|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vấn đề nhức nhối với nhiều hãng hàng không thế giới: Phi công bất ổn tâm lý, có người tự sát khi bay

08:47 | 15/06/2022
Chia sẻ
Trong những thập kỷ vừa qua, hàng không dân dụng ngày càng trở nên an toàn hơn. Nhưng một nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm vẫn tồn tại dai dẳng: phi công cố tình gây ra những vụ giết người-tự tử.

Theo nguồn tin riêng của Bloomberg, những bằng chứng sơ bộ cho thấy rằng vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern hồi tháng 3 vừa qua có thể là một thảm kịch do phi công gây ra.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ giết người-tự tử thứ 4 của các phi công kể từ năm 2013, nâng con số người chết của những thảm họa này lên 554 người.

Những hành vi cố ý thường không được tính đến trong các thống kê về tai nạn đường không. Tuy nhiên, theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, thì trong những năm gần đây hành vi này là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai.

Để so sánh thì 1.745 người đã thiệt mạng do lỗi của phi công, hỏng hóc cơ khí và các nguyên nhân khác trên máy bay được phương Tây sản xuất từ 2012 đến 2021.

“Thật đáng sợ”, ông Malcolm Brenner, cựu điều tra viên về hành vi con người, từng làm việc trong vụ tai nạn của hãng hàng không EgyptAir vào năm 1999. Vụ việc này được xác nhận là do hành vi cố ý. “Tự tử là một vấn đề lớn mà ngành công nghiệp hàng không cần phải giải quyết”, ông nói.

Danh sách những vụ rơi máy bay do phi công tự tử có con số thương vong lớn.

Vì tự sát là vấn đề mà xã hội rất kiêng kỵ, các vụ án tạo ra những thách thức chính trị và văn hóa lạ thường. Đôi khi những sự kiện này bị che đậy trong nhiều bí ẩn hoặc gây ra tranh cãi.

Cuộc điều tra vụ mất tích của máy bay MH370 cho thấy có thể phi công đã cố ý bay tới Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, báo cáo từ chính phủ Malaysia lại không có thông tin về người đã làm hành động này hay động cơ đằng sau.

Nguy cơ đáng báo động

Nguy cơ tử vong khi đi máy bay đã giảm đáng kể trong những thập kỷ vừa qua do những cải tiến về thiết bị an toàn, độ tin cậy của máy bay và đào tạo phi công.

Theo dữ liệu của Boeing, AviationSafetyNetwork và các báo cáo, từ năm 2001 đến 2010, có 5.005 người chết trên các máy bay của phương Tây. Chỉ một thập kỷ sau, con số này giảm xuống còn 1.858 người. Boeing cho biết, tỷ lệ có mặt trên một chiếc máy bay gặp tai nạn chết người là khoảng 1/10 triệu.

Tuy nhiên, cái chết liên quan đến việc phi công tự sát đi ngược lại với xu thế trên, theo dữ liệu của Bloomberg. Nếu vụ rơi máy bay của China Eastern được xác nhận là do phi công tự sát, thì đồng nghĩa với việc số người tử vong vì hành vi cố ý trên máy bay sẽ cao hơn bất cứ nguyên nhân nào khác tính từ đầu năm 2021.

Số thương vong do các hành vi có chủ đích đang ngày một tăng.

Cho đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiết lộ một số chi tiết cụ thể về nguyên nhân khiến chuyến bay China Eastern chở 132 hành khách gặp nạn vào ngày 21/3. 

Chiếc máy bay Boeing 737-800 từ Côn Minh đến Quảng Châu, đang bay ở độ cao khoảng 8.800 mét thì bất ngờ lao xuống với tốc độ cao, theo dữ liệu của Flightradar24. Các video giám sát cho thấy chiếc máy bay hướng mũi xuống đất.

Các nhà chức trách và Boeing không đưa ra bất kỳ thông báo nào về vấn đề an toàn tiềm ẩn với máy bay, cho thấy không có lỗi hệ thống được phát hiện.

Một nguồn thạo tin cho cho biết, thông tin sơ bộ từ hộp đen máy bay phản lực chỉ ra rằng ai đó trong buồng lái đã hướng mũi máy bay xuống. Khả năng vụ tai nạn là cố ý đã được báo cáo trước đó bởi Leeham News and Analysis cũng như Wall Street Journal.

Trong lịch sử, Trung Quốc từng xảy ra vụ tai nạn của Hãng hàng không China Northern vào năm 2002 khiến 112 người thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là do một hành khách đã mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 170.000 USD trước khi lên máy bay. Sau đó, anh ta lấy các chai chứa đầy xăng và châm lửa trên máy bay, theo AviationSafetyNetwork. 

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của China Eastern hồi tháng 3 năm nay. (Ảnh: Reuters).

Đại sứ quán của Trung Quốc tại Washington đã không đưa ra bình luận về việc liệu vụ rơi máy bay vào tháng 3 vừa qua có chủ đích hay không. Đại sứ quán cho biết các điều tra viên đang tiến hành điều tra một cách “khoa học, tỉ mỉ và có trật tự”, đồng thời sẽ công bố thông tin “kịp thời và chính xác”.

Ngoài vụ máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích với 239 người trên máy bay, một máy bay phản lực của Hãng hàng không Lam-Mozambique với 33 người đã gặp nạn ở Namibia vào năm 2013 sau khi cơ trưởng tự nhốt mình trong buồng lái.

Vào năm 2015, một phi công của hãng Germanwings tự nhốt mình lại trước khi lao vào sườn một ngọn núi ở Pháp với 150 hành khách trên máy bay. Theo Fortune, phi công Andreas Lubitz đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần và được đề nghị điều trị tại bệnh viện vài tuần trước chuyến bay định mệnh. 

Người phụ nữ viết lên tấm bảng tưởng nhớ chuyến bay MH370. (Ảnh: Charles Pertwee/Bloomberg).

Sau khi vụ rơi máy bay Germanwings được điều tra viên Pháp kết luận là do phi công bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần, các cơ quan quản lý hàng không của Mỹ và châu Âu đã mở rộng các chương trình điều trị tâm lý và khuyến khích phi công báo cáo về ý định tự tử mà không sợ mất việc.

Các cuộc khảo sát về phi công của các hãng hàng không đã chỉ ra rằng khoảng 4% đến 8% đã có ý định tự sát. Tỷ lệ này gần tương đương với dân số nói chung. 

Số người thực sự cố gắng để tự sát nhỏ hơn rất nhiều và số ít vụ phi công giết người-tự tử thành công trên máy bay là rất nhỏ khi so sánh.

Ông Quay Snyder, bác sĩ chuyên về y học hàng không, đồng lãnh đạo của Hiệp hội Y tế Hàng không Vũ trụ Mỹ, cho biết các phi công phải vượt qua kỳ kiểm tra y tế định kỳ để duy trì bằng lái. Bởi vậy, phi công thường ngại khai báo bệnh trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác vì sợ mất đi sinh kế.

Hiệp hội đã tham gia với các cơ quan quản lý, các hãng hàng không và công đoàn để tạo ra chương trình tư vấn ngang hàng và các chương trình khác nhằm cho phép các phi công được điều trị trong khi vẫn giữ được công việc.

Biện pháp an toàn

Một hội đồng tư vấn cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào năm 2015 cho thấy “không có bằng chứng thuyết phục” rằng việc sàng lọc khuynh hướng tự sát sẽ ngăn ngừa các sự cố như Germanwings. Ông Snyder nói: “Rất khó để đoán được ai sẽ là kẻ giết người-tự sát”.

Các phương pháp khác nhằm ngăn chặn phi công tự sát đi ngược lại với các biện pháp an ninh và an toàn lâu đời. Hệ thống khóa tinh vi trong buồng lái cho phép phi công tránh xa thành viên phi hành đoàn và ngăn chặn không tặc.

Kể cả sau vụ rơi máy bay Germanwings vì phi công tự nhốt mình trong buồng lái, các nhà chức trách Pháp vẫn khuyến cáo không thay đổi thiết kế cánh cửa do những lo ngại về an ninh. Còn ý tưởng thêm các giới hạn tự động đối với hành động của phi công trong buồng lái lại đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ trong triết lý an toàn hàng không.

Nhiều phi công

Kể cả giải pháp đơn giản là luôn phải có hai phi công trong buồng lái, được các cơ quan quản lý châu Âu khuyến nghị sau vụ Germanwings, cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn việc phi công tự tử thành công.

Mặc dù chi tiết về những gì đã xảy ra trên chiếc máy bay của China Eastern vẫn chưa rõ ràng, nhưng theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, có ba phi công trong buồng lái bao gồm một cơ trưởng, phi công phụ và thực tập sinh.

Hiện tại, các tổ chức hàng không đang kêu gọi mở rộng khả năng tiếp cận của phi công với điều trị sức khỏe tâm thần, đồng thời thừa nhận rằng việc chăm sóc tâm lý thông thường có thể không tạo ra sự khác biệt trong các trường hợp phi công tự sát.

Minh Quang