|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Korea Times: Việt Nam dần trở thành thị trường chip lớn cho các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc

14:58 | 29/05/2023
Chia sẻ
Bank of Korea chỉ ra rằng Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một thị trường lớn cho các ông lớn bán dẫn Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix,... trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng.

Theo một báo cáo của Banh of Korea (BOK) mới được công bố ngày 29/5, Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một thị trường lớn cho các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc, vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu chip ở Trung Quốc chậm lại, theo Korea Times.

BOK nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các ông lớn bán dẫn Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.

Báo cáo viết: “Việt Nam đang nổi lên như một nguồn cầu mới đối với chất bán dẫn của các công ty Hàn Quốc, khi nước này vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) có khả năng thay thế Trung Quốc trong tương lai.

Đặc biệt, Việt Nam hiện cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn bậc nhất thế giới. Chất bán dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc được sử dụng làm hàng hóa trung gian tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa CNTT thành phẩm".

Việt Nam dần trở thành thị trường chip lớn đối với các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc. (Ảnh: Korea Times).

Báo cáo chỉ ra rằng lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp và khả năng tiếp cận cao với thị trường Trung Quốc của Việt Nam đang thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu, bao gồm cả những doanh nghiệp từ Hàn Quốc, xây dựng các cơ sở sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chẳng hạn, gã khổng lồ Samsung Electronics đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020. Apple cũng đã chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái, trong khi Google cũng đang xem xét việc chuyển địa điểm lắp ráp sang Việt Nam.

Sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam là một yếu tố đáng khích lệ khác. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đã chậm lại trong một khoảng thời gian do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng 8% vào năm ngoái. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc vào năm ngoái.

Tính đến năm 2022, Trung Quốc chiếm 55% lượng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, tiếp theo là Việt Nam ở mức 12%, Đài Loan (Trung Quốc) ở mức 9% và Mỹ ở mức 7%. Tính riêng trong tháng 4, tỷ trọng xuất khẩu chất bán dẫn từ Hàn Quốc sang Mỹ cho thấy mức giảm lớn nhất so với những quốc gia khác, lên tới 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bank of Korea dự báo thị trường chất bán dẫn của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, do sự phụ thuộc nhiều vào các thị trường này.

BOK dự đoán rằng sự gia tăng tiêu thụ điện thoại thông minh của Trung Quốc và sự phục hồi trong các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu của Mỹ sẽ quyết định thị phần của các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc.

Báo cáo cho biết: “Xét đến mức độ biến động cao hơn của thị trường chất bán dẫn Hàn Quốc, cần phải giảm bớt sự biến động của thị trường bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chip không phải bộ nhớ và đa dạng hóa các nguồn nhu cầu.

Ngoài ra, các phản ứng chiến lược là điều cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm tỷ trọng lớn bậc nhất trong nhu cầu chất bán dẫn nội địa”.

Anh Nguyễn