|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

World Bank: Nền kinh tế toàn cầu khó thoát suy thoái trong năm 2023

07:51 | 16/09/2022
Chia sẻ
Trong một báo cáo mới, World Bank cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới do làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhưng không đủ khả năng để kiềm chế lạm phát.

Giới hoạch định chính sách trên toàn cầu đang thu hồi các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và tài khoá ở mức độ đồng bộ chưa từng thấy trong nửa thế kỷ qua, nghiên cứu mới của World Bank chỉ ra.

Điều đó đang tạo ra những tác động lớn hơn hình dung của nhiều người, khiến các điều kiện tài chính bị siết chặt và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, World Bank cảnh báo.

Nhà đầu tư dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất chính sách toàn cầu lên gần 4% vào năm tới - gấp đôi mức trung bình trong năm 2021, nhằm giữ lạm phát lõi ở mức 5%.

Lãi suất có thể vọt lên 6% nếu các ngân hàng trung ương tìm cách đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu của họ, World Bank nhận định.

Nghiên cứu của World Bank ước tính, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ tụt xuống còn 0,5% và tính theo đầu người sẽ giảm khoảng 0,4%. Điều này thoả mãn định nghĩa kỹ thuật về suy thoái toàn cầu.

Sau khi tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021, một cuộc suy thoái sẽ chấm dứt đà phục hồi ngắn hạn trước đó. Nền kinh tế thế giới sẽ mất thêm một thời gian để trở lại xu hướng trước đại dịch.

Chủ tịch World Bank David Malpass bình luận: “Các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất”.

“Các chính sách nên tìm cách kích thích đầu tư mới, cải thiện năng suất cũng như phân bổ vốn. Đây đều là những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng và tiến trình xoá đói giảm nghèo”, ông tiếp tục.

(Ảnh minh hoạ: AP).

Chia sẻ với CNBC, CEO Raj Subramaniam của FedEx có cùng nhận định khi được người dẫn chương trình Jim Cramer hỏi rằng liệu nền kinh tế có “sắp rơi vào suy thoái toàn cầu hay không”.

“Tôi nghĩ câu trả lời là có. Nhưng bạn biết đấy, những con số này, chúng không thể hiện [nguy cơ suy thoái] rõ lắm”, vị CEO đáp lại.

Sự bi quan của ông Subramaniam xuất hiện sau khi FedEx không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong quý I. Công ty cũng rút lại các dự báo hoạt động cả năm.

“Tôi rất thất vọng về kết quả mà chúng tôi vừa công bố. Vấn đề cốt lõi là tình hình vĩ mô phức tạp mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông Subramaniam nói thêm.

CEO Raj Subramaniam - người vừa đảm nhận vị trí này vào đầu năm nay, nói rằng khối lượng vận chuyển hàng hoá toàn cầu suy yếu đã dẫn đến kết quả tài chính đáng thất vọng của FedEx.

Mặc dù công ty dự đoán nhu cầu sẽ tăng lên sau khi các nhà máy của Trung Quốc mở cửa trở lại hậu phong toả, số liệu thực tế lại tiếp tục đi xuống. “Tuần này qua tuần khác, nhu cầu vận chuyển hàng hoá giảm dần”, ông cho hay.

Sau đó, ông Subramaniam nhấn mạnh: “Chúng tôi là một thước đo giúp phản ánh hoạt động kinh doanh của mọi doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị cao trên toàn cầu”.

 

Trong nghiên cứu mới, World Bank có đề xuất một số biện pháp mà các ngân hàng trung ương có thể sử dụng để tiếp tục nỗ lực ghìm cương lạm phát mà không gây ra suy thoái toàn cầu.

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương phải truyền đạt các quyết định chính sách một cách rõ ràng để giúp củng cố kỳ vọng của công chúng về lạm phát và giảm mức độ thắt chặt cần thiết.

Ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế tiên tiến nên lưu ý về tác động lan toả xuyên biên giới của quá trình thắt chặt chính sách. Trong khi đó, giới chức ở các thị trường mới nổi nên tăng cường các quy định an toàn vĩ mô và xây dựng dự trữ ngoại hối.

Thứ hai, các nhà quản lý tài khoá cần căn chỉnh cẩn thận việc rút bỏ các biện pháp hỗ trợ thời đại dịch, đồng thời đảm bảo tính nhất quán với các mục tiêu chính sách tiền tệ.

Số lượng các quốc gia thắt chặt chính sách tài khoá trong năm tới dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1990 - qua đó khuếch đại tác động của các chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng.

Các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những kế hoạch tài khoá trung hạn đáng tin cậy và cung cấp hỗ trợ hướng đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách kinh tế khác cần tham gia vào cuộc chiến chống lạm phát bằng cách thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.

Khả Nhân