|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một bức ảnh thiêu rụi cả một ngành công nghiệp

08:47 | 19/06/2022
Chia sẻ
Mặc dù không phải là tai nạn đầu tiên hay thương vong nhiều nhất, nhưng thảm họa Hindenburg lại khiến ngành công nghiệp khí cầu khung cứng chở khách biển mất chỉ sau một đêm.

Khí cầu khung cứng Hindenburg. (Ảnh: Minneapolis Sunday Tribune).

Người khổng lồ trên không

Hãy thử tưởng tượng một thứ có kích thước bằng tàu biển, nhưng lại nổi trên không. Và thứ này có thể vượt Đại Tây Dương với thời gian chỉ bằng một nửa so với đường thủy.

Với những con người ở thế kỷ 21, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến những chiếc máy bay thân rộng như Boeing 747 hay Airbus A380. Nhưng ở đầu thế kỷ 20, con người thậm chí từng bay lượn trên bầu trời bằng những phương tiện còn khổng lồ hơn thế: khí cầu khung cứng (Zeppelin). Và Hindenburg chính là khí cầu khung cứng vĩ đại nhất từng được chế tạo. 

Khác với những loại khí cầu sử dụng hơi nóng được phát minh vào thế kỉ 18, các khí cầu khung cứng có thể nổi trên không trung nhờ các khoang chứa khí nhẹ hơn không khí như hydro hoặc heli.

Hindenburg từng được coi là biểu tượng ngành hàng không Đức những năm 1930 khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền. Vào đầu thế kỉ 20, sau khi máy bay được anh em nhà Wright phát minh, việc đi lại bằng đường hàng không được mọi người quan tâm. Các phi công như Charles Lindbergh và Amelia Earhart trở thành những người nổi tiếng sau khi chinh phục Đại Tây Dương bằng máy bay.

Thế nhưng chỉ hai năm sau khi ông Lindbergh vượt Đại Tây Dương trong chiếc máy bay nhỏ và chật chội, khí cầu khổng lồ của Đức đã bay lượn vòng quanh thế giới, chở theo hành khách với đầy đủ tiện nghi như khách sạn trên không.

Phòng ăn xa hoa của Hindenburg. (Ảnh: Airship.net).

Theo sử gia Dan Grossman, vào năm 1936, khí cầu khung cứng lớn nhất và vĩ đại nhất: LZ129 Hindenburg (theo tên Tổng thống Đức Marchal Paul von Hindenburg), thực hiện chuyến bay đầu tiên. Tổng cộng trong năm 1936, Hindenburg thực hiện 34 chuyến bay vượt Đại Tây Dương, chở theo hơn 3.500 hành khách và gần 30 tấn hàng. 

Khí cầu này thực sự khổng lồ, có chiều dài 245 mét, gấp hơn 3 lần so với máy bay Boeing 747. Hindenburg chứa được 200.000 mét khối khí và có thể nâng được trọng tải 238 tấn. Tốc độ bay của khách sạn trên không này 125 km/h, được đẩy bằng 4 động cơ diesel 16 xi lanh Daimler-Benz.

Hindenburg thậm chí còn dài hơn Điện Capitol của Mỹ. (Ảnh: Airship.net và Max Pinucci).

Phi hành đoàn gồm 40 người, 10-12 quản lý và đầu bếp. Vào năm 1936, Hindenburg có 50 giường ngủ, đến năm 1937 được nâng cấp lên thành 72 giường.

Cabin ngủ của khách trên khí cầu Hindenburg. (Ảnh: Airship.net).

Khí cầu này xa hoa tới mức có phòng ăn, phòng đọc, phòng chờ riêng biệt và cả phòng hút thuốc. Căn phòng hút thuốc là không gian thông gió riêng biệt, nơi hành khách có thể thưởng thức xì gà dưới sự giám sát của người bồi bàn cầm chiếc bật lửa duy nhất trên tàu. 

Phòng hút thuốc được thiết kế với áp suất cao hơn các phòng khác. Trên Hindenburg chỉ có một chiếc bật lửa duy nhất, do nhân viên quản lý tàu nắm giữ. (Ảnh: Airship.net).

Nhiên liệu dễ cháy 

Vậy tại sao các kỹ sư phải kỳ công như vậy khi thiết kế ra căn phòng hút thuốc. Câu trả lời nằm ở loại khí được sử dụng trong các khí cầu khung cứng của Đức.

Ban đầu, các khí cầu của Đức được thiết kế sử dụng khí heli (He) để tạo lực nâng bởi sự an toàn. Heli là khí trơ, không bắt lửa và không phản ứng với bất cứ nguyên tố nào. Vào những năm 1930, khí heli khá đắt đỏ và chỉ có thể mua được với số lượng lớn tại các nhà máy chưng cất tại một số mỏ dầu nhất định của Mỹ.

Tuy nhiên vào năm 1927, Mỹ đã ban hành Đạo luật Kiểm soát Heli, cấm xuất khẩu loại khí hiếm này và buộc các quốc gia khác phải sử dụng hydro (H). Mặc dù nhẹ, chi phí sản xuất rẻ và có lực nâng tốt hơn He, hydro rất dễ cháy nổ.

Thất bại trong việc thuyết phục chính phủ Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, các kỹ sư Đức buộc phải thay đổi thiết kế của Hindenburg sang sử dụng hydro.

Thiết kế khoang chứa hydro của Hindenburg. (Ảnh: Airship.net).

Theo Vox, các quốc gia khác trên thế giới cũng phải dùng loại khí dễ cháy nổ này, dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn chết người.

Vào năm 1923, khí cầu Roma của Mỹ nổ tung, và khiến 34 người thiệt mạng. Một năm sau đó, khí cầu Dixmude cũng chịu số phận tương tự, lần này với 52 người chết. Đến năm 1930, R101 của Anh rơi, mang theo đó 48 sinh mạng.

Thế nhưng người Đức không hề lo lắng. Cho đến ngày 6/5/1937, trong chuyến bay định mệnh khi Hindenburg khởi hành tới Bắc Mỹ, chưa có bất cứ khí cầu khung cứng nào của Đức từng rơi.

Ngày hôm đó, chiếc khí cầu đã muộn so với lịch trình khoảng 12 tiếng. Và dường như Hindenburg đang rò rỉ khí hydro, đuôi đang chúc xuống dưới mặt đất, và không thể nào cân bằng.

Trong ba giờ, người lái tàu lượn vòng quanh bãi đáp ở Lakehurst, bang New Jersey, Mỹ và cố gắng hạ cánh. Ngày hôm ấy, không khí được tích điện bởi một cơn giông bão gần đó, và một cơn bão khác đang trên đường đến. Điều kiện hạ cánh không thể tồi tệ hơn khi không khí tích điện, và dường như khí hydro dễ cháy đang bị rò rỉ.

Vào 19h21, một cặp dây hạ cánh được thả xuống từ mũi tàu bay và được các nhân viên mặt đất chộp lấy. Chỉ 4 phút sau, lúc 19h25, Hindenburg đột ngột bốc cháy, và rơi xuống mặt đất chỉ sau hơn nửa phút.

Bức ảnh định mệnh

Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Sam Shere chụp vào thời khắc định mệnh của Hindenburg. (Ảnh: Sam Shere/Getty Images).

Khi Hindenburg bốc cháy, một nhóm phóng viên tụ tập từ trước để tác nghiệp đã nhanh chóng chụp được những bức ảnh về vụ tai nạn. Trong đó, phóng viên ảnh Sam Shere dù chỉ chộp được duy nhất một tấm hình, nhưng trong số tất cả những bức ảnh báo chí được chụp vào ngày hôm đó, thì đây là bức đáng nhớ nhất. 

Bằng cách nào đó, ông đã chụp được toàn cảnh thảm họa một cách hoàn hảo. Đám đông hoảng loạn chạy ở dưới đất, cái tên “Hindenburg” được chiếu sáng. Phần đuôi bị nhấn chìm hoàn toàn trong cầu lửa chỉ vài giây trước khi Hindenburg lao xuống đất.

Hình ảnh vụ cháy ở Hindenburg không giống bất cứ thứ gì mọi người từng thấy trước đây, một thảm họa được chụp lại khi nó đang diễn ra.

Trong số 97 người trên máy bay, chỉ có 35 người cộng với một nhân viên trên mặt đất thiệt mạng. Có nghĩa là khoảng 2/3 số người bên trong Hindenburg đã thoát nạn. Nhưng những con số không quan trọng. Khí cầu hydro không bao giờ chở theo khách sau sự kiện định mệnh này.  

Hiện trường vụ rơi khí cầu Hindenburg. (Ảnh: Airship.net).

Hindenburg không phải là thảm họa khí cầu khung cứng chở khách đầu tiên, cũng không phải tai nạn chết chóc nhất, nhưng nó lại là tai nạn duy nhất được chụp lại đúng lúc đang xảy ra.

Khí cầu USS Akron bị rơi trên biển khiến 73 người thiệt mạng và chiếc R-101 của Anh cướp đi sinh mạng của 48 người bị rơi trong đêm tối. Cả hai vụ tai nạn đều không có nhân chứng hoặc máy ảnh ghi lại. Còn thảm họa Hindenburg lại được hàng triệu người trên khắp thế giới nhìn thấy thông qua hình ảnh trên mặt báo.

Hindenburg không phải thảm họa khí cầu nghiêm trọng nhất.

Kết thúc một kỷ nguyên

Theo sử gia Dan Grossman, bất chấp sự lãng mạn và hùng vĩ, Hindenburg đã lỗi thời trước cả khi kịp thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Vào ngày 22/11/1935, ba tháng trước khi Hindenburg lần đầu tiên cất cánh, máy bay M-130 "China Clipper" của hãng hàng không Pan American Airways đã thực hiện chuyến bay theo lịch trình đầu tiên qua Thái Bình Dương, thậm chí còn dài hơn quãng đường qua Đại Tây Dương.

Trên thực tế, M-130 được thiết kế để vượt Đại Tây Dương, và chính những cân nhắc về chính trị đã ngăn cản Pan American Airways khai thác tuyến bay Đại Tây Dương vào năm 1935. 

Máy bay M-130 "China Clipper" của hãng hàng không Pan American Airways. (Ảnh: Bill Larkins).

Người Anh từ chối cấp quyền hạ cánh cho Pan American Airways cho đến khi London có một chiếc máy bay có thể thực hiện chuyến bay tương tự, nhưng Anh kém xa Mỹ trong việc phát triển máy bay đường dài.

Chi phí cơ sở hạ tầng và phi hành đoàn, các vấn đề an toàn cố hữu và sự phát triển của công nghệ là những lý do khiến khí cầu chở khách trở nên lỗi thời từ trước khi Hindenburg rơi xuống Lakehurst vào tháng 6 của 85 năm về trước. Nhưng chính bức ảnh định mệnh ghi lại cảnh Hindenburg nổ tung giữa không trung mới là "hung thủ" gây ra cái chết đột ngột của ngành khí cầu khung cứng.

Minh Quang