Hiệp hội chip Trung Quốc cảnh báo đạo luật mới của Mỹ có thể gây 'hỗn loạn' với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu
China Semiconductor Industry Association (CSIA), hiệp hội thương mại được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đứng sau ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của đất nước, đã tố cáo Đạo luật Khoa học và Chip (Chips and Science Act) của Mỹ là thứ đã vi phạm công bằng thương mại, đồng thời cảnh báo rằng đạo luật này có thể dẫn đến “sự hỗn loạn” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo South China Morning Post.
Tuyên bố của CSIA, được đăng tải vào ngày 17/8 bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh, tiếp tục hòa vào làn sóng thông tin của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các tổ chức thương mại và tiếng nói của chính phủ liên quan tới việc lên án đạo luật được ban hành gần đây của Mỹ, cho phép Washington tung ra các gói hỗ trợ tổng giá trị lên tới 53 tỷ USD nhằm mục đích thu hút nhiều hơn sản xuất chất bán dẫn sang Mỹ.
Phía Bắc Kinh coi đạo luật này là mối đe dọa trong hành trình tiếp cận công nghệ tiên tiến cần thiết cho lĩnh vực sản xuất chip của Trung Quốc cũng như vai trò của quốc gia này trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Hiệp hội, đại diện cho 744 công ty thành viên trong lĩnh vực chất bán dẫn của Trung Quốc, cho biết Đạo luật Khoa học và Chip mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật vào tuần trước, đã vi phạm các nguyên tắc chung về thực hiện công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử trong ngành.
Phía CSIA bày tỏ nỗi niềm "hết sức đau buồn" trước đạo luật này, đồng thời cũng cảnh báo rằng việc thông qua luật "chắc chắn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu". Hiệp hội này đã kêu gọi phía Mỹ “sửa chữa những sai lầm của mình” và thể hiện sự tôn trọng trật tự trong lĩnh vực chip quốc tế.
CSIA, do cựu Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế Zhou Zixue đứng đầu, cũng chỉ ra rằng luật mới của Mỹ có khả năng làm tổn hại đến tinh thần của điều lệ của Hội đồng Bán dẫn Thế giới, cũng như của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hội đồng này được thành lập vào ngày 10/6/1999, có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp chất bán dẫn để tạo điều kiện tăng trưởng lành mạnh trong dài hạn, theo phần giới thiệu trên trang web chính thức. Các thành viên của hội đồng bao gồm các hiệp hội bán dẫn ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và khắp châu Âu. Trong khi đó, vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đánh dấu năm thứ 20 trở thành thành viên của WTO.
Tuyên bố của CSIA phản ánh sự cấp bách mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc đối phó với luật mới từ phía Mỹ, điều này có thể thúc đẩy nỗ lực của Washington trong việc hình thành cái gọi là Chip 4 Alliance, một quan hệ đối tác với ba quốc gia khác bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Chính quyền Bắc Kinh đã coi liên minh này là một âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Quy mô của các gói ưu đãi mà Washington hiện có thể cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn có thể đe dọa ngăn cản sự phát triển của các công ty lớn, chẳng hạn như những gã khổng lồ chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix, những đơn vị đang tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.
Theo Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ, những doanh nghiệp được nhận các gói hỗ trợ bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài “chất bán dẫn cũ”, được định nghĩa là chip được sản xuất bằng công nghệ xử lý 28 nanomet trở lên, trong 10 năm.
Điều đó có thể cản trở các sáng kiến của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu chip, vốn khiến quốc gia này phải chi trả đắt hơn giá dầu thô nước ngoài.
Mỹ cân nhắc cấm vận
Trước đó, tờ Reuters đưa tin rằng phía Mỹ Mỹ đang cân nhắc hạn chế các lô hàng thiết bị sản xuất chip của quốc gia này cho các nhà sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc, bao gồm Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC). Đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của lĩnh vực chip nhớ của Trung Quốc và bảo vệ các công ty nội địa của chính quyền Mỹ.
Các nguồn tin cho biết, nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục động thái này, các nhà sản xuất chip nhớ Hàn Quốc là Samsung Electronics Co Ltd và SK Hynix Inc cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Samsung có hai nhà máy lớn ở Trung Quốc trong khi SK Hynix Inc đang mua lại mảng kinh doanh sản xuất chip nhớ flash NAND của Intel Corp tại Trung Quốc.
Nếu được thông qua, quy định sẽ liên quan đến việc cấm vận chuyển thiết bị sản xuất chip của Mỹ đến các nhà máy sản xuất chip NAND tiên tiến ở Trung Quốc. Các chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu cho rằng quy định này sẽ đánh dấu lần đầu Mỹ sử dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào sản xuất chip nhớ tại Trung Quốc mà không dính dáng đến các ứng dụng quân sự chuyên biệt.
Động thái này cũng sẽ nhằm mục đích bảo vệ các nhà sản xuất chip nhớ duy nhất của Mỹ, bao gồm Western Digital Corp và Micron Technology Inc, hai công ty đang chiếm khoảng 1/4 thị trường chip NAND.