|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từng là động cơ tăng trưởng của kinh tế thế giới, vì sao EU ngày càng tụt lại phía sau Mỹ?

14:48 | 06/07/2023
Chia sẻ
Châu Âu từng là cái nôi thúc đẩy sự tiến bộ của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong khoảng nửa thế kỷ gần đây, lục địa già, mà đại diện là Liên minh châu Âu, đã để mất vị thế đầu tàu kinh tế vào tay Mỹ.

Nhân viên Volkswagen đang lắp ráp xe điện ID.3. (Ảnh: Reuters).

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên - vốn bắt đầu tại châu Âu vào năm 1760 - đã giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển nhanh chóng. Châu Âu, với mật độ dân số cao và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia, đã từng dẫn đầu tiến bộ công nghệ và nền kinh tế thế giới. 

Tuy nhiên, cái nôi của những tiến bộ này đang tụt lại phía sau. Nền kinh tế châu lục già, với cốt lõi là Liên minh châu Âu (EU), đã tăng trưởng trì trệ trong hơn một thập kỷ qua, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn ghi nhận tiến bộ nhanh chóng. 

Vào năm 1980, quy mô kinh tế của EU từng lớn hơn Mỹ. Tuy nhiên, tới năm 2022, nền kinh tế của EU chỉ bằng khoảng 65% so với Mỹ.

Trong những năm qua, EU phải đối mặt với nhiều khó khăn, chẳng hạn như sự kiện Brexit (Anh rời liên minh), khủng hoảng Eurozone, khủng hoảng người di cư và các vấn đề về tuổi nghỉ hưu. 

Quy mô hai nền kinh tế

EU là nền kinh tế có nhiều nét tương đồng nhất với Mỹ. Trước hết, cả hai đều sở hữu quy mô dân số khá lớn. Vào năm 2022, Mỹ có 333,3 triệu người, trong khi dân số của EU là 446,7 triệu người.

Tương tự như Mỹ, EUnhìn chung là một nền kinh tế phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao. Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Mỹ vào năm 2022 là 25,5 nghìn tỷ USD, còn toàn EU là 16,6 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, ngay cả khi so với GDP toàn bộ châu Âu (tính thêm cả Anh, Nga và một số nền kinh tế như Thụy Sỹ, Na Uy), nước Mỹ vẫn nhỉnh hơn chút ít. 

Xét theo bình quân đầu người, khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu lại càng trở nên xa hơn. Vào năm 2022, GDP bình quân đầu người tại Mỹ là 76.350 USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của EU chỉ đạt 37.360 USD, chưa bằng một nửa so với Mỹ. 

Mỹ hiện vẫn đang chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Châu Âu chỉ chiếm khoảng 1/6.

Trong vài thập kỷ qua, do sự trỗi dậy mạnh mẽ của châu Á, tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế toàn cầu của Mỹ và EU đều giảm sút. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm của EU lại cao hơn rất nhiều.

Từng đóng góp hơn 1/4 sản lượng cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 1980, liên minh 27 quốc gia giờ đây còn đi sau cả Trung Quốc - nền kinh tế số hai thế giới. 

Tốc độ tăng trưởng của Mỹ và EU đều chậm lại đáng kể vào thập niên 80. Tuy nhiên về trung bình, nền kinh tế Mỹ vẫn đi lên nhanh hơn EU. Trong các cuộc khủng hoảng và suy thoái, Mỹ cũng thường tránh được việc sụt giảm sâu như lục địa già.

Trước kia, khoảng cách giữa hai nền kinh tế không quá lớn, thậm chí đôi khi châu Âu còn vượt trội. Vậy nguyên nhân gì đã khiến châu lục già tụt lại phía sau, trong khi Mỹ tiếp tục giữ vị trí độc tôn?

 

Thua kém về địa lý

Châu Âu sở hữu vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi để tạo nền tảng cho nền văn minh cũng như mở ra các cuộc cách mạng công nghiệp: ấm áp, đầy tính cạnh tranh, ít mầm bệnh, đủ tài nguyên thiết yếu.

Tuy nhiên, những thuận lợi của châu Âu không thể nào so sánh với Mỹ - quốc gia được nhiều người đánh giá là sở hữu địa lý tốt trên thế giới. Diện tích của toàn bộ 27 thành viên trong EU chỉ là 3,99 triệu km2, chưa bằng một nửa so với Mỹ (9,1 triệu km2).

Diện tích đất liền của EU tương đối nhỏ hẹp, bị chia cắt mạnh nhưng phải chứa hơn 440 triệu người.

Mỹ là một dải đất liền mạch, vuông vức, đa phần nằm trong cùng một đới khí hậu (ôn đới). Trong khi đó, châu Âu lại bị chia cắt mạnh bởi địa hình, sông ngòi và khí hậu, tạo thành hàng chục quốc gia lớn nhỏ. 

Được bao bọc từ hai phía bởi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, Mỹ là một pháo đài về mặt quân sự. Trong cả hai cuộc Thế chiến, khi châu Âu bị tàn phá, nước Mỹ lại gần như bình an vô sự.

Ngoài ra, việc nằm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng giúp Mỹ trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại với cả châu Á lẫn châu Âu. 

Hàng xóm duy nhất của Mỹ là Mexico và Canada, hai quốc gia có quy mô kinh tế, quân sự thua kém hơn nhiều. Trong khi đó, EU luôn phải lo lắng về những người hàng xóm, chẳng hạn Nga từ phía đông và Thổ Nhĩ Kỳ (trước đây là Đế chế Ottoman) từ phía nam.

Do nhiều quốc gia nằm cạnh nhau, với văn hóa, xã hội khác biệt và sự cạnh tranh gay gắt, châu Âu liên tục rơi vào vòng xoáy chiến tranh. Năm ngoái, cuộc xung đột Ukraine đã khiến nền kinh tế EU gặp nhiều rắc rối khi phải đón một lượng lớn người tị nạn, cũng như bị cắt nguồn cung năng lượng từ Nga.

Trữ lượng dầu mỏ của Liên minh châu Âu (bao gồm 27 quốc gia) thua cả Việt Nam.

Châu Âu cũng chỉ có những tài nguyên cơ bản như than đá, sắt, đồng,… để khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp.

Tuy nhiên, một nền công nghiệp hiện đại cần nhiều đầu vào hơn, chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm,… Tất cả những tài nguyên trên đều sẵn có ở nước Mỹ, nhưng châu Âu thì không được may mắn như vậy.

Các quốc gia ở châu lục già phải phụ thuộc vào nguồn tài nguyên bên ngoài để phát triển. Trong thế kỷ trước, nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Italy,... đã xây dựng hệ thống thuộc địa rộng khắp thế giới.

Nhưng khi Thế chiến II kết thúc, phong trào đấu tranh giải phóng thuộc địa nổi lên mạnh mẽ, những quốc gia châu Âu đều mất dần khả năng tiếp cận tài nguyên một cách dễ dàng. 

Sau đó, châu Âu buộc phải dựa vào Liên Xô (và sau này là Nga) để có được năng lượng, kim loại. Nhưng từ khi xung đột Ukraine nổ ra, phần lớn nguồn cung đã bị cắt đứt. 

EU được hình thành từ 27 quốc gia khác nhau, mỗi nước lại có thể chế chính trị, hệ thống pháp luật riêng biệt. Dù EU được lập nên nhằm mục đích thu hẹp những khác biệt trên, liên minh này không thể nào đạt được sự gắn kết như Mỹ - quốc gia theo thể chế liên bang.

Một buổi họp của Nghị viện Châu Âu vào tháng 9/2022. (Ảnh: Reuters).

Không thu hút được nhiều đầu tư

Mỹ là một thị trường cực kỳ hấp dẫn với giới đầu tư. Mỹ sử dụng USD - đồng tiền dự trữ của thế giới - cũng như sở hữu hệ thống pháp luật mạnh mẽ và văn hóa đổi mới. Ngoài ra, quốc ngữ tại Mỹ là tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới và được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, nếu muốn đổ tiền vào vào châu Âu, các nhà đầu tư sẽ phải vượt qua rào cản từ nhiều hệ thống pháp luật, thuế quan cũng như ngôn ngữ. Và sau tất cả những khó khăn này, nhà đầu tư sẽ nhận lại khoản lợi nhuận trung bình thua kém hơn so với Mỹ. 

Tiếp cận được nguồn vốn đầu tư là cách mà các doanh nghiệp trở nên lớn mạnh. Doanh nghiệp lớn mạnh sẽ kéo nền kinh tế đi lên.  

Chỉ số S&P 500 (Mỹ) thường có kết quả tốt hơn so với Stoxx 600 (châu Âu). 

Người dân làm việc ít hơn

Người dân tại các nước châu Âu cũng thường làm việc ít giờ hơn so với nước Mỹ. Vào năm 2017, một người lao động Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất trong EU - chỉ làm việc khoảng gần 1.400 và 1.500 giờ mỗi năm. Trong khi đó, một người Mỹ trung bình làm việc gần 1.800 giờ/năm. 

Người Mỹ hiện đang làm việc nhiều hơn châu Âu, Nhật Bản.

Vào khoảng nửa thế kỷ trước, người dân châu Âu từng làm việc chăm chỉ hơn người Mỹ rất nhiều. Trong những năm 1950, một người Đức làm việc tới 2.400 giờ/năm, còn các nước như Pháp, Anh cũng làm việc tới 2.200 giờ. Trong khi đó, người Mỹ chỉ phải làm việc khoảng 2.000 giờ. 

Người lao động làm việc càng nhiều sẽ càng tạo thêm được nhiều sản phẩm nếu các yếu tố như công nghệ, trình độ không thay đổi. Với người lao động, được làm việc ít hơn là một điều may mắn nhưng với nền kinh tế, số giờ làm càng ít, đầu ra sẽ càng thấp. 

Châu lục già cỗi

EU phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Tất nhiên, gần như mọi nền kinh tế phát triển đều gặp thách thức kể trên và Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nền kinh tế số một thế giới có thể làm chậm quá trình giá hóa dân số bằng cách thu hút nguồn lao động nhập cư chất lượng cao.

EU cũng đang cố gắng thu hút người nhập cư. Tuy nhiên, do vị trí ở gần Trung Đông và châu Phi, liên minh này đôi khi cũng phải tiếp nhận nhiều người tị nạn chiến tranh, với trình độ, khả năng lao động thấp.

Khoảng gần 25% dân số EU sẽ biến mất sau 80 năm nữa.

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, từ nay đến năm 2100, dân số EU sẽ thu hẹp còn 350 triệu người. Ngược lại, dân số Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng đều mỗi năm, đạt 393 triệu người vào năm 2100. Dự báo này cũng cho biết mỗi năm Mỹ có thể đón khoảng 1 triệu người nhập cư, trong khi châu Âu chỉ tiếp nhận được khoảng một nửa so với Mỹ.

Châu Âu cũng sẽ già hơn đáng kể so với Mỹ. Độ tuổi trung vị của người dân EU vào năm 2100 dự kiến sẽ đạt 48,8 tuổi, trong khi Mỹ chỉ là 41,9 tuổi.Càng nhiều người cao tuổi, nền kinh tế sẽ càng trở nên trì trệ bởi năng suất lao động đi xuống, gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội tăng lên và tính sáng tạo, đổi mới bị hạn chế. Bởi vậy, trong tương lai, nhiều khả năng khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ sẽ còn tiếp tục được nới rộng.

Minh Quang

Trung Quốc bắt đầu xả lũ vào sông Lô, Hà Giang cảnh báo ngập lụt
UBND Hà Giang vừa phát đi thông báo về việc Trung Quốc bắt đầu xả lũ sông Lô từ trưa 11/9 và cảnh báo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lưu lượng mực nước tăng có thể gây ngập úng.