Để đứng vững trong môi trường bất ổn địa chính trị - Bài 3: Hậu quả kinh tế của xung đột Israel-Hamas
Trong khi xung đột khốc liệt giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza, Palestine thu hút mọi sự chú ý với số người thương vong tăng lên hàng ngày, giới quan sát cũng bắt đầu nói về những thiệt hại về kinh tế do xung đột gây ra, không chỉ với các bên liên quan trực tiếp mà cả nền kinh tế toàn cầu.
Xung đột ảnh hưởng trước hết tới nền kinh tế Israel, vốn chưa thoát ra khỏi các vấn đề về lạm phát và đầu tư suy giảm do cuộc khủng hoảng cải cách tư pháp gây ra.
Đồng nội tệ mất giá, thị trường chứng khoán Tel Aviv chao đảo. Bộ trưởng Tài chính Israel, Bezalel Smotrich ngày 25/10 ước tính xung đột khiến nền kinh tế này tổn thất khoảng 245 triệu USD mỗi ngày, chưa kể đến các thiệt hại gián tiếp. Ông Smotrich khẳng định ngân sách quốc gia năm 2023-2024 cần điều chỉnh do những chi phí phát sinh từ xung đột.
Trước đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã hạ dự báo triển vọng kinh tế của Israel từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”, do nguy cơ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas “có thể lan rộng hơn hoặc ảnh hưởng tới các chỉ số tín nhiệm của Israel mạnh hơn dự báo”. Các tổ chức khác như Moody’s và Fitch cũng đang xem xét lại đánh giá về triển vọng của nền kinh tế Israel sau khi xuất hiện yếu tố xung đột.
Giáo sư kinh tế Eran Yashiv tại Đại học Tel Aviv nhận định: “Tác động kinh tế của xung đột phụ thuộc vào thời gian kéo dài và mức độ khốc liệt. Đầu tiên và trên hết đó là những tổn thất về con người.
Tiếp đến là các chi phí do tăng trưởng GDP suy giảm, bao gồm suy giảm của hoạt động đầu tư, vốn đầu tư; và sự gia tăng về chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng, trợ cấp việc làm, trợ cấp cho các nạn nhân của cuộc xung đột”.
Lần đầu tiên trong 50 năm qua, Nhà nước Israel đã chính thức tuyên bố “tình trạng chiến tranh”. Theo quy định về các tình huống khẩn cấp của Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa, toàn bộ các địa phương tại Israel đều bị giới hạn về số người tụ tập nơi công cộng, khiến các ngành nghề kinh doanh dịch vụ vừa gượng dậy sau thời gian dài của dịch COVID-19 lại rơi vào tình trạng ế ẩm.
Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức chỉ được mở cửa cho nhân viên nếu đảm bảo thời gian trú tránh bom đạn trong phạm vi cho phép, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Giáo sư Yashiv nhấn mạnh: “Người lao động bị gián đoạn việc làm, hệ thống trường học bị đảo lộn nằm trong số những thiệt hại lớn nhất” do hậu quả của xung đột gây ra.
Bên cạnh đó đã xuất hiện những cảnh báo trên thị trường lao động do mâu thuẫn xã hội giữa các cộng đồng Do Thái và Arab, khiến doanh nghiệp của cộng đồng này không muốn thuê lao động của cộng đồng kia.
Thành phố Ashdod nằm cách biên giới với Dải Gaza khoảng 30 km, là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất khu vực miền Nam Israel. Những ngày xảy ra xung đột các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động, hệ thống trường học phải đóng cửa.
Alexander Oberfeld, Ủy viên Hội đồng thành phố, nói: “Nhiều doanh nghiệp phải bố trí nhân viên làm việc từ xa. Về thiệt hại về kinh tế, chúng tôi vẫn chưa tính toán được do đang trong quá trình triển khai chiến dịch quân sự.
Nhưng chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều người dân bị thiệt hại và thành phố đang cố gắng hết sức để hỗ trợ họ về mức như lúc bình thường, kể cả những ngày họ phải ngừng kinh doanh. Bộ Tài chính từ 4-5 hôm trước đã mở một trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi xung đột”.
Cảng Asdod là nơi trung chuyển của khoảng 60% lượng hàng hóa ra vào Israel. Những ngày qua hoạt động của cảng đã bị ảnh hưởng do khoảng 10% số nhân viên đã được huy động tái ngũ.
Chính phủ Israel đã huy động trên 360.000 quân nhân dự bị tái ngũ, một con số rất lớn trong tổng số khoảng 4,3 triệu người trong độ tuổi lao động. Những người được huy động nhập ngũ thuộc mọi thành phần lao động trong xã hội, bao gồm nhân viên công nghệ, giáo viên, bác sĩ, công nhân...
Xung đột nổ ra vào thời điểm kinh tế Israel đang đứng trước những thách thức lạm phát dai dẳng, lòng tin đầu tư sa sút và xuất nhập khẩu giảm. Tốc độ tăng trưởng năm nay được dự báo khoảng 3,1%, chưa bằng một nửa của năm 2022.
Chuyên gia Elizabeth Yakimova tại Viện nghiên cứu Israel và Do Thái so sánh tác động về mặt kinh tế của xung đột lần này sẽ giống như thời gian xảy ra làn sóng Intifada đầu thập niên 2000, “khi các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm du lịch giảm mạnh, đầu tư nước ngoài suy yếu và nguồn lao động bỏ ra nước ngoài”.
Lo ngại nguy cơ an ninh, hiện tất cả các tour du lịch từ nước ngoài vào Israel đều đã bị hủy. Trừ hãng hàng không nội địa, hầu hết các hãng hàng không nước ngoài đều đã dừng bay tới Israel.
Xung đột tại Dải Gaza cũng đe dọa tác động tới các nền kinh tế khu vực Trung Đông và trên thế giới. Tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 25/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng xung đột giữa Israel và Hamas ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia láng giềng như Ai Cập, Liban và Jordan.
Ngoài tổn thất về sinh mạng, xung đột còn tàn phá các cơ sở hạ tầng và cản trở các hoạt động kinh tế, nhất là đúng thời điểm có nhiều vấn đề về tốc độ tăng trường giảm sút, lãi suất cao và hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn chưa chưa xử lý xong. Bên cạnh đó, các nền kinh tế khu vực phụ thuộc nhiều vào du lịch, ngành nghề bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất mỗi khi xảy ra xung đột.
Cũng tại hội nghị nói trên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cảnh báo “tác động (của xung đột giữa Israel và Hamas) đối với tăng trưởng kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn” xét những vấn đề sẵn có về địa chính trị và kinh tế mà thế giới đang phải đối mặt.
Nhận định về tác động của xung đột tại Dải Gaza đối với nền kinh tế thế giới, Giáo sư Yashiv nhấn mạnh “tác động chủ yếu là giá dầu thô tăng lên do hậu quả của xung đột”.
Theo giới phân tích, tất cả các kịch bản mà cuộc xung đột có thể xảy ra đều có thể đẩy giá dầu thô tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Tính toán của Bloomberg cho rằng trong trường hợp xấu nhất, khi xung đột lan sang các quốc gia khác trong khu vực, giá dầu thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng, kéo theo lạm phát tăng mạnh và "dìm" tăng trưởng toàn cầu xuống còn 1,7% cho năm 2024.
Để đứng vững trong môi trường bất ổn địa chính trị - Bài cuối: Sức bền mạnh mẽ tạo đà vươn xa