|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Trung Quốc nhập khẩu rác, Iceland nhập khẩu băng và các nước Ả Rập nhập khẩu cát?

07:34 | 15/12/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyện tưởng như vô lí nhưng lại rất thuyết phục. Có những quốc gia tưởng như rất sẵn một sản phẩm nào đó nhưng thực ra vẫn phải đi nhập khẩu từ nước khác vì nhiều lí do từ kinh tế, kĩ thuật đến chính trị.

Hơn 1 tỉ dân chưa xả đủ rác hay sao?

Mặc dù có dân số hơn 1 tỉ người với lượng rác thải khổng lồ, Trung Quốc từng là một trong những quốc gia nhập khẩu rác lớn trên thế giới. Tuy nhiên không phải rác nào Trung Quốc cũng lấy mà nước này chỉ nhận những loại rác tạm gọi là "chất lượng cao", có thể tái chế được thành các sản phẩm bán ra thị trường.

Các nước xuất khẩu rác sang Trung Quốc chủ yếu là các quốc gia phát triển phương Tây vì đây là những thị trường tiêu dùng nhiều sản phẩm chứa nhựa và kim loại - các vật liệu có thể tái chế được.

Ngược lại ở những quốc gia kém phát triển hơn như Trung Quốc, lượng rác thải đầu người thường không cao do văn hóa tiêu dùng chưa rõ rệt, tỉ lệ rác thải tái chế được cũng thấp.

Năm 2017 khoảng 70% rác thải tái chế của Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong. Tương tự, năm 2016 có tới 95% lượng rác thải nhựa của Ireland được chuyển sang Trung Quốc.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có chi phí nhân công tương đối thấp và dễ dàng tìm được một đội quân lao động phổ thông đông đảo làm nhiệm vụ phân loại rác phục vụ cho tái chế.

Một lí do khác khiến Trung Quốc sẵn lòng nhập khẩu rác là chi phí vận chuyển hợp lí. Năm 2018, Mỹ nhập khẩu 540 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhưng nhập về chỉ 120 tỉ USD.

Nhiều con tàu chở đầy hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ nhưng rồi ra về tay trắng, không mang theo bất kì hàng hóa gì. Hoạt động xuất khẩu rác từ Mỹ sang Trung Quốc có thể tận dụng năng lực dư thừa của các chuyến tàu này.

us-china - Copy

Trung Quốc xuất sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập về chẳng bao nhiêu, thể hiện qua con số thâm hụt thương mại khổng lồ. Số liệu: Cục Thống kê Dân số Mỹ

Như vậy, Trung Quốc làm ra và xuất khẩu hàng trăm tỉ USD hàng hóa vượt Thái Bình Dương sang Mỹ. Sau khi được sử dụng, ném vào sọt rác, chúng được thu gom rồi chuyển quay lại Trung Quốc. Tại đây, rác sẽ được tái chế thành các sản phẩm và bắt đầu lại vòng đời của mình.

Chu kì này đang nhanh chóng chìm vào quá khứ. Sau hơn 4 thập kỉ tăng trưởng phi mã, Trung Quốc ngày nay đã trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu tính theo GDP có điều chỉnh ngang giá sức mua (GDP PPP), Trung Quốc đã soán ngôi đầu của Mỹ từ năm 2014.

Từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Trung Quốc đang dần chuyển mình thành một nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng trong nước.

Mức sống của người dân Trung Quốc đã được nâng cao, lượng rác xả ra cũng nhiều hơn trước, trong đó có nhiều loại rác tái chế được. Nhu cầu nhập khẩu rác do vậy mà đi xuống rõ rệt.

Cộng thêm những lo ngại về môi trường và sức khỏe, Trung Quốc quyết định siết chặt qui định nhập khẩu rác trong năm 2017 - 2018 thông qua chính sách Bảo kiếm Quốc gia (National Sword) và Chiến dịch Bầu trời Xanh (Blue Sky). Đất nước tỉ dân còn có kế hoạch cấm hoàn toàn việc nhập khẩu rác tái chế vào năm 2020.

Băng ở ngay trong tên gọi, vì sao Iceland vẫn phải đi mua từ Na Uy?

Việc Iceland nhập khẩu băng nghe có vẻ hoang đường như chuyện bán tủ lạnh cho người Eskimo vậy. Thực ra địa lí Iceland có đa dạng các loại đồng cỏ, rừng cây, núi đồi, … chứ không phải chỉ có băng tuyết quanh năm bao phủ như tên gọi của nó (ice trong tiếng Anh có nghĩa là băng). 

Trung Quốc nhập khẩu rác, Iceland nhập khẩu băng và các nước Ả Rập nhập khẩu cát - Ảnh 2.

Iceland có cả băng tuyết lẫn núi rừng, đồng cỏ, .... Ảnh chụp từ vệ tinh: Getty Image.

Dù vậy Iceland vẫn có rất nhiều băng, nhiều hơn đại đa số các quốc gia khác trên thế giới. Có ba lí do khiến quốc đảo băng giá này nhập khẩu băng từ nước khác thay vì sử dụng "cây nhà lá vườn".

Thứ nhất, cũng giống như Trung Quốc, Iceland tận dụng năng lực vận tải dư thừa của các tàu chở hàng xuất khẩu để đưa băng, đá lạnh về nước mình, qua đó giảm chi phí vận chuyển.

Thứ hai, chi phí nhân công tại quốc đảo Iceland quá cao nên băng tự sản xuất hoặc tự khai thác đắt đỏ hơn nhiều so với băng nhập khẩu.

Thứ ba, thuế nhập khẩu băng bằng 0% do Iceland tham gia nhiều thỏa thuận tự do thương mại kể từ khi trở thành thành viên của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu năm 1970.

Theo thống kê của Observatory of Economic Complexity, năm 2017, trên 95% giá trị mặt hàng Nước (bao gồm nước, tuyết, băng) mà Iceland nhập khẩu là từ các nước châu Âu, chủ yếu là Na Uy (34%), Vương Quốc Anh (33%), Đan Mạch (12%) ... 

Ba nhân tố trên khiến cho việc Iceland nhập khẩu băng hợp lí về mặt kinh tế hơn so với dùng băng trong nước.

Các nước Ả Rập nhập khẩu cát vì sính ngoại?

Các quốc gia Ả Rập tại Trung Đôngcó nhiều nhất hai thứ: dầu mỏ và cát. Ngoài vai trò sản phẩm xuất khẩu chủ lực, dầu mỏ còn là quân bài chiến lược, là vũ khí, là kho báu mà nhiều thế lực khổ công tranh đoạt. Các cuộc chiến tranh nổ ra liên miên, Iraq còn có lần cáo buộc Kuwait khoan chéo từ mặt đất ở Kuwait sang lòng đất bên phía Iraq để ăn cắp dầu.

Về phần cát, không ai nghe thấy chuyện các nước Trung Đông xuất khẩu thứ tài nguyên dồi dào này. Ngược lại, Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út), United Arab Emirates (UAE - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), … còn phải nhập khẩu cát từ nước ngoài về.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center), năm 2018, UAE là quốc gia nhập khẩu cát tự nhiên lớn thứ 5 thế giới với khối lượng 1,05 triệu tấn, tổng trị giá 112,3 triệu USD (tương ứng với mức giá bình quân 107 USD/tấn cát).

sand

Mỹ là nước xuất khẩu cát nhiều nhất thế giới năm 2018 trong khi vương quốc sa mạc UAE đứng top 5 về nhập khẩu cát. Số liệu: Trung tâm Thương mại Quốc tế.

Sở dĩ một quốc gia có 80% diện tích là sa mạc như UAE phải nhập khẩu cát là vì cát sa mạc không hữu dụng bằng các loại cát ở bờ biển hay đáy sông.

Cát sa mạc bị mài mòn bởi gió nên nhỏ và mịn hơn so với cát biển hay cát sông mài mòn bởi nước. Tính chất này khiến cho cát sa mạc không thích hợp trong ngành xây dựng như để đổ bê tông hay phun tia cát làm sạch (sandblasting).

Vì thế nên UAE, Saudi Arabia và nhiều nước có sa mạc vẫn phải nhập khẩu cát sông, cát biển nếu muốn phát triển các khu đô thị sầm uất như Dubai, Abu Dhabi, Riyadh, …

Các quốc gia này cũng có đường bờ biển nhưng do nhu cầu xây dựng quá lớn, cát biển trong nước đã bị khai thác hết từ lâu.

Năm 2003, Thái tử Dubai khi đó là Mohammed bin Rashid Al Maktoum (ngày nay ông là Thủ tướng UAE) đã chi 550.000 bảng Anh để mua 3.000 tấn cát hải ngoại cho hai trường đua ngựa của mình vì ông cho rằng cát sa mạc trong nước không tốt cho chân ngựa.

Ngoài cát, Saudi Arabia còn nhập khẩu cả lạc đà từ Australia (quốc gia xuất khẩu cát lớn thứ 5 thế giới), không phải để rong ruổi trên sa mạc như các bộ phim hay khắc họa mà là để giết lấy thịt.

Hãy trân trọng cát vì cát là tài nguyên quí giá

Trên thế giới nói chung hiện nay đang xảy ra tình trạng thiếu cát. Google từ khóa "cát tặc" hay từ tiếng Anh là "sand theft" cho ra rất nhiều kết quả là các bài phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép, ăn trộm cát để đem bán dẫn tới sói lở đất, hủy hoại môi sinh.

Theo ước tính ở Morocco, khoảng 5 triệu m3 cát - tương đương 50% lượng cát mà quốc gia này sử dụng mỗi năm - bị khai thác trái phép từ bờ biển.

Quốc gia nhập khẩu cát nhiều nhất thế giới năm 2018 lại là một quốc đảo: Singapore. Vốn có diện tích khiêm tốn, Singapore không thể lấy cát ở bờ biển để xây cao ốc vì làm vậy chẳng khác nào tự bắn vào chân mình, khiến diện tích lãnh thổ ngày càng nhỏ đi.

Vậy là Singapore quyết định mua cát ở nơi khác về, không chỉ để xây dựng mà còn để lấn biển. Trong 20 năm qua, Singapore đã nhập khẩu tổng cộng 517 triệu tấn cát. Diện tích mặt đất của nước này cũng tăng tới 20% trong 40 năm qua.

Các quốc gia lân cận cho rằng hành động này của Singapore chẳng khác nào "gắp lửa bỏ tay người", mở rộng cho mình nhưng khuyến khích nạn "cát tặc" hoành hành ở nước khác.

Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) ước tính hoạt động khai thác cát để xuất khẩu sang Singapore đã khiến cho 24 hòn đảo cát của Indonesia biến mất. Năm 2007, Indonesia chính thức cấm xuất khẩu cát sang Singapore.

Năm 2017, Campuchia cũng cấm vĩnh viễn xuất khẩu cát đến Singapore. Tháng 7/2019, đến lượt người hàng xóm Malaysia - quốc gia cung cấp 96% lượng cát mà Singapore nhập về - cũng ban hành lệnh cấm tương tự Indonesia và Campuchia.

Tham vọng xây dựng siêu cảng biển Tuas lớn nhất thế giới của Singapore do vậy đang gặp phải không ít trở ngại. 

Song Ngọc, Đức Quyền