|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tham vọng tự chủ chất bán dẫn của Trung Quốc bị đe doạ bởi các khoản đầu tư yếu kém và bê bối tham nhũng

15:30 | 03/09/2022
Chia sẻ
Trung Quốc vốn đã thiếu máy móc, phần mềm và công nghệ cần thiết để thúc đẩy ngành bán dẫn nội địa. Giờ đây, nước này còn phải đương đầu với các khoản đầu tư thiếu hiệu quả và vấn nạn tham nhũng.

Dồn dập các cuộc điều tra tham nhũng

Tháng 7/2018, ông Xiao Yaqing - khi đó đang là lãnh đạo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã đến thăm văn phòng Bắc Kinh của Tsinghua Unigroup.

Chuyến thăm diễn ra một ngày sau khi tập đoàn bán dẫn do nhà nước hậu thuận này công bố thương vụ thâu tóm nhà sản xuất chip Linxen của Pháp, giá trị thoả thuận vào khoảng 2,6 tỷ USD.

Ông Xiao - người hai năm sau sẽ dẫn dắt Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, đã thảo luận với Chủ tịch Unigroup lúc bấy giờ là Zhao Weiguo về các cách mà khu vực tư nhân và nhà nước có thể hợp tác cùng nhau để phát triển ngành bán dẫn.

Tua nhanh đến 4 năm sau, ba nhân vật chủ chốt trong một bức ảnh nhóm được chụp năm đó đang bị chính phủ điều tra. Cơ quan phòng chống tham nhũng của Trung Quốc đã xác nhận cuộc điều tra đối với ông Xiao vào ngày 28/7, vài tuần sau khi ông biến mất khỏi tầm mắt công chúng.

Cuộc điều tra diễn ra khi một nỗ lực chống tham nhũng đang quét qua các doanh nghiệp bán dẫn do chính phủ hậu thuẫn. Cho đến nay, SCMP không nhận thấy bằng chứng hay tuyên bố chính thức nào rằng liệu việc tạm giam ông Xiao có liên quan đến nỗ lực này hay không.

(Ảnh minh hoạ: SCMP).

Cựu Chủ tịch Unigroup Zhao Weiguo cũng là đối tượng của một cuộc điều tra khác, tương tự như ông Diao Shijing - đồng cựu Chủ tịch của Unigroup và là cựu quan chức cấp cao tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, theo Caixin.

Trước những diễn biến nói trên, Unigroup đã phải trải qua quá trình tái cơ cấu phức tạp sau khi không thể thanh toán nợ nần và bị chủ mới tiếp quản. Tập đoàn này đã trở thành một câu chuyện cảnh tỉnh cho những ai muốn bành trướng một cách mù quáng.

Theo SCMP, Zhao và Diao là hai cái tên vừa được liệt vào một danh sách dài các mục tiêu tham nhũng trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Các tên tuổi khác bao gồm ông Ding Wenwu - cựu Chủ tịch của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Trung Quốc (Big Fund), ông Lu Jun - cựu CEO của quỹ, và ông Yang Zhengfan - một giám đốc cấp cao tại quỹ. Cả ba đều đang bị điều tra.

Các nhà chức trách chưa công bố chi tiết về bất kỳ hành vi sai trái đáng ngờ nào và cũng chưa xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa các vụ việc.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là tất cả những người bị điều tra đều là những tên tuổi đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ “tự chủ” nguồn cung bán dẫn và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài do Bắc Kinh khởi xướng.

Antonia Hmaidi - một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Berlin), nói rằng sự thất bại của Unigroup đã phơi bày những vấn đề đang ẩn mình trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, đặc biệt là khi các công ty phụ thuộc vào nguồn tài chính của nhà nước.

Theo vị chuyên gia, nhiều doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc đã kỳ vọng sẽ nhận được “nguồn cung cấp tiền bạc vô hạn để đầu tư mà không cần đưa ra bất kỳ quyết định đúng đắn và kỹ lưỡng nào”.

 

Trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi các cán bộ và nhà khoa học trong nước phải giải quyết các “điểm nghẽn” chiến lược khi phát triển những công nghệ tiên tiến và đặc biệt là chip bán dẫn - vật liệu kiểm soát hiệu suất của mọi thứ từ điện thoại thông minh đến tên lửa đạn đạo.

Hiện tại, Trung Quốc đang thiếu phần mềm, thiết bị và năng lực sản xuất các con chip tiên tiến. Điểm yếu này đã thể hiện rõ trong cuộc chiến công nghệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Được thôi thúc từ các bài phát biểu của ông Tập, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào nhiều startup trong ngành chip, Big Tech và các nhà sản xuất ô tô cũng theo đuổi việc thiết kế chip nội bộ, nhiều trường đại học đổ xô mở chuyên ngành bán dẫn và chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh tài trợ cũng như trải thảm đỏ cho các dự án lắp ráp chip.

Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm một bước tiến nhảy vọt nhằm giúp Trung Quốc tự chủ về chất bán dẫn lại không thực sự suôn sẻ, tờ SCMP nhấn mạnh.

Tham vọng bị đe doạ

Trước hết, lĩnh vực bán dẫn thường phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho nên việc Trung Quốc muốn tự chủ công nghệ có nguy cơ khiến nước này bị cô lập.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ban hành một đạo luật mới, tung ra các khoản trợ cấp để lôi kéo các công ty lớn như Intel, TSMC (Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) đầu tư vào Mỹ thay vì Trung Quốc.

Mỹ cũng đang gây sức ép buộc ASML - công ty Hà Lan độc quyền về máy quang khắc phải hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một thiết bị đóng vai trò trọng yếu đối với hoạt động sản xuất chip tiên tiến.

Mặt khác, Washington cũng đang thực hiện các bước ngoại giao để thuyết phục Tokyo, Seoul và Đài Bắc gia nhập một câu lạc bộ chip (Chip 4 Alliance) nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị của ngành bán dẫn.

Tại một hội nghị ở thành phố Nam Kinh mới đây, nhiều chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này không thể tự mình giải quyết hết các nút thắt về chất bán dẫn và không một quốc gia nào trên Trái đất có thể xây dựng ngành bán dẫn hoàn toàn dựa vào thị trường nội địa.

Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm một cơ sở chế tạo bán dẫn cùng cựu Chủ tịch Tsinghua Unigroup Zhao Weiguo (đeo kính), năm 2018. (Ảnh: Xinhua).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng khó có thể tránh được tình trạng lãng phí, gian lận và bong bóng tài sản khi mà dòng vốn nhà nước liên tục chảy vào các công ty và startup trong ngành.

Ông Andy Jiang, cựu CTO mảng kinh doanh đám mây của Huawei, cho biết bong bóng bán dẫn của Trung Quốc hiện đang rất lớn và nhiều startup mới thành lập đã có thể nhanh chóng kiếm được hàng triệu nhân dân tệ tài trợ cùng mức định giá lên đến hàng tỷ nhân dân tệ. “Điều này là rất phi thực tế”, ông cảnh báo.

Khá nhiều công ty thiết kế chip tuyên bố rằng họ sẽ sản xuất ra các sản phẩm đột phá chỉ trong 12 đến 18 tháng, nhưng ông Jiang cho rằng mốc này là “quá ngắn”. Ông nói: “Phải mất ít nhất 6 năm để sản xuất một con chip từ con số 0”.

“Ở một mức độ nào đó, việc nhận vốn tài trợ của khu vực tư nhân hoặc quỹ của chính phủ, sử dụng IP [sở hữu trí tuệ] và phần mềm hoặc công nghệ đúc chip của Mỹ vẫn chấp nhận được.

Nhưng thật không hay nếu họ phóng đại rằng thành công ấy được tạo ra mà không sử dụng bất kỳ công nghệ nào của Mỹ hoặc nước ngoài”, ông Jiang nói thêm.

Theo dữ liệu từ nền tảng Qichacha, trong giai đoạn từ tháng 1 năm ngoái đến nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã có hơn 820 thương vụ gây quỹ trong ngành bán dẫn, tổng nguồn vốn huy động được hơn 100 tỷ nhân dân tệ.

Big Fund - quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước được thành lập năm 2014 bởi Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và một số doanh nghiệp quốc doanh lớn, là tổ chức đi đầu trong việc phân phát vốn cho các startup đầy hứa hẹn.

Quỹ này đã dành tổng cộng 343 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các công ty trong toàn chuỗi cung ứng, từ thiết kế và sản xuất đến thử nghiệm và lắp ráp chip.

Nghiên cứu của nền tảng Eastmoney Security cho biết, đến cuối năm 2019, các ngân hàng và tổ chức tài chính khác đã bơm hơn 500 tỷ nhân dân tệ vốn đầu tư thông qua tài trợ vốn cổ phần, cho vay nợ,…

Một phần vốn đầu tư đã được sử dụng cho mục đích tốt, đặc biệt là giúp đỡ cho SMIC - công ty đúc chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc. SMIC được cho là đã chế tạo thành công con chip 7 nm mà không cần đến máy quang khắc của ASML.

 

Tuy nhiên, ngành bán dẫn Trung Quốc cũng chứng kiến những thất bại nặng nề. Chẳng hạn, Hongxin Semiconductor Manufacturing Company (HSMC) hoá ra chỉ là một trò bịp. Công ty này không sản xuất được bất kỳ con chip nào dù được chính quyền địa phương khuyến khích và đầu tư rất mạnh tay.

Ông Chiang Shang-yi - một chuyên gia bán dẫn Đài Loan từng làm việc tại HSMC, cho biết vào năm 2020 rằng trải nghiệm của ông với dự án này là một “cơn ác mộng”.

Chia sẻ với SCMP, chuyên gia thương mại quốc tế Dan Pickard tại hãng luật Buchanan Ingersoll & Rooney lưu rằng Trung Quốc đang ngày càng ý thức được cái giá phải trả của nạn tham nhũng.

“Chắc chắn là ngành bán dẫn Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Song, họ cũng có thể đã nhận thấy những thách thức từ bên trong bởi các khoản đầu tư lớn không mang lại lợi nhuận tương xứng do vấn nạn biển thủ”, ông Pickard nói.

Dù vậy, Bắc Kinh dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường hỗ trợ cho ngành bán dẫn, có chăng là chính phủ phải đầu tư theo hướng khôn ngoan hơn, đặc biệt là sau nhiều bê bối tham nhũng thời gian qua.

Khả Nhân

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...