|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ trì trệ, khó vượt Mỹ để đứng đầu thế giới

19:08 | 31/08/2022
Chia sẻ
Với nhận định nền tảng phục hồi kinh tế chưa vững mạnh, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch 19 điểm mới để ứng phó với những thách thức. Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy khả quan trong những năm tới, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Một nhà máy sản xuất xe ô tô điện tại tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, ngày 20/7/2022. (Ảnh: Xinhua).

Theo nhà báo Orange Wang của tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc không chỉ có nguy cơ tụt hậu về tăng trưởng trong quý hiện tại mà nước này còn chịu sức ép lớn hơn Mỹ giữa những lo ngại về suy thoái toàn cầu.

Trong khi công bố gói chính sách 19 điểm để bổ sung thêm gói kích thích chi tiêu trị giá 1.000 NDT (146 tỷ USD), Quốc Vụ Viện (tức chính phủ) Trung Quốc ngày 24/8 cảnh báo rằng nền tảng phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc.

Cùng ngày, trên sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc, hơn 4.300 mã cổ phiếu đã sụt giá. Trong tổng số khoảng 4.800 mã cổ phiếu, chỉ có 475 mã tăng giá. Trước đó một ngày, thông báo nội bộ của ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Huawei Technologies đã cảnh báo về một thập kỷ “đau đớn” phía trước.

Theo một số chuyên gia, tình hình trong nước tại Trung Quốc u ám hơn so với các nước khác, khi nhiều quốc gia vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong quý II/2022, vượt xa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt trong quý II/2022.

Trong quý II, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ 2021 do ảnh hưởng của những đợt phong tỏa theo chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh.

Trong khi đó, không chỉ các nền kinh tế đang phát triển khác như Malaysia (8,9%) và Việt Nam (7,7%) ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu cũng cho thấy mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái cao hơn Trung Quốc. Số liệu kinh tế trong tháng 7 của Trung Quốc tiếp tục gây thất vọng cho thị trường.

Theo nhà cung cấp số liệu tài chính Trung Quốc Wind, các nhà phân tích dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 4,8% trong quý III/2022. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý kể cả khi Trung quốc đạt được mức tăng trưởng hàng quý cao hơn, nước này vẫn khó đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5,5% đã thông báo hồi tháng 3.

Ông He Jun, nhà phân tích cấp cao của tổ chức tư vấn độc lập Anbound cho rằng do tác động của chính sách kiểm soát nghiêm dịch COVID-19, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để cải thiện vị trí thấp của nước này trong bảng xếp hạng về tăng trưởng kinh tế trong quý III/2022.

Theo ông Jun, Trung Quốc là một nền kinh tế mới nổi và định hướng sản xuất nên việc tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc còn thấp hơn cả những quốc gia phát triển định hướng tiêu dùng là rất nguy hiểm. Do đó, Bắc Kinh nên tập trung vào nguy cơ đình trệ của nền kinh tế.

Ông Jun nhấn mạnh nếu kinh tế diễn biến tiêu cực, Trung Quốc sẽ khó có thể cạnh tranh với các nước khác trên trường quốc tế. Ông đánh giá đối với Trung Quốc, những thách thức trong nước lớn hơn ngoài nước, trong đó biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch là yếu tố lớn nhất. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đối diện với nguy cơ từ các vấn đề mang tính cấu trúc như nợ của chính quyền địa phương và nợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Jun cảnh báo tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với kinh tế châu Âu cũng sẽ tác động đến hoạt động trao đổi thương mại của Trung Quốc khi “lục địa già” là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Theo ông Jun, sự leo thang căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang làm xấu đi môi trường phát triển bên ngoài của Trung Quốc.

Ông Jun dự báo kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan trong vài năm tới, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Một năm trước, nhiều người đã dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ và vươn lên vị trí nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây của hãng tin Bloomberg, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng hiện giờ vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có vượt Mỹ về tổng GDP hay không.

Ông Summers cũng đã chỉ ra một số thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt như sự suy giảm dân số và những trở ngại ngày càng tăng đối với doanh nghiệp.

Trung Quốc đã vượt Mỹ về GDP tính theo ngang giá sức mua (PPP) nhưng vẫn kém Mỹ về GDP theo giá danh nghĩa.

Ông Robin Xing Ziqiang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Morgan Stanley, cảnh báo triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc đang trở nên đáng lo ngại hơn.

Theo nhà kinh tế trên, bất chấp tình trạng suy thoái kỹ thuật do chính sách tăng lãi suất để chống lạm phát, Mỹ vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu là làm thế nào để đưa người dân và doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại mà không để lại những “vết sẹo” vĩnh viễn ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Ông Ziqiang cho rằng những “vết sẹo” có thể bao gồm việc các công ty e ngại đầu tư hơn trong khi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu ít hơn. Và nếu tình trạng này gia tăng, tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ cần phải được tính toán lại.

Trà My