giàu có, học càng nhiều, càng có thu nhập cao và càng kiếm được nhiều tiền, càng có nhiều cơ hội sống thọ, học tập.