|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế toàn cầu khó khoẻ khi các hãng chip bất an

12:18 | 17/08/2022
Chia sẻ
Lo ngại ngày càng lớn về nhu cầu chất bán dẫn đang khiến các nhà xuất khẩu công nghệ cao ở Bắc Á đứng ngồi không yên. Nhu cầu của mặt hàng này thường được coi là một “phong vũ biểu” cho sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu.

Hai gã khổng lồ của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix đã phát tín hiệu sẽ thu hẹp quy mô đầu tư. Cùng lúc, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng hàm ý tương tự.

Nhu cầu công nghệ mờ nhạt dần đang làm nổi bật lên bức tranh đen tối của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine và lãi suất gia tăng đè nặng lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

 

Bloomberg đã thực hiện một số biểu đồ về ngành bán dẫn và phân tích tác động của ngành này đối với nền kinh tế thế giới, cụ thể như sau:

Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất chip lớn như Micron Technology, Nvidia, Intel và Advanced Micro Devices đã lên tiếng cảnh báo rằng các đơn đặt hàng xuất khẩu đang đi xuống.

Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner (trụ sở tại Connecticut, Mỹ) dự đoán đây có thể là sự kết thúc đột ngột của một trong những chu kỳ bùng nổ lớn nhất của ngành bán dẫn.

Gartner đã hạ triển vọng tăng trưởng doanh thu bán dẫn toàn cầu năm 2022 từ mức 14% hồi ba tháng trước xuống chỉ còn 7,4%. Sang năm 2023, công ty dự đoán tăng trưởng doanh thu sẽ chững về mức 2,3%.

Khi nền kinh tế toàn cầu bất ổn, chip nhớ là một trong các phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thị trường bán dẫn trị giá 500 tỷ USD. Chưa kể, doanh số RAM động (hay DRAM) của Samsung và SK Hynix đóng vai trò rất then chốt đối với hoạt động thương mại của Hàn Quốc.

 

Hãng nghiên cứu công nghệ TrendForce cho biết trong năm tới, nhu cầu DRAM có thể cao hơn năm nay khoảng 8,3% - mức tăng trưởng bit yếu nhất trong lịch sử. Tăng trưởng bit (liên quan tới lượng bộ nhớ được tạo ra) đóng vai trò như phong vũ biểu chính cho nhu cầu trên thị trường toàn cầu.

Xuất khẩu của Hàn Quốc thường thăng hoa khi nhu cầu vượt nguồn cung (tính theo tăng trưởng bit). Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung có khả năng mở rộng với tốc độ gần gấp đôi nhu cầu trong năm tới, xuất khẩu của xứ sở kim chi có thể lao dốc.

Theo Bloomberg, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động thương mại của Hàn Quốc đã bắt đầu xấu đi. Xuất khẩu công nghệ lần đầu tiên giảm vào tháng 7 sau hơn hai năm, trong đó chip nhớ dẫn đầu mức giảm. Tồn kho chất bán dẫn phình to vào tháng 6 với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm.

 

Một trong các nạn nhân tiềm tàng có thể chính là Samsung - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đồng thời là một trụ cột của nền kinh tế vốn phụ thuộc nặng nề vào thương mại của Hàn Quốc.

Samsung từng ghi nhận mức tăng trưởng doanh số chóng mặt khi nhu cầu tăng mạnh so với nguồn cung. Khi triển vọng ngành chip trở nên ảm đạm, cổ phiếu của Samsung đã giảm trong năm nay, đôi khi có phục hồi do lợi nhuận tốt hơn mong đợi.

 

Hiện tại, Samsung và SK Hynix đang kiểm soát khoảng hai phần ba thị trường chip nhớ toàn cầu. Điều này đồng nghĩa rằng họ có quyền năng để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu, Bloomberg lưu ý.

Chip nhớ lại gắn liền với các loại chất bán dẫn khác do một số công ty như TSMC hoặc Nvidia sản xuất. Chẳng hạn, chip do TSMC chế tạo được dùng trong iPhone, trong khi card đồ hoạ của Nvidia được lắp ráp vào nhiều sản phẩm từ máy chơi game đến trí tuệ nhân tạo.

Trong những năm gần đây, Chỉ số Bán dẫn Philadelphia - hiện bao gồm các công ty nêu trên, đã tăng và giảm cùng chiều với nhu cầu chip nhớ toàn cầu, dữ liệu của TrendForce và Bloomberg chỉ ra.

Mặt khác, xuất khẩu của Hàn Quốc từ lâu đã tương quan với hoạt động thương mại toàn cầu. Tức là, sự sụt giảm từ Hàn Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế thế giới.

Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ ba thế giới, tuần trước đã đưa ra cảnh báo rằng nhu cầu sẽ giảm sút. Động thái này khiến các cổ phiếu chip toàn cầu bị bán tháo nặng nề.

Thị trường chứng khoán của Hàn Quốc là một trong những chỉ báo hàng đầu về hoạt động thương mại của đất nước. Lúc này, các nhà đầu tư đang xả cổ phiếu do dự đoán xuất khẩu sẽ đi xuống.

 

Bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, bình luận: “Xu hướng này là rất quan trọng đối với châu Á vì chu kỳ kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu công nghệ”.

“Ít đơn hàng mới và tồn kho chất đống đồng nghĩa rằng lĩnh vực công nghệ của châu Á sẽ phải tìm cách giảm bớt lượng tồn kho trong thời gian dài, đồng thời chứng kiến tỷ suất lợi nhuận thu hẹp”, bà tiếp lời.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và cảnh báo rằng năm 2023 có thể thách thức hơn năm nay.

Deutsche Bank nhận thấy khả năng suy thoái tại Mỹ sẽ bắt đầu vào giữa năm 2023, trong khi Wells Fargo nói là vào đầu năm tới. Mô hình của Bloomberg Economics cho thấy xác suất Mỹ suy thoái trong vòng 24 tháng tới là 100%.

Khả Nhân