|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Việt Nam, Nga và Ukraine: Dân nước nào giàu hơn?

21:26 | 14/03/2022
Chia sẻ
Việc so sánh mức độ giàu có của Ukraine, Nga và Việt Nam đòi hỏi nhiều số liệu kinh tế và thông tin phi kinh tế, khó có thể chỉ dùng một con số mà kết luận ngay được.

Xét theo quy mô của toàn bộ nền kinh tế, Nga tỏ ra vượt trội với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 khoảng 1.479 tỷ USD, trong khi con số của Việt Nam và Ukraine tương ứng khoảng 343 tỷ và 155 tỷ USD.

Năm 2021, GDP của Nga ước tính tăng trưởng lên 1.648 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới. GDP của Việt Nam và Ukraine được dự báo đạt lần lượt 368 tỷ USD và 181 tỷ USD.

Việt Nam, Nga và Ukraine: Dân nước nào giàu hơn? - Ảnh 1.

Về dân số, Nga cũng dẫn đầu với khoảng 144 triệu người, Việt Nam đứng sau với 97 triệu và Ukraine có 44 triệu.

Lấy GDP hàng năm chia cho số dân, ta được số liệu GDP bình quân đầu người, đây là thước đo thường được sử dụng để đánh giá mức độ giàu có và phát triển của một quốc gia.

Nga một lần nữa vượt trội so với Ukraine và Việt Nam, nhưng kết quả những năm gần đây thấp hơn nhiều so với đỉnh cao năm 2014. Nguyên nhân một phần là các lệnh trừng phạt của Phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

GDP bình quân đầu người của Ukraine cũng giảm trong các năm 2014, 2015, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Lý do là biến động chính trị và xung đột với Nga ở Crimea cũng như vùng Donbass. Riêng Việt Nam duy trì tăng trưởng trong ba thập kỷ qua và đang theo sát Ukraine.

Việt Nam, Nga và Ukraine: Dân nước nào giàu hơn? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, số liệu GDP bình quân danh nghĩa có nhược điểm là không tính đến sự khác nhau trong mặt bằng giá cả của các nước. Giả sử thu nhập của một người dân nước P cao gấp đôi người dân nước Q, nhưng mặt bằng giá ở P cao hơn ở Q tới 4 lần, vậy thì mức sống của người dân nước P lại thành ra thấp hơn Q.

Sau khi điều chỉnh GDP bình quân theo hệ số ngang giá sức mua (PPP), thứ tự tương đối của ba nước không thay đổi. Dù vậy, giá trị GDP bình quân của cả ba nước đều cao hơn đáng kể so với trước điều chỉnh, cho thấy mặt bằng giá cả của cả Nga, Việt Nam và Ukraine đều thấp hơn so với Mỹ.

Việt Nam, Nga và Ukraine: Dân nước nào giàu hơn? - Ảnh 4.

Mỹ được lấy làm chuẩn nên có hệ số quy đổi PPP luôn bằng 1. GDP bình quân danh nghĩa năm 2021 của Việt Nam là 3.743 USD nhưng có sức mua tương đương với 11.608 USD tại Mỹ.

Các số liệu bên trên cho thấy chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và Ukraine không quá lớn. Vậy nhưng các hình ảnh về Ukraine những tuần gần đây khiến một số độc giả Việt cảm thấy có vẻ như Ukraine giàu hơn Việt Nam rất nhiều.

Một phần nguyên nhân có thể là do các thống kê trung bình thường không đại diện được những con số đột biến bao gồm cả quá cao và quá thấp, tức là không thể hiện được tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở mỗi nước.

Giả sử một nước có 10.000 dân, trong đó 10 người có thu nhập mỗi người 1 tỷ USD và 9.990 người sống dưới mức nghèo khổ. Khi đó thu nhập bình quân đầu người sẽ lên tới 1 triệu USD/người/năm nhưng các bức ảnh về đất nước này chủ yếu sẽ cho thấy cảnh người dân nghèo cùng cực.

Một quốc gia khác cũng có 10.000 dân và mỗi người có thu nhập ngang nhau 1 triệu USD/người/năm thì khi lên ảnh sẽ cho thấy một đất nước sung túc, giàu sang.

Thước đo về sự mất cân bằng trong thu nhập của một nước là chỉ số Gini. Chỉ số này càng cao thì sự mất cân bằng càng lớn, Gini bằng 0 tức là đất nước công bằng tuyệt đối – tất cả người dân đều có thu nhập ngang nhau.

Năm 2019, Ukraine có chỉ số Gini bằng 26,6 điểm, tương đối thấp so với Nga, Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Việt Nam, Nga và Ukraine: Dân nước nào giàu hơn? - Ảnh 5.

Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch trong chỉ số Gini có thể là yếu tố địa lý. Nhiều vùng ở Việt Nam có địa hình hiểm trở với nhiều núi cao và rừng rậm, các cộng đồng dân tộc vùng sâu vùng xa ít có điều kiện phát triển kinh tế nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, địa hình Ukraine đại đa phần là bình nguyên rộng lớn, hầu như không có đồi núi cao (ngoại trừ dãy Carpathian ở biên giới phía tây nam) và rất ít các rào cản tự nhiên. Dòng sông Dnieper hùng vỹ kết nối hoạt động kinh tế các vùng với nhau.

Khu vực miền trung và miền nam Ukraine chủ yếu là các cánh đồng với đất đai bằng phẳng và màu mỡ, phù hợp cho trồng ngũ cốc. Trong thực tế, Ukraine nằm trong top 5 nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới như thể hiện trong thống kê bên dưới. Miền đông Ukraine có các mỏ khoáng sản lớn ở vùng Donbass và Donetsk. 

Vì vậy, các khu vực của Ukraine có điều kiện phát triển kinh tế tương đối đồng đều, hạn chế tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các vùng.

Việt Nam, Nga và Ukraine: Dân nước nào giàu hơn? - Ảnh 6.

Song Ngọc