|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bài học đắt giá cho Mỹ: Trung Quốc đã dành 20 năm gây dựng ngành bán dẫn nhưng mãi chưa thấy quả ngọt

14:27 | 11/08/2022
Chia sẻ
Khi Washington sắp bắt tay vào chiến dịch phát triển ngành bán dẫn nội địa thì Bắc Kinh đã thực hiện nỗ lực tương tự được 20 năm. Song, Mỹ nên cẩn trọng vì đến nay Trung Quốc nhìn chung vẫn chưa đạt được thành công nổi bật nào.

Trong khi Mỹ sắp bắt tay vào chiến dịch phát triển ngành bán dẫn kéo dài hàng chục năm với hàng tỷ USD vốn đầu tư, thì Trung Quốc đã có thời gian ngẫm lại nỗ lực tương tự mà nước này thực hiện từ khoảng 20 năm trước mà cho đến nay chưa gặt hái được quả ngọt nào.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu đúc chip toàn cầu, bị tụt lại phía sau Đài Loan và Hàn Quốc. Chẳng hạn như vào năm ngoái, nền kinh tế tỷ dân nắm chưa tới 10% thị phần. 

Giới phân tích cảnh báo, trong hành trình cố bắt kịp Đài Loan và Hàn Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải vật lộn với tình trạng lãng phí ngân sách và đi sai hướng bởi những mục tiêu đề ra không thực sự phù hợp.

Tuần này, Bloomberg đưa tin rằng các “kiến trúc sư” đứng sau nỗ lực đầy tham vọng của Trung Quốc có thể đang phải đương đầu với một thực tế khắc nghiệt, bởi họ vẫn chưa tạo ra được công nghệ xuất sắc hay vượt trội nào.

Một loạt cuộc điều tra tham nhũng mà giới chức Bắc Kinh công bố gần đây được cho là xuất phát từ sự giận dữ của các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước về việc Trung Quốc chưa thể phát triển các linh kiện bán dẫn có thể thay thế cho nguồn hàng của Mỹ.

Hai trong số các vụ việc đang được quan tâm theo dõi nhất là Quỹ Đầu tư Công nghệ Vi mạch Tích hợp Quốc gia (tức Big Fund - Quỹ Lớn) và khoản cứu trợ 9 tỷ USD của Tsinghua Unigroup.

Bắc Kinh chưa thể vui mừng vì công sức 20 năm đổ vào phát triển ngành bán dẫn vẫn chưa gặt hái thành công lớn nào. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Một con chip chưa xứng tầm

Dù bắt đầu với mục đích lớn lao, Trung Quốc đã không hoàn thành các mục tiêu về phát triển chất bán dẫn của riêng nước này và những người được giao nhiệm vụ hiện thực hoá các mục tiêu sẽ buộc phải giải trình.

Bắc Kinh sẽ không nguôi ngoai khi mất hàng đống tiền đầu tư, dù họ sẵn sàng đốt tiền cho sứ mệnh này. Khi các dự án chậm tiến độ hoặc không ghi nhận thành tựu đáng kể nào, các khoản chi tiêu đã bỏ ra là rất lãng phí.

Gần đây, Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC) đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi các nhà phân tích tại TechInsights viết: “SMIC đã có thể chế tạo được con chip cỡ 7 nanometer (nm)”.

Theo Bloomberg, những người ủng hộ ngành bán dẫn Trung Quốc coi đây là một bước đột phá đáng kinh ngạc, đưa công ty có trụ sở tại Thượng Hải này đến gần hơn với các ông lớn hàng đầu thế giới như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Thứ mà SMIC đã tạo ra có thể chỉ là một con chip tiêu chuẩn, được sử dụng để khai thác bitcoin. Hơn nữa, có rất ít bằng chứng cho thấy công ty có thể sản xuất thành công hoặc trên quy mô lớn với con chip này.

Bất kỳ đầu bếp mới vào nghề nào khi cố gắng nấu một món ăn cũng sẽ tạo được một vài thành phẩm ngon mắt. Còn đầu bếp đã thành thục thì tất cả các món ăn đều phải ngon (thành công) và chất lượng đồng đều với số lượng lớn (quy mô).

Trái ngược với SMIC, hai đại gia ngành bán dẫn toàn cầu TSMC và Samsung đã sản xuất hàng loạt con chip 7 nm từ 4 năm trước - một minh chứng cho thấy họ đã thành thục quy trình.

 

Hơn nữa, khi không thể tiếp cận các thiết bị của phương Tây nữa, SMIC sẽ sản xuất hàng loạt con chip mới như thế nào vẫn là một câu hỏi mở. Như TechInsights lưu ý, không hẳn là không thể sản xuất chip 7 nm bằng các máy móc cũ hơn, chỉ là quá trình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Bloomberg cho rằng Bắc Kinh hẳn không thể vui mừng với thành tựu đột phá của SMIC. Chính phủ và các quỹ đầu tư không chi hơn 100 tỷ USD trong 20 năm qua để đi sau TSMC và Samsung những 4 năm.

Bắc Kinh đã kỳ vọng rằng ngành bán dẫn nước nhà sẽ không chỉ bắt kịp, mà còn giúp Trung Quốc tiến dần tới tương lai độc lập về công nghệ. Chế tạo thành công một con chip mà các đối thủ khác đã có từ vài năm trước không phải là điều Bắc Kinh muốn.

Vai trò của hai tổ chức chủ chốt

Nếu mục đích của Big Fund là tạo ra lợi nhuận lớn, giống như bất kỳ quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ dự phòng hoặc quỹ tương hỗ nào, thì có thể kết luận rằng quỹ này đã hoàn thành nhiệm vụ.

Từ năm 2014 đến năm 2019, Big Fund đã đầu tư vào ít nhất 23 công ty chế tạo chip, sau đó bán ra cổ phần khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng mạnh, thông tin từ Bloomberg chỉ ra.

Tuy nhiên, rất ít bằng chứng cho thấy Big Fund đã thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn, như mục đích ra đời của quỹ. SMIC đã hoạt động được 15 năm trước khi tuyên bố vào năm 2015 rằng Big Fund sẽ mua 4,7 tỷ cổ phiếu mới của công ty với tổng giá trị gần 400 triệu USD.

Tại thời điểm đó, SMIC đúng là vẫn đi sau TSMC, nhưng không quá nhiều. Tháng 12/2014, SMIC đã chế tạo thành công bộ vi xử lý Snapdragon đầu tiên cho Qualcomm bằng công nghệ chip 28 nm, hơn ba năm sau khi TSMC đạt được thành tích tương tự.

Chúng ta có thể so sánh SMIC với Intel - gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải chật vật tìm chỗ đứng trong những năm gần đây và cũng tụt lại phía sau hai đại gia bán dẫn là TSMC và Samsung.

Song, thực tế phũ phàng hơn là trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc, cách biệt giữa SMIC với các đối thủ lớn cùng ngành hầu như không được thu hẹp sau bấy nhiêu năm, tờ Bloomberg nhận xét.

 

Tiếp đến là Tsinghua Unigroup - một tập đoàn mà chỉ cái tên thôi cũng đã được hưởng lợi bởi gắn liền với Đại học Thanh Hoa, một trong các tổ chức giáo dục uy tín và nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Dù thu hút được nhiều sự quan tâm dành cho chính mình và Chủ tịch Zhao Weiguo, Tsinghua Unigroup lại không làm được gì để giúp đất nước bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Một trong các động thái lớn nhất của ông Zhao là mua lại các công ty địa phương đã có tên tuổi, như Spreadtrum Communications và RDA Microelectronics với tổng giá trị 2,6 tỷ USD. Nỗ lực liên doanh với Western Digital thất bại khi chính phủ Mỹ huỷ bỏ khoản đầu tư gần 4 tỷ USD.

Chiến thắng lớn của Tsinghua Unigroup là hậu thuẫn cho Yangtze Memory Technologies (YMTC) - một công ty đang từ từ tìm thấy chỗ đứng giữa những công ty sản xuất chip nhớ toàn cầu.

Song, nếu mục tiêu của Tsinghua Unigroup là giúp Trung Quốc khỏi phụ thuộc công nghệ nước ngoài thì cú hích với YMTC chỉ là một màn PR. Chip nhớ chỉ là một sản phẩm thông dụng, chỉ đơn thuần là lưu trữ thông tin chứ không phải là xử lý số liệu bằng các bộ vi xử lý.

Nếu Trung Quốc muốn có chất bán dẫn có thể phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc dẫn đường cho tên lửa, thì nước này cần làm nhiều việc hơn nữa chứ không chỉ là ca ngợi về những con chip nhớ.

Theo Bloomberg, đây là vấn đề mà Trung Quốc tự tạo ra. Chỉ có tiền thôi là chưa đủ để trở thành một cường quốc chất bán dẫn. Nếu chỉ cần có tiền thì Intel hay GlobalFoundries do UAE hậu thuẫn đáng lẽ phải tiến xa hơn.

Cả Mỹ và Trung Quốc cần phải học được tầm quan trọng của việc không chỉ phát triển công nghệ của riêng mình mà còn phải xây dựng lòng tin với các đối tác. Cả TSMC và Samsung không trở thành kẻ dẫn đầu bằng thái độ đơn độc.

Họ phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng thiết bị, phần mềm và vật liệu - nhiều trong số các đối tác là ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Hai gã khổng lồ này không một mình đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ.

Nếu mục tiêu của Trung Quốc là tạo dựng sức mạnh công nghệ và tách mình ra ra khỏi thế giới thì họ không thể đứng đầu, mà có thể chỉ xếp thứ hai. Về phần Mỹ, nếu chính phủ chi hàng tỷ USD và chỉ muốn hành động đơn độc, thì Mỹ có thể lặp lại sai lầm của Trung Quốc.

Yên Khê