|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế của đất nước hạnh phúc nhất thế giới có gì đặc biệt?

13:49 | 21/03/2022
Chia sẻ
Phần Lan 5 năm liên tiếp giữ vững vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nền kinh tế phát triển và mức sống cao đã góp công không nhỏ.
Nền kinh tế của đất nước hạnh phúc nhất thế giới có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin chính là thủ tướng trẻ nhất thế giới. Khi nhậm chức năm 2019, bà mới chỉ 34 tuổi. (Ảnh: Reuters).

Suốt 5 năm liên tiếp, Phần Lan chiếm vị trí số 1 trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới do Liên Hợp Quốc công bố. Năm nay, điểm số của đất nước Bắc Âu này cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong top 10.

Báo cáo Hạnh phúc thế giới được dựa trên đánh giá của người dân về mức độ hạnh phúc, cũng như dữ liệu kinh tế và xã hội. Chỉ số hạnh phúc được tính trên thang điểm 10, dựa trên dữ liệu trung bình trong ba năm.

Ngoài đánh giá hạnh phúc của người dân, điểm số hạnh phúc tính đến GDP, hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng.

Bắc Âu một lần nữa thống trị các vị trí đầu bảng - với Đan Mạch đứng thứ hai sau Phần Lan, tiếp theo là Iceland, Thụy Sĩ và Hà Lan. Mỹ tăng 3 bậc lên vị trí thứ 16, trước Anh một bậc. Pháp leo lên vị trí thứ 20, thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Người Phần Lan rất giàu

Câu nói “Tiền không mua được hạnh phúc” có lẽ không còn đúng khi áp dụng vào danh sách quốc gia hạnh phúc. Cả 10 nước đứng đầu đều là những quốc gia có thu nhập rất cao, nằm trong top 30 GDP bình quân đầu người của thế giới.

Nền kinh tế của đất nước hạnh phúc nhất thế giới có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Các quốc gia được xếp theo thứ tự từ hạnh phúc nhất đến ít hạnh phúc nhất.

Phần Lan đứng thứ 19 trên thế giới về GDP đầu người, đạt mức 56.833 USD vào năm 2022 theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF).

Nếu tính theo GDP bình quân đầu người điều chỉnh theo hệ số ngang sức mua (PPP) Phần Lan đạt thứ hạng 31. Việc GDP PPP có thứ hạng thấp hơn GDP danh nghĩa cho thấy mặt bằng giá cả của Phần Lan khá cao.

Xã hội công bằng

Ở thước đo về công bằng xã hội theo chỉ số Gini, Phần Lan nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung tỏ ra vượt trội so sánh với các nước kinh tế phát triển khác.

Chỉ số Gini có thang điểm từ 0 đến 100, với mức 0 tương đương với xã hội công bằng tuyệt đối và mức 100 là xã hội bất công hoàn toàn. 20% những người nghèo nhất tại Phần Lan vẫn chiếm tới 9,4% tổng thu nhập.

Nền kinh tế của đất nước hạnh phúc nhất thế giới có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Chỉ số Gini càng nhỏ, đất nước càng bình đẳng.

Phần Lan nằm trong số những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, giáo dục Phần Lan thúc đẩy hợp tác, làm việc nhóm. Nền kinh tế Phần Lan được thiết lập theo cách thúc đẩy sự gắn kết khiến ngay cả những người lao động có mức lương thấp cũng đều có thể hài lòng.

Một thước đo khác để đánh giá nền kinh tế là Chỉ số phát triển con người (HDI). Và cũng không hề bất ngờ khi Phần Lan, cũng như tất cả 10 đất nước hạnh phúc nhất, đều có HDI rất cao.

Chỉ số phát triển con người so sánh về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát hơn về sự phát triển của một quốc gia so với khi chỉ dùng thước đo thu nhập bình quân đầu người.

Chính sách phúc lợi

Phần Lan có một trong những chính sách thai sản hào phóng nhất trên thế giới. Bắt đầu từ năm 2021, cả cha và mẹ đều được nghỉ thai sản tới 164 ngày mỗi người. Cha mẹ sẽ có thể chuyển 69 ngày từ quỹ nghỉ phép của mình cho người còn lại.

Trợ cấp của cha mẹ sẽ được trả cho đến khi đứa trẻ được 13 tuần tuổi. Cha mẹ đơn thân sẽ có quyền sử dụng tiền trợ cấp nuôi con của cả cha và mẹ. Trong 26 tuần đầu, cha mẹ sẽ được trả 70% tiền lương.

Một thống kê thú vị của OECD về Phần Lan cho thấy đây là quốc gia phát triển duy nhất mà các ông bố dành nhiều thời gian cho con cái trong độ tuổi đi học hơn là các bà mẹ, khoảng 8 phút mỗi ngày.

Nền kinh tế của đất nước hạnh phúc nhất thế giới có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Số lượng người vô gia cư tại Phần Lan liên tục giảm trong hơn 30 năm vừa qua.

Trong hơn một thập kỷ qua, Phần Lan đã phát động và tài trợ cho các chương trình quốc gia nhằm giảm thiểu tình trạng vô gia cư. Các chương trình đã được dựa trên mô hình Nhà ở Trước hết. Các chương trình này đã đặc biệt giải quyết tình trạng của những người vô gia cư dài hạn dễ bị tổn thương nhất.

Phần Lan có một hệ thống phúc lợi xã hội, giúp đảm bảo rằng mọi người không phải ra đường ngay sau khi thất nghiệp hoặc ốm nặng. Chăm sóc sức khỏe cũng miễn phí hoặc ở mức giá phải chăng tất cả mọi người.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu

Khi nhắc đến Phần Lan, nhiều người nghĩ ngay tới cái tên Nokia vang bóng một thời. Năm 2008, Nokia từng dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, chiếm tới 40% thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, Phần Lan còn là quê hương của Stora Enso, nhà sản xuất giấy hàng đầu thế giới; STX Finland, công ty đóng con tàu du lịch lớn nhất thế giới - Oasis of the Sea.

Nền kinh tế của đất nước hạnh phúc nhất thế giới có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Con tàu du lịch lớn nhất thế giới có tên Oasis of the Sea. (Ảnh: Michel Verdure).

Những năm gần đây, Phần Lan chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và đã gặt hái nhiều thành công. Rovio Mobile - nhà phát hành của những tựa game như Angry Birds hay Clash of Clan thường xuyên đứng top đầu doanh số trên App Store hay Google Play.

Phần Lan là một trong những quốc gia bình đẳng giới nhất trên thế giới (Theo Global Gender Gap) và là đất nước đầu tiên trao đầy đủ quyền chính trị cho phụ nữ vào năm 1906. Một nữ giáo sư hoặc giám đốc điều hành là chuyện không có gì đặc biệt ở Phần Lan. Phụ nữ chiếm 49% lực lượng lao động tại đất nước Bắc Âu này.

Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin là thủ tướng trẻ nhất thế giới. Khi trở thành người đứng đầu chính phủ năm 2019, bà mới 34 tuổi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.