Chính sách của ông Tập phản tác dụng, nhà đầu tư quốc tế lũ luợt quay lưng với thị trường Trung Quốc
"Gạt sang một bên"
Các nhà quản lý quỹ từng bị lôi cuốn bởi tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn và các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Nhưng giờ, họ nói động lực để đầu tư cũng khó vượt qua những lý do nên tránh né thị trường tỷ dân.
Giới quản lý quỹ đưa ra rất nhiều lý do, từ các chiến dịch siết chặt quy định không thể đoán trước cho đến thiệt hại kinh tế từ chiến lược “Zero COVID”, rủi ro từ thị trường bất động sản và thậm chí cả sự thân thiết của ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây là sự thay đổi đáng chú ý đối với Trung Quốc, thị trường từng là thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư trên toàn cầu. Những tưởng đây là định mệnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng thời thế đã đổi.
Ông Matt Smith, Giám đốc đầu tư của Ruffer nói với Bloomberg: “Dòng vốn siêu lớn từ phương Tây đang bắt đầu quay lưng với Trung Quốc”. Công ty đầu tư trị giá 31 tỷ USD này vừa đóng văn phòng ở Hong Kong sau hơn một thập kỷ vì không còn nhiều nhu cầu nghiên cứu thực địa trên thị trường Trung Quốc.
Ông Smith nói thêm: “Trong bối cảnh hồi kết của Zero COVID có vẻ còn xa vời và rủi ro địa chính trị quay trở lại, gạt Trung Quốc sang một bên lúc này dễ dàng hơn hẳn là bỏ thêm công sức vào đây".
Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại quốc trong thị trường vốn hiện đại của Trung Quốc đã gia tăng rõ rệt kể từ khi ông Tập thành Chủ tịch nước năm 2013. Chính phủ Trung Quốc đã mở đường cho dòng vốn ngoại chảy vào và thúc đẩy để các tài sản bằng đồng nhân dân tệ được thêm vào các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Mục tiêu là khuyến khích dòng vốn vào, tài trợ doanh nghiệp tư nhân và tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế.
Nhưng chính quyền của ông Tập có vẻ chẳng đếm xỉa gì đến nhà đầu tư toàn cầu khi tung ra liên hoàn chính sách siết chặt các công ty sinh lời nhất đất nước năm ngoái. Hệ quả là nhà đầu tư quốc tế ngờ vực và mơ hồ về mục tiêu của chính phủ Trung Quốc, và họ phải chịu lỗ nặng.
Sự cảnh giác với chứng khoán Trung Quốc cũng gia tăng trong năm nay sau khi Nga tấn công Ukraine và ông Tập quyết theo đuổi Zero COVID trong khi tất cả các nước khác đã từ bỏ chiến lược này.
Sự cảnh giác của nhà đầu tư được thể hiện qua việc lượng vốn phân bổ sang Trung Quốc trong các quỹ cổ phiếu thị trường mới nổi rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm, theo báo cáo do EPFR Global công bố trong tháng 7.
Thay vì bàn bạc thời cơ để bắt đáy trên thị trường Trung Quốc, nhà đầu tư toàn cầu giờ tập trung vào câu hỏi nên giảm giá trị chịu rủi ro đến mức nào. Một công ty quản lý đầu tư có trụ sở ở Zurich, Thụy Sĩ cho biết một số quỹ hưu trí và quỹ từ thiện châu Âu không còn muốn để tài sản Trung Quốc trong danh mục vì rủi ro địa chính trị và quản trị gia tăng.
Trong chuyến đi gần đây tới London, nhóm nghiên cứu khu vực châu Á của Citigroup nhận thấy khách hàng có sự thờ ơ đáng ngạc nhiên đối với Trung Quốc. Nội dung chính các cuộc thảo luận giữa hai nhà phân tích của Citigroup và các nhà đầu tư vĩ mô tập trung chủ yếu vào triển vọng tăng trưởng Trung Quốc và chính sách kích thích. Nhưng phần lớn khách hàng lại quan tâm tới thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc hơn thay vì Trung Quốc.
Krane Funds Advisors – công ty quản lý các quỹ ETF tập trung vào Trung Quốc – đã bị khách hàng phản đối tại một buổi quảng bá sản phẩm hồi tháng 5. Ông Xiaolin Chen, người quản lý hoạt động kinh doanh của KraneShare tại các khu vực ngoài nước Mỹ kể lại rằng, các nhà đầu tư nói họ không có niềm tin để rót tiền vào Trung Quốc.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết quỹ đầu tư châu Á mới trị giá 8,5 tỷ USD của Carlyle Group sẽ có giá trị chịu rủi ro vào tài sản Trung Quốc thấp hơn bình thường. Để bù lại thì khoản đầu tư vào Hàn Quốc, Đông Nam Á, Australia và Ấn Độ sẽ tăng lên.
Công ty đầu tư Artemis Investment Management của Anh phân bổ chưa đến 4% vốn để đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Số tiền này chủ yếu được đặt tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, thuộc nhóm “Big Four” các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.
Lỗ nặng
Trung Quốc có thị trường trái phiếu quy mô 21.000 tỷ USD. Cổ phiếu trên thị trường đại lục và Hong Kong có tổng trị giá 16.000 tỷ USD. Do đó, thoái vốn hoàn toàn khỏi Trung Quốc là quyết định không hề dễ dàng.
Nhà đầu tư cũng không có nhiều lựa chọn hấp dẫn khác. Cuộc vỡ nợ và khủng hoảng chính trị của Sri Lanka đã làm dấy lên lo ngại về các thị trường mới nổi. Rủi ro đồng USD mạnh càng làm tăng thêm áp lực lên thị trường mới nổi.
Có lẽ đây chính là lý do mà gần đây công ty quản lý đầu tư có trụ sở ở Anh M&G Investments quyết định tăng cường giá trị chịu rủi ro vào cổ phiếu Trung Quốc. Và bất chấp bầu không khí tiêu cực, Rayliant Global Advisors vẫn chứng kiến tài sản của quỹ Quantamental China Equity ETF tăng hơn hai làn kể từ tháng 5, lên 111 triệu USD.
Ông Jason Hsu, Giám đốc đầu tư tại Rayliant cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư ngược xu thế muốn dùng quỹ của Rayliant để tái cân bằng danh mục bằng tài sản Trung Quốc. Ở thời điểm này, loại bỏ thị trường Trung Quốc không phải quyết định đầu tư, mà là phản ứng dựa trên cảm xúc và quyết định dựa trên rủi ro nghề nghiệp/đánh giá của công chúng”.
Những rủi ro này càng có nhiều sức nặng trong thời buổi kiếm tiền ở Trung Quốc trở nên khó khăn. Chỉ số CSI 300 đã rớt 27% kể từ đỉnh 17 tháng trước, thua kém chỉ số S&P 500 tới 26 điểm %. Khác biệt chính sách với Mỹ đã làm mất đi lợi thế lợi suất của Trung Quốc so với trái phiếu Kho bạc Mỹ - lần đầu tiên kể từ năm 2010 - khiến đồng nhân dân tệ giảm giá. Các nhà đầu tư vào trái phiếu USD trả lợi suất cao của Trung Quốc đang thua lỗ tới 34% - còn tệ hơn cả kết quả năm ngoái.