|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuỗi cung ứng ngành tái chế nhựa: Cánh cửa Trung Quốc đóng sập làm cả thế giới giật mình

15:34 | 26/06/2019
Chia sẻ
Trong nhiều năm Trung Quốc đóng vai trò là nhà sản xuất và nhà xử lí rác thải nhựa cho nước Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác. Nhưng rồi đến một ngày định hướng kinh tế "đất nước tỉ dân" thay đổi, cánh cửa nhập khẩu rác đóng lại và thế giới phải một phen náo loạn khi chuỗi cung ứng quen thuộc đột nhiên đứt gãy.

Những chuyến tàu container trống rỗng

Nói đến Trung Quốc và Mỹ hiện nay, nhiều người nghĩ đến hai đối thủ trong một cuộc chiến thương mại cam go và ác liệt với hàng trăm tỉ USD hàng hóa bị áp "sưu cao thuế nặng".

Nhưng không nên vì thế mà quên đi rằng hai siêu cường này là bạn hàng, là đối tác kinh tế lớn nhất của nhau. Nền kinh tế của hai nước có mối liên kết bền chặt không dễ gì chia cắt được.

Riêng trong năm 2018, Mỹ nhập khẩu 540 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, tăng 35 tỉ USD so với năm trước.

Mỗi tuần có hàng trăm tàu container cỡ lớn chở theo ô tô, máy tính, điện thoại, thực phẩm … rời cảng Thượng Hải, Hong Kong vượt Thái Bình Dương để đến bờ Tây nước Mỹ.

Tuy nhiên đổi lại, nước Mỹ không có gì nhiều để xuất khẩu sang Trung Quốc, thể hiện qua con số kim ngạch xuất khẩu ít ỏi và thâm hụt cán cân thương mại khổng lồ. Tổng thống Donald Trump thường phàn nàn về khoản thâm hụt này và coi đó là cái cớ để áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc – nhưng đó là một câu chuyện khác.

xnk

Giá trị xuất, nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc ( tỉ USD). Số liệu năm 2019 là của 4 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Quay lại việc Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ nhưng nhập về không đáng bao nhiêu, điều này có nghĩa nhiều tàu trên đường từ Mỹ về Trung Quốc sẽ trống trơn. Đây là một sự lãng phí nguồn lực to lớn, vậy nên cả hai phía đều cố gắng tìm ra một thứ hàng gì đó mà Mỹ có thể chuyển sang Trung Quốc, và câu trả lời chính là rác, hay đúng hơn là rác có thể tái chế (recyclings).

us trash

Nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng "đóng góp" tới hơn 30% khối lượng rác thải. Nguồn: uspirg.org.

Nước Mỹ tạo ra rất nhiều rác nhưng không muốn tự mình phải xử lí và vì vậy đã tận dụng phí vận tải đường biển siêu rẻ từ Mỹ về Trung Quốc để chuyển bớt rác đi.

Nhiều quốc gia khác cũng làm tương tự, chẳng hạn tới 95% lượng rác thải nhựa của Ireland trong năm 2016 được chuyển sang Trung Quốc.

Năm 2012, khoảng 56% lượng rác thải nhựa xuất khẩu toàn cầu được đưa đến Trung Quốc.

Theo thống kê rác thải của Mỹ năm 2014, có gần 9% được dùng làm phân trộn (composted) để bán cho các nông trang trồng trọt, … Hơn 25% có thể tái chế được – đây là phần được xuất khẩu sang các quốc gia khác trong đó chủ yếu là Trung Quốc, 12,8% được đem đi thiêu hủy và 52,6% được chôn lấp hoặc các biện pháp xử lý khác.

Về phần mình, Trung Quốc sẵn lòng nhận rác tái chế của Mỹ và các nước khác vì đây là một nguồn nguyên liệu rẻ mà có giá trị cao. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, chi phí nhân công của Trung Quốc rất thấp và không khó để tuyển dụng một đội quân đông đảo lao động phổ thông làm công việc nặng nhọc và độc hại là phân loại rác thành từng nhóm riêng biệt phục vụ cho công đoạn tái chế về sau.

Tờ The Guardian dẫn số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ cho thấy năm 2017, khoảng 70% rác thải tái chế của Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong.

Nói gọn lại, Trung Quốc đóng vai trò công xưởng khổng lồ, sản xuất và xuất khẩu hàng trăm tỉ USD hàng hóa vượt Thái Bình Dương sang Mỹ. Những hàng hóa này được sử dụng, ném vào sọt rác, thu gom rồi sau đó lại vượt đại dương một lần nữa để quay về rất gần nơi chúng được sinh ra ở miền nam Trung Quốc. Tại đây, các container rác sẽ được tái chế, sản xuất thành sản phẩm và bắt đầu lại vòng đời của mình.

Tái chế đã trở thành ngành công nghiệp tỉ đô siêu lợi nhuận. Năm 2017, qui mô của ngành này lên tới 265 tỉ USD. Theo dự báo của Statista, con số này sẽ tăng lên thành 377 tỉ USD vào năm 2024.

Chính nhờ ngành buôn bán và tái chế rác này mà bà Trương Nhân (Zhang Yin) – Chủ tịch Tập đoàn giấy Cửu Long trở thành nữ tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2010 với khối tài sản 5,6 tỉ USD cùng biệt danh "Nữ hoàng rác".

queen of trash

Trong khi nhiều phụ nữ khác trở thành tỉ phú nhờ thừa kế, bà Trương Nhân đi lên trong gian khó. Năm 1990, bà mở công ty buôn giấy vụn ở Hong Kong với số vốn ban đầu chỉ 3.800 USD rồi cùng với chồng mình lái một chiếc ô tô cũ trên khắp nước Mỹ để xin giấy vụn từ các bãi rác. Ảnh: New York Times.

Trung Quốc thay đổi cuộc chơi

Trong nhiều năm, hoạt động buôn bán và tái chế rác diễn ra suôn sẻ và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, tới mức không ai nghĩ tới một tương lai mà guồng quay này sẽ dừng lại.

Nhưng rồi năm 2013, Trung Quốc thực hiện Chiến dịch Hàng Rào Xanh (Green Fence) với nhiều biện pháp thắt chặt tiêu chuẩn rác nhập khẩu trong đó có kim loại, giấy, nhựa, cao su, … theo đó hàm lượng tạp chất không được vượt quá 1,5%.

Chỉ trong ba tháng đầu của chiến dịch, nhiều container rác ùn ứ tại các cảng vì 55 chuyến bị hoãn thông quan và 7.600 tấn rác tái chế bị từ chối nhập cảnh.

Đến năm 2017, Trung Quốc lại đưa ra thêm chính sách mang tên Bảo kiếm Quốc gia (National Sword) với nội dung cấm nhập khẩu 4 nhóm gồm 24 loại rác thải rắn bao gồm nhựa, giấy, vải, ….

Từ tháng 3 đến tháng 12/2018, Trung Quốc tiếp tục thực hiện Chiến dịch Bầu trời Xanh (Blue Sky) nhằm thắt chặt hoạt động nhập khẩu rác thải giấy, bìa cứng. Chỉ những lô hàng với tạp chất không quá 0,5% mới được phép vào Trung Quốc.

Do những lo ngại về môi trường và sức khỏe, Trung Quốc hiện chỉ còn nhập khẩu những loại rác thải nhựa "sạch" nhất của các nước.

Trong khi đó, một phần không nhỏ rác thải nhựa của Mỹ có lượng tạp chất (đồ ăn, đất, cát, …) quá lớn và do vậy không đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc.

Ireland – đất nước xuất khẩu 95% nhựa phế liệu của mình sang Trung Quốc như đã nói ở trên – đã lâm vào khủng hoảng vì lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc. Người dân nước này sinh ra quá nhiều rác thải nhựa tới mức chính quyền không biết phải nhét vào đâu nếu không chuyển ra nước ngoài.

Tại một cuộc họp của Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO), Mỹ lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các lệnh cấm nhập nhựa phế liệu và cho rằng Trung Quốc đang gây ra những đứt gãy căn bản trong chuỗi cung ứng toàn cầu về rác thải tái chế, khiến các vật liệu này không được dùng cho mục đích có ích mà chuyển sang bị tiêu hủy.

Theo kế hoạch đến năm 2020 Trung Quốc sẽ không còn nhập khẩu bất kì loại rác tái chế nào nữa.

Về phần mình, Trung Quốc cho rằng nước Mỹ nên tập trung giảm thiểu số lượng rác thải, tìm các phương pháp xử lí mới thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc rồi chỉ trích Trung Quốc khi nước này từ chối tiếp nhận. Trung Quốc còn đề nghị Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình đối với thế giới thông qua việc xử lí rác thải độc hại một cách có trách nhiệm.

Nước giàu không cần nhập rác

Tại sao Trung Quốc lại ngừng nhập khẩu nhựa phế liệu? Sau 4 thập kỉ phát triển kinh tế thần tốc, Trung Quốc hiện đã là một siêu cường kinh tế, mức sống của người dân ngày càng được tăng lên và đã đạt tới mức nước này không cần nhập khẩu nhựa rác về làm nguyên liệu.

Nói vậy không có nghĩa là "giàu rồi nên không cần đến rác nữa" mà là đất nước càng giàu, mức sống càng cao thì càng sản sinh ra nhiều rác. Lượng rác mà người dân Trung Quốc tạo ra hiện đã đủ cho ngành công nghiệp tái chế của nước này, nhu cầu nhập khẩu do vậy rơi tự do về gần con số 0.

Một nghiên cứu của ngân hàng Credit Suisse năm 2015 cho thấy những nước có GDP bình quân đầu người càng cao thì khối lượng rác thải bình quân đầu người càng lớn.

trash vs GDP

Mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa GDP bình quân đầu người và khối lượng rác thải. Nguồn: Credit Suisse/Ngân hàng thế giới

Theo số liệu của Credit Suisse, nước Mỹ dẫn đầu các quốc gia được khảo sát về GDP bình quân đầu người (đã điều chỉnh ngang giá sức mua - PPP) cũng như sản lượng rác bình quân đầu người với 2,5 kg/người/ngày. Các quốc gia phát triển khác theo sau Mỹ gồm có Đức, Nhật Bản, Australia. 

Các quốc gia đang phát triển xếp sau gồm Mexico, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Một người dân Trung Quốc trung bình chỉ sinh ra 1 kg rác/ngày, và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc (đã điều chỉnh theo PPP) chỉ bằng 1/5 của Mỹ.

Nhưng nếu tính theo số tổng của toàn bộ dân số, Trung Quốc hiện nay là nước tạo ra nhiều rác thải nhất thế giới và theo dự báo của một số chuyên gia, đến năm 2030 lượng rác hàng năm của Trung Quốc sẽ nhiều gấp đôi Mỹ. 

Cánh cửa Trung Quốc đóng lại, rác chạy đi đâu?

Do không thể "trút gánh nặng" sang Trung Quốc, nhiều thành phố của Mỹ giờ đây phải thiêu hủy và chôn lấp những loại rác thải mà trước đây vẫn được coi là "có thể tái chế" như vỏ chai, lọ … Theo Business Insider, khoảng một nửa số rác tái chế của thành phố Philadelphia bị đưa đến lò thiêu, nửa kia được đưa đến một nhà máy tái chế nhưng vẫn có khả năng bị chuyển đến lò thiêu sau đó nếu bị đánh giá là không đạt tiêu chuẩn tái chế.

Ở các thành phố Chicago, Franklin (New Hampshire), Medford (Oregon), … những loại rác tái chế có lượng tạp chất lớn bị đưa ra bãi chôn lấp.

Ngoài ra, Mỹ cũng tìm các địa chỉ xuất khẩu khác. Sau khi cánh cửa Trung Quốc khép lại, xuất khẩu nhựa phế liệu của Mỹ sang các nước khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Việt Nam, Thái Lan tăng sốc trong 6 tháng đầu năm 2018. 

plastic export

Xuất khẩu rác thải nhựa của Mỹ sang Thái Lan, Malaysia và Việt Nam tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2018, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong sụt giảm mạnh. Nguồn: The Guardian/Greenpeace.

Theo số liệu của The Guardian, tính chung cả năm 2018 Mỹ xuất khẩu 83.000 tấn rác thải nhựa sang Việt Nam.

Rác thải nhựa của Mỹ hiện như một cục than nóng, không nước nào muốn và cũng không nước nào có thể thay Trung Quốc đón nhận. Số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy siêu cường kinh tế này vẫn chuyển hơn 1 triệu tấn nhựa rác ra nước ngoài trong một năm, đa phần là tới những nơi vốn đã ngập trong rác nhựa của Mỹ.

Điều đáng ngại hơn cả là những nước tiếp nhận lại tỏ ra rất yếu kém trong việc xử lí rác thải nhựa của chính mình. Một nghiên cứu do Phó Giáo sư Jenna Jambeck (Đại học Georgia) thực hiện cho thấy Malaysia – nước tiếp nhận nhiều nhựa phế liệu từ Mỹ nhất sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc – xử lí không hiệu quả tới 55% số rác thải nhựa của mình, tức là số rác nhựa này bị đem đi chôn lấp hay tập kết tại những khu lộ thiên. Với Việt Nam và Indonesia, tỉ lệ xử lí rác nhựa không hiệu quả lần lượt lên tới 81% và 86%.

Động lực thay đổi

Suy cho cùng, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu nhựa phế liệu không hẳn là chuyện xấu; thậm chí có thể coi đây là việc rất tốt.

Từ lâu, các nước kinh tế phát triển chính là những người sản sinh ra nhiều rác thải nhất và họ cũng không có động lực gì mạnh mẽ để cắt giảm. 

Nay Trung Quốc gần như đã dừng hoàn toàn việc nhập khẩu rác thải nhựa, nếu những điểm đến thay thế như Malaysia, Indonesia hay Việt Nam cũng đồng thanh tuyên bố: "Chúng tôi không muốn nhập rác của các người" thì rất có thể Mỹ và quốc gia phát triển sẽ buộc phải giảm lượng rác thải hoặc nhanh chóng tìm ra cách xử lí hiệu quả hơn là chỉ chôn lấp hay đẩy sang cho người khác.

Kiên Dương, Song Ngọc