|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quốc gia khô cằn với dân số và diện tích chưa bằng 1/10 Việt Nam nhưng nền kinh tế lớn hơn, nhân tố nào giúp sức?

16:41 | 13/02/2023
Chia sẻ
Israel nằm giữa khu vực bất ổn liên tục từ ngày đầu lập nước nhưng vẫn có nền kinh tế mạnh, người dân giàu có, học thức cao và đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, quốc phòng. Israel cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông.

Theo Reuters, vào cuối tuần trước, một vụ tấn công bằng ô tô tại ngoại ô Jerusalem đã khiến 3 người Israel thiệt mạng. Hai tuần trước đó, một tay súng Palestine đã sát hại 7 người bên ngoài một giáo đường Do Thái. 

Kể từ đầu năm đến nay, ít nhất 42 người Palestine đã thiệt mạng trong các chiến dịch truy quét của lực lượng Israel tại Bờ Tây. Căng thẳng tại Trung Đông cũng đang lên cao, sau khi Iran tố cáo Israel tấn công vào cơ sở quân sự của nước này. 

Hôm 12/2 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Nội các đang họp để chuẩn bị cho một hành động lớn hơn chống lại những kẻ khủng bố và những người ủng hộ chúng ở Đông Jerusalem, Judea và Samaria (khái niệm để chỉ Bờ Tây), đồng thời tránh làm hại những người vô tội".

Trong 75 năm tuổi đời ngắn ngủi của mình, Israel chưa từng trải qua một thập kỷ hoàn toàn hòa bình. Thế nhưng, bất chấp việc nằm tại một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới, Israel vẫn sở hữu một nền kinh tế phát triển, người dân giàu có, học thức cao.

Xe tăng Israel vượt qua cao nguyên Golan trong Cuộc chiến Sáu ngày với liên quân Syria, Ai Cập, Jordan và Iraq năm 1967. (Ảnh: Getty Images).

Tuổi đời non trẻ

Nhà nước Israel là quốc gia duy nhất của người Do Thái trong thời hiện đại. Biên giới của Israel nằm trong một khu vực giàu về lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Jerusalem - thủ đô của Israel, không được quốc tế công nhận - cũng là nơi khởi nguồn của ba tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Trước Thế chiến I, lãnh thổ Israel và Palestine do người Arab cai quản. Tuy nhiên, vào năm 1948, Liên Hợp Quốc quyết định chia Palestine làm hai, thành lập ra Nhà nước Israel. Người Palestine cũng như những người hàng xóm Arab không ủng hộ quyết định này. Kết quả là Israel luôn trong tình trạng xung đột, bất ổn với Palestine cũng như các nước Arab.

Israel có diện tích nhỏ, quy mô dân số thấp và GDP đầu người rất cao.  

Diện tích của Israel chỉ khoảng 22.000 km2, tức bằng khoảng gần 7% so với Việt Nam. Dân số của nước này là 9,52 triệu người vào năm 2022, chưa bằng 1/10 Việt Nam. 

Tuy vậy, GDP của quốc gia Trung Đông này lên tới 527 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn những quốc gia đông dân, rộng lớn như Việt Nam, Ai Cập hay Philippines. Xét theo bình quân đầu người, GDP của Israel đứng hàng cao nhất thế giới (55.400 USD/năm), vượt qua các nước giàu có tại châu Âu như Đức, Anh, Áo hay Phần Lan. 

Nền quốc phòng mạnh mẽ

Với lịch sử ngắn ngủi nhưng đầy xung đột, Israel buộc phải thích nghi và tự đổi mới để bảo vệ mình trước đủ mối đe dọa, từ chiến tranh thông thường, khủng bố cho đến tấn công mạng.

Quân đội Israel không quá đông, nhưng có ngân sách quốc phòng gấp 4 lần Việt Nam hoặc Iran.

Theo Global Firepower (GFP), Israel sở hữu quân đội mạnh thứ 18 trên thế giới, hơn một bậc so với Việt Nam và nằm ngay dưới Iran. Israel chỉ có dân số khoảng 9,3 triệu người, thấp nhất trong số 20 quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới.

Hiện tại, Israel đang sở hữu khoảng 600 máy bay, 2.200 xe tăng và hàng chục tàu chiến các loại. Đồng thời, nền công nghiệp quốc phòng của Israel cũng rất phát triển. 

Israel có một lịch sử lâu đời về phát triển các thiết bị quân sự. Ngành công nghiệp quốc phòng của nước này tự sản xuất hàng loạt vũ khí như xe tăng, máy bay không người lái, pháo, hệ thống tên lửa phòng không,  ....

Vào năm 2021, theo Anadolu Agency, ngành công nghiệp quốc phòng của Israel đem về 11,3 tỷ USD tính theo trị giá hợp đồng, tăng trưởng mạnh so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020. 

Do bị bao vây bởi những người hàng xóm kém thân thiện, Israel buộc phải có khả năng tự chủ về công nghệ quốc phòng. Xe tăng chủ lực (MBT) Merkava Mk IV do Israel nghiên cứu và phát triển là một trong những loại MBT hiện đại nhất thế giới.

Hệ thống phòng không Iron Dome (Mái vòm sắt) và David’s Sling do Israel sản xuất cũng giúp bảo vệ các thành phố của nước này khỏi tên lửa từ Dải Gaza. Israel cũng tự sản xuất một số loại máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, tên lửa chống tăng, súng trường, …. 

Một số loại vũ khí bộ binh được Rafael (một công ty quốc phòng hàng đầu của Israel), trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022. Bên trái: Tên lửa điều khiển chống tăng Spike. Bên phải: Đạn tuần kích Spike FireFly. (Ảnh: Minh Quang).

Ngoài ra, do là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại vùng Trung Đông, Israel cũng nhận được những khí tài quân sự hiện đại, chẳng hạn như máy bay chiến đấu đa năng F-35. Israel cũng dẫn đầu trong lĩnh vực an ninh mạng.

Nông nghiệp giữa sa mạc

Bên cạnh vị thế của một cường quốc về quân sự, Israel còn có một nền nông nghiệp phát triển, mọc lên ngay trên sa mạc khô cằn.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), chỉ khoảng 30% đất đai của Israel (tương đương 6.400 km2) là phù hợp để canh tác nông nghiệp, trong khi các con số tương ứng của Việt Nam là 37% và 123.000 km2.

Do nằm tại Trung Đông - một trong những khu vực khô cằn nhất thế giới - Israel phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng. 

Israel đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Bất chấp việc là một đất nước nhỏ, không có nhiều đất nông nghiệp và nguồn nước hạn chế, Israel vẫn có một ngành nông nghiệp phát triển, sản xuất ra nhiều loại rau củ và vật nuôi. Tại các siêu thị ở châu Âu hay Nga, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp các loại rau củ, trái cây có nguồn gốc từ Israel.

Khí hậu Israel với mùa hè nóng, khô và mùa đông mát mẻ, nhiều mưa phù hợp với những loại cây trái như rau củ, ngũ cốc, hạt cũng như cam, chanh, bơ và chà là. Theo World Bank, vào năm 2020, Israel xuất khẩu lượng rau củ trị giá 1,4 tỷ USD. Nhóm hàng thực phẩm đóng góp thêm khoảng gần 800 triệu USD vào xuất khẩu của nước này. 

Để vượt qua những thách thức về điều kiện tự nhiên, Israel đã phát triển nhiều kỹ thuật hiện đại nhằm cải thiện hiệu quả và tính bền vững của ngành nông nghiệp. Quốc gia này đã phát triển nhiều giống cây trồng mới, với hàm lượng dinh dưỡng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Hệ thống tưới nhỏ giọt của Netafim - công ty tiên phong trong lĩnh vực tưới tiêu tại Israel. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, Israel còn đi đầu trong việc phát triển kỹ thuật tưới nhỏ giọt hiện đại. Công nghệ này đưa một lượng nước và dưỡng chất phù hợp trực tiếp tới rễ cây, từ đó giúp giảm hao phí nước, đặc biệt phù hợp với những khu vực khô nóng như Israel. Nhà kính cũng được sử dụng rộng rãi tại những vùng khí hậu khắc nghiệt, giúp người dân Israel bảo vệ cây trồng khỏi môi trường bên ngoài, tiết kiệm nước.

Thung lũng Silicon của Trung Đông

Israel có ngành công nghệ rất phát triển, và thường được gọi bằng cái tên "Quốc gia khởi nghiệp".  Theo Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu 2022, thành phố Tel Aviv (trung tâm kinh tế, công nghệ của Israel) đứng thứ 7 trên thế giới và số 1 tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi về khởi nghiệp. 

Vào năm 2021, tổng định giá của các công ty khởi nghiệp tại Tel Aviv lên tới 120 tỷ USD. Chỉ trong năm 2021, các công ty khởi nghiệp ở thành phố này đã kêu gọi được 20 tỷ USD. Cùng năm, Tel Aviv cũng có thêm 30 kỳ lân mới, 20 công ty mở rộng quy mô, tăng doanh thu (scaling) được niêm yết, thu về 4 tỷ USD. 

Ngoài các công ty khởi nghiệp, Israel cũng đón nhận vốn đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia, chẳng hạn như Intel, Apple, Google, Microsoft, IBM, Nvidia, ... với hàng chục nghìn nhân viên.

Một trong những lý do khiến ngành công nghệ của Israel năng động đến như vậy là do nguồn lao động chất lượng cao dồi dào. Chương trình giáo dục của Israel chú trọng vào các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), giúp đào tạo ra nhiều kỹ sư, lập trình viên ... Theo Liên Hợp Quốc, số năm học trung bình của trẻ em Israel là 13,3 năm, cao thứ 10 trên thế giới.

Ngoài ra, chính phủ Israel cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng hơn 30 chương trình trợ cấp và ưu đãi thuế. Israel cũng mạnh tay chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo World Bank, vào năm 2020, Israel bỏ ra khoảng 5,44% GDP cho R&D, đứng đầu thế giới.

Theo World Bank, Israel chi khoảng 22 tỷ USD cho hoạt động R&D năm 2020.

Hợp tác Việt Nam - Israel

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Israel đang ngày càng được thắt chặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, nông nghiệp và quốc phòng. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, vào năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 2,2 tỷ USD.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tới Israel các mặt hàng như: điện thoại và linh kiện (khoảng 300 triệu USD), giày dép (92 triệu USD), thủy sản (80 triệu USD) và hạt điều (59 triệu USD). Tổng xuất khẩu của nước ta sang Israel là 785 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập từ Israel những sản phẩm nổi bật như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,2 tỷ USD), phân bón (93 triệu USD) và máy móc, thiết bị khác (59 triệu USD). Tổng nhập khẩu của nước ta từ Israel là 1,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Israel đã và đang chia sẻ cho Việt Nam kiến thức về nông nghiệp chính xác, công nghệ tưới tiêu, nhân giống cây trồng cũng như chăn nuôi. Hai nước cũng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ như xử lý nước thải, năng lượng tái tạo và an ninh mạng.

Xe phóng tên lửa trong hệ thống phòng không SPYDER. (Ảnh: Rafael).

Trong lĩnh vực quốc phòng, Israel đã xuất khẩu và chuyển giao nhiều công nghệ, vũ khí hiện đại cho Việt Nam. Hiện nay, nước ta đang vận hành hệ thống phòng không SPYDER, cũng như súng trường tấn công STV dựa trên Galil ACE của Israel.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), vào năm 2017 và 2018, Israel từng là nước xuất khẩu nhiều vũ khí thứ hai tới Việt Nam, chỉ sau Nga. 

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.