|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Phù thủy' của ngành sản xuất chip: Giúp tạo dựng vị thế cho TSMC và Samsung, lãnh đạo SMIC trở thành đối trọng của các ông lớn

14:14 | 17/08/2022
Chia sẻ
Ông Liang Mong Song, CEO nhà sản xuất chip SMIC của Trung Quốc năm nay đã 70 tuổi, song vẫn được coi là một "phù thủy" trong lĩnh vực sản xuất chip trên toàn cầu.

Gã khổng lồ công nghệ xứ Hàn là Samsung Electronics từng khiến ngành công nghệ toàn cầu “chao đảo” vào năm 2015 khi tuyên bố đã sản xuất thành công loại chip có hiệu năng tương đương những sản phẩm hàng đầu thế giới vào thời điểm đó.

Năm 2022, tới lượt ông lớn ngành bán dẫn của Trung Quốc là SMIC khiến các nhà theo dõi cũng như giới chuyên gia trong ngành phải ngỡ ngàng khi tuyên bố đạt được những bước tiến mới trong công nghệ sản xuất.

Điểm chung của hai sự kiện gây bất ngờ ngành công nghệ toàn cầu này lại có liên quan tới một người đàn ông 70 tuổi có tên Liang Mong Song, người hiện nắm giữ vai trò quản lý hoạt động tại SMIC ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Trước đó, người đàn ông được tờ Wall Street Journal gọi với biệt danh “phù thủy” ngành chip cũng từng giữ vai trò lãnh đạo bộ phận phát triển chất bán dẫn tại Samsung trong giai đoạn ông lớn này đạt được những bước tiến lớn vào thập kỷ trước. Ngoài ra, ông cũng từng làm việc tại TSMC, một trong những đơn vị sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay có trụ sở tại Đài Loan.

Ông Liang Mong Song, đồng CEO SMIC. (Ảnh: Taiwan News).

"Phù thủy" ngành chip

Dù có tài năng cũng như kinh nghiệm lâu năm, là một người có tiếng nói trong ngành sản xuất chất bán dẫn, song các báo cáo lại đưa tin rằng chính vì tính cách có phần “ương ngạnh” mà ông Liang Mong Song thường không trụ lại quá lâu ở một doanh nghiệp cụ thể.

Năm 2017, người đàn ông 70 tuổi đến từ Đài Loan này được SMIC mời gọi về nhằm giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm chất bán dẫn. Cho tới ngày nay, đây có thể coi là một trong những quyết định sáng suốt nhất của SMIC, giúp doanh nghiệp này vươn lên có chỗ đứng trong ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Theo dữ liệu từ TechInsights, một công ty theo dõi thị trường, tính đến tháng 7, SMIC đã có khả năng sản xuất được loại chip 7 nm dùng cho một máy đào bitcoin. Kết quả này đã chứng minh năng lực của SMIC đang gần tiệm cận với những đơn vị hàng đầu trong ngành như TSMC hay Samsung.

Sự phát triển nhanh chóng của SMIC thậm chí còn lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Các nhà chức trách quốc gia này đã lên kế hoạch cấm vận việc chuyển thiết bị sản xuất sang cho các công ty của Trung Quốc như SMIC nhằm bảo vệ các công ty nội địa cũng như kìm hãm sự phát triển trong ngành bán dẫn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những thành tựu mà SMIC đạt được trong thời gian gần đây lại không phụ thuộc nhiều vào các thiết bị của Mỹ mà chủ yếu là nhờ vào các cỗ máy cũ từ ASML, một nhà cung cấp thiết bị hàng đầu thế giới cho các công ty sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Hà Lan.

Hành trình gian nan

Theo Wall Street Journal, mục đích của SMIC không đơn thuần là lợi nhuận, mà doanh nghiệp này còn được chính phủ Bắc Kinh hướng tới như là một đại diện cho việc Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tự chủ trong ngành sản xuất chip thay vì phụ thuộc vào các quốc gia khác.

Ông Liang chính là một trong những mảnh ghép quan trọng cho mục tiêu này. Trước khi làm việc tại SMIC, ông từng làm việc cho gã khổng lồ ngành sản xuất chất bán dẫn TSMC từ năm 1992, tức vài năm sau khi công ty này thành lập, và cũng góp phần đưa TSMC trở thành một trong những “kẻ thống trị” ngành chip toàn cầu ngày nay.

Gã khổng lồ ngành chip của Đài Loan từng đạt được nhiều thành tựu, trong đó có không ít báo cáo chỉ ra rằng chính ông Liang là một trong những cá nhân quan trọng đóng góp vào thành tựu chung đó.

Người đàn ông 70 tuổi này được đồng nghiệp miêu tả là một cá nhân nghiêm khắc, hết mình vì công việc, không quản ngại khó khăn. Thậm chí, thay vì ở nhà trông con vào cuối tuần như bao người bố khác, ông lại đem cả con trai đến nhà máy, vừa để trông con, vừa để làm việc.

Năm 2009, vị “phù thủy” ngành chip đã rời khỏi công ty ở quê nhà do có sự mâu thuẫn khi cho rằng nhiều vị chuyên gia khác tại TSMC dành nhiều thời gian hơn cho các dự án khác thay vì tập trung vào dự án phát triển các loại chip tối ưu của công ty.

Sau đó, ông gia nhập gã khổng lồ Samsung của Hàn Quốc vào năm 2011. Người đàn ông 70 tuổi này không mất quá nhiều thời gian để làm quen với môi trường doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần giúp Samsung đạt được các bước tiến mới trong nỗ lực mở rộng sang ngành sản xuất chất bán dẫn.

Dù vậy, hành trình của ông tại Samsung không hề suôn sẻ bởi TSMC không chấp nhận mất một kỹ sư tài năng vào tay đối thủ trực tiếp. Công ty của Đài Loan đã đệ đơn kiện ông Liang Mong Song với cáo buộc tiết lộ công nghệ độc quyền cho đối thủ, cũng như nhảy việc khi hợp đồng lao động cũ chưa kết thúc. Sau cùng, ông đã phải nghỉ việc tại Samsung do phía tòa án đưa ra những phán quyết có lợi cho TSMC.

Tới năm 2017, người đàn ông Đài Loan này đã chuyển tới SMIC và giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Cũng giống như tại TSMC và Samsung, ông Liang Mong Song cũng trở thành “kỹ sư trưởng” giúp SMIC phát triển các loại chip với kích thước nhỏ hơn.

Dù vậy, phía cổ đông doanh nghiệp và các nhà đầu tư lại mong muốn SMIC hướng tới việc tối đa hóa lợi nhuận thay vì cố gắng thu nhỏ kích thước các con chip, một công việc đòi hỏi phải chi rất nhiều tiền bạc và công sức. Chính điều này đã tạo ra mâu thuẫn giữa Giám đốc điều hành Liang Mong Song với các cổ đông.

Tuy nhiên, cho tới ngày nay, khi SMIC đang ngày càng được biết đến một cách rộng rãi hơn, cũng như được phía chính phủ Trung Quốc đánh giá cao và đặt niềm tin như một đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài, có thể thấy các quyết định của ông Liang Mong Song vẫn đang đi đúng hướng.

Doanh Chính