|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nắng nóng đổ bộ Trung Quốc, đe dọa gây bão lạm phát và thiếu hụt năng lượng

11:42 | 15/07/2022
Chia sẻ
Đợt nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc buộc trung tâm sản xuất và xuất khẩu Chiết Giang phải kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình giảm tiêu thụ điện. Trong khi đó, nguy cơ mất mùa khiến giá heo tăng vọt, làm gia tăng áp lực lạm phát.

Người dân Trùng Khánh khó chịu trong cái nắng nóng tột độ. (Ảnh: Getty Images).

Nắng nóng kỷ lục

Hàng chục thành phố của Trung Quốc đang phải chống chịu với nhiệt độ cao cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang cố gắng phục hồi sau các đợt phong tỏa COVID-19. Đợt nắng nóng cũng xảy ra khi lạm phát giá tiêu dùng leo lên mức cao nhất trong 23 tháng, chủ yếu do giá lương thực tăng.

Hôm 13/7, có đến 84 thành phố trên khắp Trung Quốc đưa ra cảnh báo báo động đỏ cao nhất, đồng nghĩa với nhiệt độ được dự báo đạt 40 độ C trong 24 giờ tiếp theo. Ngày 10/7, lần đầu tiên trung tâm tài chính Thượng Hải ghi nhận nhiệt độ 40 độ C trong năm 2022.

Đợt nắng nóng đã đẩy nhu cầu tiêu thụ điện ở nhiều tỉnh thành lên mức cực đoan. Hôm 12/7, tỉnh Chiết Giang – trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn ở Trung Quốc – kêu gọi 65 triệu cư dân và doanh nghiệp tiết kiệm điện.

Cơ quan năng lượng tỉnh Chiết Giang và tập đoàn lưới điện nhà nước State Grid ra tuyên bố chung: “Để đảm bảo nguồn cung điện cho người dân và doanh nghiệp, chúng tôi kêu gọi toàn xã hội chung tay tiết kiệm điện”.

Theo phân tích của một số công ty chứng khoán Trung Quốc, cơ quan năng lượng tỉnh Chiết Giang đã giới hạn nguồn cung năng lượng dành cho một số doanh nghiệp. Đối tượng là các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng, ví dụ như các nhà sản xuất vải polyester, doanh nghiệp dệt và in vải ở thành phố Hàng Châu, Thiệu Hưng và Hải Ninh.

Đợt thiếu hụt mới nhất xảy ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng gây mất điện trên diện rộng vào nửa cuối năm ngoái. Các vụ mất điện được cho là do thiếu than – loại nhiên liệu mà Trung Quốc sử dụng để sản xuất khoảng 60% lượng điện năng – và nhu cầu điện tăng vọt.

Nắng nóng hiện nay và hậu quả là việc hạn chế năng lượng đang tạo ra thách thức mới cho ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc. Đây là thời điểm tồi tệ vì ngành này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn phong tỏa hà khắc.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc mới công bố ngày 15/7 cho thấy, GDP quý II của nước này chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng 1% của các chuyên gia kinh tế mà Reuters khảo sát.

Nỗi lo lạm phát

Nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc, đe dọa kéo lạm phát lương thực lên cao. Đài Quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc cảnh báo nhiệt độ cao có thể tác động tiêu cực đến sản lượng ngô, đậu tương, lúa mì và cỏ cho súc vật ở nhiều tỉnh, khu vực phía bắc như Ninh Hạ, Nội Mông và Hà Bắc.

 

Giá lương thực tăng cao ở cả trong và ngoài nước đã bắt đầu tác động đến ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo trong những tuần gần đây. Đầu tháng 7, nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của Trung Quốc đã cảnh báo khách hàng rằng họ sẽ tăng giá thức ăn cho heo, gia cầm và cá do giá khô dầu đậu nành, ngô và lúa mì đi lên. Hầu hết các doanh nghiệp tăng giá từ tuần trước.

Thịt heo bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì đậu nành và ngô là những nguyên liệu chính được sử dụng trong ngành chăn nuôi. Đến cuối tuần kết thúc vào ngày 1/7, giá heo hơi đã tăng 46% kể từ tháng 3, theo dữ liệu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.

Tuần trước, Ủy ban cho biết đang cân nhắc giải phóng kho dự trữ heo chiến lược quốc gia để kiềm chế đà tăng chóng mặt của giá. Ủy ban cũng cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ hành vi tăng giá trục lợi nào từ các trang trại heo.

Theo dữ liệu gần nhất của Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,5% so với một năm trước, mức cao nhất trong gần hai năm. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết việc giá heo tháng 6 tăng gần 3% so với tháng 5 càng khiến áp lực giá trầm trọng thêm. 

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.