|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hãng chip Đài Loan khiến Mỹ - Trung cùng dè chừng: Đi lên từ số 0 bằng mảng kinh doanh phương Tây chê bai

17:38 | 18/08/2022
Chia sẻ
Nắm bắt thời cơ từ một mảng kinh doanh mà các hãng chip tiên phong tại Mỹ chối từ, TSMC đã từ một tên tuổi ít ai biết đến trở thành một ông lớn mà đến chính phủ các nước còn phải e dè.

Được ví như "gạo" ở châu Á

Trên bờ biển phía tây bắc của đảo Đài Loan, nép mình giữa những bãi đồi đầy cua cáy và vườn hồng thơm ngọt là công ty quan trọng bậc nhất thế giới mà vài năm trước bạn có thể chưa nghe tên.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khách hàng của TSMC bao gồm những tên tuổi cũng rất tiếng tăm, như Apple, Intel, Qualcomm, AMD và Nvidia.

Bên trong một nhà máy chế tạo chip của TSMC. (Ảnh: TSMC).

Theo nền tảng companiesmarketcap, TSMC đang sở hữu vốn hoá gần 462,6 tỷ USD, là công ty giá trị thứ 10 thế giới. Cổ phiếu của hãng chip này đang được giao dịch tại Đài Loan và New York.

Năm ngoái, TSMC nắm trong tay khoảng 53% thị phần thị trường đúc chip toàn cầu, gần gấp ba lần đối thủ xếp hạng hai là Samsung Electronics (Hàn Quốc). Năm nay, công ty nghiên cứu Trendforce dự đoán thị phần của TSMC có thể tăng lên 56%.

Đồng thời, nhờ TSMC và một vài công ty gia công chất bán dẫn khác, thị phần đúc chip của Đài Loan đã đạt 64% vào năm ngoái, vượt trội so với các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm 2022, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 66%.

 

Cả TSMC lẫn Đài Loan đều đã trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Sản phẩm mà các hộ gia đình trên khắp thế giới sử dụng, từ tivi, tủ lạnh đến máy tính và iPhone, đều có thể chứa những con chip do TSMC sản xuất.

Ông Peter Hanbury - chuyên gia bán dẫn tại công ty tư vấn Bain & Co., từng nhận xét: “TSMC giữ vai trò rất then chốt. Họ kiểm soát phần phức tạp nhất của hệ sinh thái bán dẫn và gần như độc quyền cho các công nghệ đi trước thời đại”.

Tầm quan trọng của chất bán dẫn đã bùng nổ trong nửa thế kỷ qua. Năm 1969, mô đun Mặt trăng của tàu Apollo chứa hàng nghìn bóng bán dẫn với tổng khối lượng gần 32 kg; ngày nay, một chiếc MacBook của Apple chứa 16 tỷ bóng bán dẫn trong tổng trọng lượng chỉ 1,3 kg.

Trong tương lai, vai trò của các con chip sẽ tiếp tục đi lên theo cấp số nhân nhờ sự phổ biến của các thiết bị di động, Internet vạn vật (IoT), mạng 5G cũng như 6G, trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán đám mây.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden từng gọi chất bán dẫn là “những sản phẩm trọng yếu”, một sự đứt mạch của chuỗi cung ứng chip “có thể khiến cuộc sống và sinh kế của người Mỹ lâm vào cảnh bấp bênh”.

Trong khi đó, ở châu Á, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc so sánh tầm quan trọng của chất bán dẫn với “gạo” - nguồn lương thực chủ chốt của hàng chục triệu người dân trong khu vực.

 

Chớp lấy thời cơ

Từ một công ty không ai nhớ mặt đặt tên, TSMC đã dần chứng minh chỗ đứng của mình. Mọi việc bắt đầu từ những năm 1960 - 1970, khi Đài Loan đưa ra quyết định chiến lược để phát triển ngành công nghiệp điện tử trên đảo.

Ban đầu, Đài Loan đã hợp tác với các công ty và tổ chức của Mỹ thực hiện khá nhiều nghiên cứu nền tảng. Tuy nhiên, đến bước đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ lại ngần ngại rót các khoản vốn khủng. Ngược lại, các công ty Đài Loan đã mạnh dạn chi tiền.

Cụ thể, ở thời kỳ đầu của ngành công nghiệp máy tính hiện đại, những gã tiên phong của Mỹ như Intel từng thiết kế và chế tạo chip nội bộ. Tuy nhiên, họ bắt đầu gặp trở ngại trước các đối thủ Nhật Bản.

Để duy trì tính cạnh tranh, những công ty như Intel bắt đầu thuê ngoài (outsource), tức là họ sẽ tập trung vào lĩnh vực thiết kế chip có lợi nhuận cao hơn và để các doanh nghiệp thuê ngoài đúc chip.

Đúc chip vốn là một mảng rất tốn kém nhưng biên lợi nhuận không cao. Do đó, cũng dễ hiểu khi các ông lớn nước Mỹ từ chối nhảy vào. Tuy nhiên, họ đâu ngờ rằng mình đã trao cơ hội để một công ty Đài Loan ít tiếng tăm là TSMC vượt qua chính họ.

Nguồn: Yên Khê tổng hợp.

Xu hướng “đúc chip thuê” đã được một kỹ sư người Mỹ gốc Đài tên là Morris Chang dự đoán trước đó. Năm 1987, sau khi học tại Harvard, Stanford, MIT và làm việc 25 năm tại công ty bán dẫn Texas Instruments, Chang đã thành lập TSMC.

Khởi đầu, ông chấp nhận chịu lỗ khi đúc chip ở mức giá rất thấp. Song, nhà sáng lập của TSMC kỳ vọng rằng sau khi nhanh chóng giành được thị phần, công ty sẽ tăng quy mô và dần báo lãi khi chi phí sản xuất giảm.

Khi công nghệ ngày càng được cải tiến, chi phí sản xuất các chất bán dẫn mới càng đắt đỏ. Các công ty chip khác buộc lòng phải thuê ngoài TSMC và nhờ đó, thị phần của hãng chip Đài Loan quả thực tăng như dự đoán của nhà sáng lập.

Trong một nghiên cứu gần đây, đánh giá về thành công của TSMC, giáo sư Willy Shi của Trường Kinh doanh Harvard, cho hay: “TSMC đã chấp nhận làm một việc mà không ai muốn làm”.

Ngoài ra, việc thu nhỏ kích thước của các bóng bán dẫn - tính năng quan trọng để nhồi nhét thêm nhiều thành phần vào một con chip, đang trở thành một thách thức cho các công ty chế tạo chip, ngoại trừ TSMC.

Kích thước bóng bán dẫn trong con chip 3 nm chỉ bằng 1/20.000 sợi tóc người. Các điều chỉnh đối với máy móc và hoá chất để đạt được kích thước này không khó cho TSMC, vì hãng đã nghiên cứu nâng cao các công nghệ, ứng dụng và quy mô trong nhiều năm qua.

Mặt khác, chuỗi thành công của TSMC còn gắn liền với một khách hàng lớn: Apple. Gã khổng lồ xứ Cupertino từng lựa chọn Samsung sản xuất chip cho 6 thế hệ iPhone đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi Samsung tung ra dòng điện thoại Galaxy, hai bên trở nên bất hoà.

Năm 2011, Apple kiện Samsung ra toà với cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuệ. Cuối cùng, Apple thắng kiện và nhận được 539 triệu USD bồi thường từ Samsung. Tranh chấp đó là cơ hội cho TSMC bởi Apple đã tìm cách tách mình ra khỏi chuỗi cung ứng của Samsung.

Cho đến nay, nhà sản xuất iPhone vẫn là khách hàng lớn nhất của TSMC. Chủ tịch Mark Liu từng chia sẻ: “Apple là một doanh nghiệp đáng tin cây. Chúng tôi không cạnh tranh với khách hàng của mình”.

Chủ tịch TSMC Mark Liu. (Ảnh: TSMC).

Rơi vào chảo lửa địa chính trị

Thành công của TSMC, dù được công nhận trên thị trường bán dẫn bởi đông đảo đối thủ, vẫn trở thành một vấn đề địa chính trị nhức nhối.

sốc thiếu chip năm 2020 đã khiến công chúng toàn cầu để mắt tới TSMC hơn. Theo Goldman Sachs, vụ việc này đã gây ảnh hưởng đến 169 lĩnh vực công nghiệp - một con số đáng kinh ngạc. Các hãng ô tô đã “lập tức chỉ tay vào TSMC”, Chủ tịch Liu nói.

Các công ty chế tạo ô tô trên khắp châu Mỹ, Nhật bản và châu Âu đã buộc phải điều chỉnh giảm quy mô hoặc thậm chí tạm ngừng sản xuất. So với năm 2020, sản lượng ô tô toàn cầu năm ngoái giảm tới 3,9 triệu chiếc.

Sự thống trị của TSMC lớn đến mức đối thủ của họ không chỉ là các công ty cùng ngành mà còn bao gồm chính phủ các nước, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang và vận mệnh đảo Đài Loan là một trong các mặt trận xung đột.

Lầu Năm Góc đã thúc ép chính quyền ông Biden đầu tư nhiều hơn vào sản xuất chip tiên tiến để tên lửa và máy bay chiến đấu của Mỹ không phụ thuộc vào một hòn đảo mà Bắc Bắc Kinh khẳng định là thuộc một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Lời kêu gọi càng cấp bách hơn sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Tương tự Mỹ, các công ty của Trung Quốc cũng không thành công trong nỗ lực cạnh tranh với TSMC, dù Bắc Kinh đã triển khai chương trình phát triển chất bán dẫn nội địa được hơn 20 năm và rót hàng trăm tỷ USD.

Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ sớm trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất theo số lượng, các thiết kế do doanh nghiệp địa phương nghiên cứu không phải mới nhất, mà vẫn đi sau TSMC và Samsung nhiều năm.

Giới phân tích dự đoán trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, vận mệnh của TSMC sẽ khá khó đoán. Tuy nhiên, vì hãng chip Đài Loan này đang nắm giữ vai trò quan trọng cho thế giới tương lai, các bên liên quan sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng đường đi nước bước và hành động cẩn trọng hơn.

Yên Khê

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.