'Khủng hoảng Suez 2.0' đe dọa kinh tế toàn cầu
Nỗi lo của các hãng vận tải
Theo Economist, kể từ ngày 15/12, 4 trên 5 công ty vận tải container lớn nhất thế giới, bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC tạm dừng hoặc đình chỉ các dịch vụ ở Biển Đỏ sau các vụ tấn công của lực lượng Houthi. Sau khi qua Kênh Suez, các tàu vận tải buộc phải di chuyển qua khu vực này để ra được Ấn Độ Dương và tới châu Á, Ấn Độ ...
Bab al-Mandab là một eo biển hẹp giữa châu Phi và Bán đảo Arab. Khu vực này chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 12% khối lượng thương mại toàn cầu và 30% lưu lượng container. Mỗi năm, khoảng 1.000 tỷ USD hàng hóa đi qua đây.
Tuy nhiên, tuyến thương mại huyết mạch này đã trở nên nguy hiểm sau khi lực lượng Houthi, hoạt động tại Yemen, bắt đầu tấn công tàu thuyền. Các cuộc tấn công diễn ra trong nhiều tuần, nhưng đã leo thang nhanh chóng trong những ngày gần đây.
Hôm 15/12, lực lượng Houthi đe dọa tấn công một con tàu, tấn công một con tàu khác bằng máy bay không người lái cũng như phóng hai tên lửa đạn đạo vào MV Palatium III. Một trong hai quả tên lửa trên đánh trúng con tàu.
Cuộc tấn công nhằm vào MV Palatium III là lần đầu tiên trong lịch sử tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) được sử dụng thành công. Tất cả những con tàu trên đều mang cờ Liberia.
Ngày 16/12, tàu hải quân Mỹ, USS Carney đã bắn hạ 14 máy bay không người lái (UAV) trên Biển Đỏ. HMS Diamond của Anh cũng đã phá hủy một UAV.
Đối mặt với rủi ro lớn, ngành vận tải biển toàn cầu nhanh chóng dừng hoạt động trên tuyến vạn tải này. Ngày 15/12, Maersk và Hapag-Lloyd là hai doanh nghiệp đầu tiên tuyên bố tạm dừng tất cả dịch vụ tại Biển Đỏ. Sau đó một ngày, CMA CGM cũng nối gót.
Trong khi đó, MSC, chủ sở hữu của con tàu MV Palatium III, cho biết sẽ không sử dụng Kênh Suez theo cả hai hướng cho đến khi lối đi qua Biển Đỏ an toàn. Thay vào đó, các tàu sẽ được chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng - tuyến đường xa hơn đáng kể so với Kênh Suez.
4 công ty trên đóng góp 53% thương mại container toàn cầu. Những công ty nhỏ hơn, cũng như các hãng vận tài hàng rời hay tàu chở dầu cũng được dự báo sẽ tạm dừng hoạt động tại Biển Đỏ.
Tác động kinh tế
Theo đánh giá của Economist, cuộc khủng hoảng có hai tác động lớn: tới nền kinh tế toàn cầu và nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa tại Trung Đông.
Về kinh tế, doanh thu từ Kênh Suez là nguồn thu lớn của Ai Câp - đất nước đang gặp khủng hoảng tài chính. Trong năm tài chính 2022 - 2023 (kết thúc vào cuối tháng 6), Ai Cập đã thu được 9,4 tỷ USD từ kênh đào này. Trong khoảng thời gian trên, 25.887 con tàu chở theo 1,5 tỷ tấn hàng hóa đi qua Kênh Suez.
Israel sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn khi chỉ có khoảng 5% hoạt động thương mại đi qua Eilat - cảng biển tại Biển Đỏ của quốc gia này.
Đối với kinh tế toàn cầu, việc Kênh Suez đóng cửa kéo dài sẽ làm tăng chi phí vận tải và kéo dài thời gian. Rủi ro xung đột cũng khiến phí bảo hiểm tăng lên, tất cả những yếu tố này có thể được phản ánh vào giá hàng hóa.
Tuyến vận tải Địa Trung Hải - Suez ngắn hơn Địa Trung Hải - Mũi Hảo Vọng khoảng 9.000 km và thời gian di chuyển được rút ngắn hai tuần.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng, hai tuyến vận tải biển này có thể làm đứt gãy nền kinh tế thế giới 01/11/2023 - 10:00
Năm 2021, con tàu Ever Given mắc cạn và chặn kênh đào trong 6 ngày, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo một số ước tính, vụ việc này đã khiến 10 tỷ USD hàng hóa bị mắc kẹt, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, khủng hoảng tại Biển Đỏ còn có thể ảnh hưởng tới an ninh tại Biển Arab gần đó, nơi chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 1/3 nguồn cung dầu trên biển.
Rủi ro xung đột lan rộng
Những tác động tới kinh tế là lý do thúc đẩy Mỹ và đồng minh hành động. Houthi tuyên bố sẽ tấn công vào “tất cả các tàu hướng tới cảng của Israel” cho đến khi thực phẩm và thuốc men được chuyển tới Dải Gaza.
Theo Economist, trong nhiều năm, Iran đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng Houthi. Ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết: “Houthi có một kho tên lửa chống hạm khổng lồ”. Ông nói rằng lực lượng này sở hữu cả những tên lửa có tầm bắn tới 800 km.
Ngoại giao có thể là giải pháp giúp giảm leo thang xung đột. Năm 2015, Arab Sau di và UAE đã tham gia cuộc nội chiến tại Yeman chống lại lực lượng Houthi. Đến tháng 3/2022, Arab Saudi đã đồng ý ngừng bắn và để cho Houthi kiểm soát thủ đô Sanaa và phía tây Yemen.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Economist, khả năng cao các nước phương Tây sẽ phản ứng quân sự trước mối đe dọa từ Houthi. Hải quân Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có cả Ai Cập và Arab Sau đi đã hoạt động ngoài bờ biển Yemen để ngăn không cho lực lượng Houthi tấn công tàu biển.
Trong những tuần gần đây, tàu chiến của Mỹ, Anh và Pháp bắn hạ máy bay không người lái của Houthi. Đồng thời, Mỹ cũng đang yêu cầu Australia gửi tàu chiến tới. Tuy nhiên, đội tàu trên vẫn chưa đủ để kiểm soát cuộc khủng hoảng, khi mà tên lửa vẫn đánh trúng các tàu hàng đi qua khu vực này.
Mỹ có thể hộ tống các tàu chở hàng qua khu vực này như đã làm vào những năm 1980. Tuy nhiên, hoạt động này tốn kém và đòi hỏi số lượng lớn tàu chiến.
Ngoài ra, cả Mỹ và Israel đã vạch ra kế hoạch tấn công vào các kho tàng và bệ phóng tên lửa của Houthi. Tuy nhiên, Israel có thể muốn tránh một cuộc xung đột mới khi nước này đang chịu nhiều áp lực quốc tế do cuộc tấn công vào dải Gaza.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/