|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', xua tan hàng tỷ USD thua lỗ trong nháy mắt

15:24 | 20/03/2022
Chia sẻ
Trong vụ bán khống nickel ồn ào mới đây, Trung Quốc vừa là người mua bán, vừa là bên cấp vốn, đồng thời quản lý luôn cả sàn giao dịch. Khi doanh nghiệp đối mặt với khoản lỗ 8-12 tỷ USD, Trung Quốc dễ dàng thu xếp ổn thỏa.
Trung Quốc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', xua tan hàng tỷ USD thua lỗ trong nháy mắt - Ảnh 1.

Khai thác quặng nickel ở Indonesia. (Ảnh: Reuters).

Tháng 6/2012, Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) mua lại Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) với giá 1,4 tỷ bảng Anh, tương đương 2,2 tỷ USD. Báo giới và một số chuyên gia tài chính khi đó cho rằng HKEX đã bị hớ khi trả quá cao. Giá trị thương vụ vào năm 2012 tương đương 180 lần thu nhập hàng năm của LME.

Tuy vậy, các quyết định bất thường có lợi cho phía Trung Quốc mà LME đưa ra trong những ngày tháng 3/2022 cho thấy thương vụ 10 năm về trước đã mang lại quả ngọt.

Cú "big short" đi vào lòng đất

Short là từ tiếng Anh dùng để chỉ hoạt động bán khống, hoặc nói chung hơn là đánh cược rằng giá của một loại hàng hóa, cổ phiếu, chỉ số, … sẽ giảm trong tương lai.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, một số ít nhà đầu tư đã short thị trường nhà đất Mỹ và thu lợi khủng khi giá nhà rớt thảm. Bộ phim "The big short" (tạm dịch là Pha bán khống vĩ đại) công chiếu năm 2015 kể về hoạt động của các nhà đầu tư nói trên đã làm cho thuật ngữ "big short" ngày càng phổ biến hơn trong giới đầu tư.

Ông chủ Xiang Guangda của tập đoàn sản xuất thép không rỉ lớn nhất thế giới Tsingshan cũng muốn kiếm lợi khủng thông qua một cú big short, nhưng không phải trên thị trường nhà đất mà là thị trường kim loại.

Trung Quốc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', xua tan hàng tỷ USD thua lỗ trong nháy mắt - Ảnh 2.

Ông Xiang Guangda, Chủ tịch Tập đoàn Tsingshan (thứ 3 từ trái sang) đứng cạnh Tổng thống Indonesia Joko Widodo (áo trắng). (Ảnh: Huayou Cobalt).

Nickel (đọc là ni-ken, hoặc kền) là một trong những kim loại có vai trò quan trọng trong công nghiệp. Khoảng 72% lượng nickel toàn cầu được dùng để sản xuất thép không rỉ, 20% để mạ và làm các hợp kim khác, 7% được dùng trong các loại pin của xe điện (EV).

Khi thế giới dần bước ra khỏi hố sâu đại dịch, nhu cầu nickel tăng mạnh đã đẩy giá của kim loại quan trọng này lên cao. Chủ tịch Xiang Guangda cho rằng mức giá cao này là không bền vững nên đã short ước tính khoảng 150.000 tấn nickel kể từ cuối năm 2021.

Tsingshan vay nickel để bán, hy vọng rằng giá sẽ giảm để công ty có thể mua lại nickel với giá thấp để trả bên cho vay. Người bình thường làm giàu bằng cách mua thấp rồi bán cao, Chủ tịch Xiang lại thích kiếm tiền bằng cách bán cao rồi mua lại giá thấp.

Một lý do lớn khiến ông chủ Xiang bán khống mạnh tay như vậy là bởi tập đoàn của ông đang nắm cả hai đầu giao dịch. Tsingshan chính là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, sở hữu một khu mỏ khai thác và chế biến nickel quan trọng ở Indonesia.

Trong năm 2022, Tsingshan quyết tâm nâng sản lượng nickel thêm 40%. Nếu tham vọng này trở thành hiện thực, nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào hơn và giá nickel sẽ lao dốc, giúp Tsingshan lãi lớn từ thương vụ big short.

Điều mà ông chủ Xiang không ngờ tới là cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào ngày 24/2. Nga là nước sản xuất khoảng 10% lượng nickel toàn cầu, chỉ đứng sau Indonesia và Philippines như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Tình hình chiến sự căng thẳng, cộng thêm các lệnh trừng phạt dồn dập mà Phương Tây áp dụng với Nga đã khiến thị trường nickel hoảng loạn.

Trung Quốc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', xua tan hàng tỷ USD thua lỗ trong nháy mắt - Ảnh 3.

Ngày đầu tuần 7/3, giá hợp đồng tương lai nickel tại Sàn Giao dịch London tăng sốc 66%, từ chưa đầy 29.000 lên trên 48.000 USD/tấn.

Sáng 8/3, giá kim loại này tiếp tục nhảy vọt lên trên 100.000 USD/tấn. Trong 24 giờ, giá nickel đã tăng 250%.

Giá tăng mạnh đồng nghĩa với việc những nhà đầu tư kiểu big short như Tsingshan và Chủ tịch Xiang bị gọi ký quỹ (call margin) và đối mặt nguy cơ thua lỗ 8-12 tỷ USD.

Sàn giao dịch Trung Quốc cứu thua cho công ty Trung Quốc

Đóng cửa thị trường nguyên một tuần

Khi giá các công cụ tài chính biến động quá thất thường, nhiều sàn giao dịch trên thế giới đều có cơ chế tạm ngừng mua bán, hay còn gọi là "ngắt mạch".

Chẳng hạn tại Mỹ, khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% trong một phiên, thị trường sẽ tạm dừng giao dịch trong 15 phút. Sau khi giao dịch trở lại, nếu S&P 500 tiếp tục giảm quá ngưỡng 13% thì thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch 15 phút lần hai. Nếu sau đó chỉ số giảm quá 20%, thị trường ngừng giao dịch tới phiên hôm sau.

Mục đích của quy định ngắt mạch này là để cho nhà đầu tư thời gian để bình tâm xem xét, không hoảng loạn theo tâm lý đám đông khi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Trong trường hợp giao dịch nickel tại LME, khi giá hợp đồng tương lai vọt lên trên 100.000 USD/tấn trong buổi sáng 8/3, lãnh đạo LME đã tuyên bố đóng cửa thị trường, không phải chỉ trong vài phút hay một ngày mà là trong suốt một tuần.

Hợp đồng tương lai nickel đáo hạn vào ngày 9/3, tức là chỉ một ngày sau khi giá vọt lên trên 100.000 USD. Tsingshan và Chủ tịch Xiang sẽ không thể xoay xở kịp tiền ký quỹ cho các hợp đồng short của mình.

Nếu không có tiền mặt, Tsingshan sẽ phải giao ước tính khoảng 150.000-200.000 tấn nickel cho các đối tác. Con số này lớn hơn sản lượng nickel trong cả một năm của Trung Quốc.

Một vấn đề khác là lượng nickel trong kho của Tsingshan chủ yếu là các hợp kim với hàm lượng nickel chỉ khoảng 10% và 70%, trong khi tiêu chuẩn giao dịch của LME phải là 98,9%.

Tsingshan không thể nào xoay xở được hàng tỷ USD tiền mặt hoặc cả núi nickel tinh khiết chỉ trong một ngày. Việc LME đóng cửa thị trường trong một tuần đã cho Tsingshan thêm khoảng thời gian quý giá.

Theo Bloomberg, JPMorgan Chase và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank) đã đồng ý cấp tín dụng cho Tsingshan. China Construction Bank cũng chính là ngân hàng cho vay lớn nhất và công ty môi giới chính của Tsingshan. Vì vậy, nếu Tsingshan được giải cứu thành công thì nhà băng này cũng hưởng lợi không nhỏ

Cơ quan quản lý Trung Quốc còn yêu cầu một số ngân hàng trong nước khác cho Tsingshan vay thêm. Số tiền đi vay này giúp cho tập đoàn của Chủ tịch Xiang Guangda có thể đáp ứng yêu cầu gọi ký quỹ (call margin).

Hủy bỏ 5.000 giao dịch, giá giảm quá nửa

Không chỉ đóng cửa thị trường trong một tuần liền, LME còn thông báo hủy bỏ toàn bộ 5.000 giao dịch hợp đồng tương lai diễn ra trong buổi sáng 8/3 khi giá tăng từ khoảng 50.000 lên 100.000 USD/tấn. Tổng giá trị các giao dịch bị hủy lên tới 3,9 tỷ USD.

Khi thị trường mở cửa trở lại vào ngày 16/3, mức giá tham chiếu được LME chọn là giá 48.000 USD/tấn lúc kết phiên 7/3, không phải mức 100.000 USD/tấn vì tất cả giao dịch trong buổi sáng 8/3 đã bị hủy.

Trung Quốc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', xua tan hàng tỷ USD thua lỗ trong nháy mắt - Ảnh 5.

Theo quyết định của LME, giá nickel chỉ lên đến đỉnh khoảng 48.000 USD/tấn, chưa bao giờ chạm 100.000 USD/tấn như thực tế diễn ra.

Tại Việt Nam mới đây xảy ra trường hợp hủy bỏ tất cả giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC do không báo cáo trước giao dịch.

Các sàn đôi khi hủy bỏ giao dịch nếu nhận thấy có sự nhầm lẫn rõ ràng, chẳng hạn thay vì bán 10 hợp đồng với giá 100 triệu USD thì người thực hiện lại nhập lệnh nhầm thành bán 100 hợp đồng với giá 10 USD. Ngay cả trong trường hợp nhầm lẫn như vậy, việc hủy bỏ giao dịch cũng gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng "phím sa gà chết", ai nhập lệnh sai thì người đó phải chịu.

Việc LME hủy bỏ toàn bộ 5.000 giao dịch trong một ngày là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đặc biệt là khi các giao dịch được thực hiện đúng quy định, giá biến động theo quy luật cung cầu, cũng không có sai sót nào của các bên.

Với mức giá tham chiếu mới là 48.000 USD/tấn, Tsingshan vẫn thua lỗ nhưng chắc chắn số lỗ nhỏ hơn nhiều so với khi giá ở trên mốc 100.000 USD/tấn.

Tsingshan lỗ ít đi tức là nhiều nhà đầu tư khác lỗ nhiều lên hoặc mất lãi. Goldman Sachs tỏ ra rất không hài lòng với quyết định hủy tất cả giao dịch của LME.

Nhà quản lý quỹ đầu cơ Clifford Asness viết trên Twitter: "Hủy bỏ giao dịch giữa các bên mua bán tự nguyện sau khi mọi việc đã diễn ra là KHÔNG ổn. Tạm đóng cửa thị trường là một chuyện, nhưng LME thử giải thích xem tại sao chúng tôi nên tiếp tục giao dịch ở đây khi mà các người có thể hủy bỏ giao dịch vì mấy lý do bí ẩn của riêng các người?"

Nhiều nhà đầu tư đang tính đến việc chấm dứt giao dịch tại LME. Sàn giao dịch này còn có thể bị kiện vì những thiệt hại gây ra trong giao dịch nickel vừa qua.

Là sàn giao dịch, LME lẽ ra chỉ làm nhiệm vụ trung gian cung cấp hạ tầng nền tảng để cho các thành viên thị trường mua bán. Tuy nhiên trong trường hợp này, LME – một sàn giao dịch Trung Quốc - đã chọn phe, đưa ra những quyết định bất thường có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc là Tsingshan.

Khi giao dịch nickel được nối lại vào ngày 16/3, LME áp biên độ giá 5%, hệ thống máy tính liên tục gặp lỗi và LME một lần nữa hủy bỏ giao dịch của nhà đầu tư. Cuối phiên, giá giảm kịch biên độ 5%.

Trong hai ngày sau đó, LME nới rộng biên độ giá lên lần lượt 8% và 12%, đồng nghĩa với việc cho phép giá nickel lao dốc với tốc độ nhanh hơn. Thực tế trong cả hai phiên 17 và 18/3, giá nickel đều giảm sàn. Giá càng giảm, những người nắm vị thế short càng được lợi.

Tsingshan kiếm đâu ra cả núi nickel?

Nhật báo Chứng khoán Trung Quốc cho biết Tsingshan hiện đã gom đủ nickel để bàn giao cho đối tác. 

Số nickel nói trên có thể đến từ hai nơi. Khả năng thứ nhất là Tsingshan vay từ kho dự trữ kim loại chiến lược của Trung Quốc rồi sau này sẽ trả lại dần dần.

Trung Quốc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', xua tan hàng tỷ USD thua lỗ trong nháy mắt - Ảnh 6.

Khả năng thứ hai là mua từ Nga. Nickel của Nga hiện nay chưa bị cấm vận chính thức nên Tsingshan vẫn có thể dùng nó để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng.

Mặc dù vậy, các định chế tài chính lớn của Phương Tây hiện nay không muốn dính dáng đến tài sản của Nga nên quá trình xử lý giao dịch trong thực tế có thể phát sinh vấn đề.

Dù số nickel nói trên có đến từ đâu thì việc LME đóng cửa sàn giao dịch trong một tuần đã giúp cho Tsingshan có thêm thời gian để thu xếp nguồn cung.

Việc Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) mua lại Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) với giá 1,4 tỷ bảng Anh 10 năm về trước tỏ ra là một quyết định làm ăn khôn ngoan. 

Từ trước vụ lùm xùm nickel kể trên, Trung Quốc đã có những toan tính sâu xa khi mua lại sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới. Ông Charles Li, Tổng Giám đốc HKEX năm 2012 đã nói: "Chúng tôi sẽ sử dụng LME làm nền tảng để mở rộng ra các thị trường hàng hóa quốc tế … Chúng tôi cũng có thể triển khai các sản phẩm nhân dân tệ thông qua hệ thống của LME, đây là một bước quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ".

Song Ngọc - Đức Quyền

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...