|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khủng hoảng của 4 ngân hàng nông thôn Trung Quốc: Ai đứng sau và liệu khách hàng có đòi được tiền?

10:19 | 13/07/2022
Chia sẻ
Khách hàng tại 4 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam và một ngân hàng ở tỉnh An Huy đã biểu tình sau khi không thể rút được tiền kể từ tháng 4. Video cho thấy những người biểu tình trước chi nhánh ngân hàng trung ương Trung Quốc bị hàng trăm người đàn ông không rõ danh tính bao vây và đánh đập.

Khách hàng tại 5 ngân hàng nông thôn Trung Quốc biểu tình đòi trả lại tiền. (Ảnh: AFP). 

Khủng hoảng ngân hàng ở Hà Nam bắt đầu như thế nào?

Cuộc khủng hoảng tiền mặt lộ ra khi người gửi tiền tiết kiệm tại một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam và An Huy không thể tiếp cận với tài khoản sau lần nâng cấp hệ thống ngày 18/4.

Kể từ đó, người gửi tiền tại các ngân hàng Yuzhou Xinminsheng Village Bank, Shangcai Huimin County Bank, Zhecheng Huanghuai Community Bank và New Oriental Country Bank of Kaifeng ở tỉnh Hà Nam và Guzhen Xinhuaihe Village Bank ở tỉnh An Huy kế cận đã bị ảnh hưởng.

Giới chức trách chưa công bố số tiền gửi bị đóng băng. Nhưng những người gửi tiền tại các ngân hàng trên đã thành lập hội nhóm trên nhiều trang mạng xã hội để bày tỏ sự bất bình. Họ cho biết con số tổng cộng lên đến hàng chục tỷ nhân dân tệ.

Hôm 18/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết các bộ ngành liên quan đã mở cuộc điều tra vào 4 ngân hàng ở Hà Nam. PBoC cũng cam kết sẽ hợp tác với các bộ ngành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.  

Khủng hoảng leo thang như thế nào?

Ảnh và video những người biểu tình trước chi nhánh Hà Nam của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) ở Trịnh Châu bắt đầu lan truyền trên mạng vào cuối tháng 5. Các biểu ngữ trong tay người dân yêu cầu “trả tiền cho chúng tôi”.

Ước tính khoảng 1.000 người đã tập trung trước chi nhánh tại Trịnh Châu của PBoC để biểu tình vào ngày 10/7, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

Các video cho thấy người biểu tình xếp thành hàng dài trước cửa ngân hàng, giơ biểu ngữ chỉ trích chính quyền Hà Nam và hô vang: “Các ngân hàng ở Hà Nam, hãy trả lại tiền của tôi”, “Thủ tướng Lý Khắc Cường, xin hãy điều tra Hà Nam”. 

Sau đó những người biểu tình bị cảnh sát địa phương bao vây. Video cho thấy họ bị đánh đập bởi hàng trăm người đàn ông không rõ danh tính trong trang phục áo sơ mi trắng và quần đen.

Ai đứng đằng sau khủng hoảng?

Đầu tháng 7, Văn phòng Công an Hứa Xương ở tỉnh Hà Nam cho biết cuộc điều tra đang “tiến triển một cách có trật tự” và họ đã xác định được một người đàn ông đang bị cảnh sát truy lùng.

Hôm 10/7, Văn phòng Công an Hứa Xương thông báo đã bắt giữ thành viên của “một băng đảng tội phạm”. Người này bị cáo buộc đã giành quyền kiểm soát các ngân hàng địa phương và thực hiện giao dịch bất hợp pháp thông qua các khoản vay giả mạo.

Người đàn ông tên Lu Yi bị tình nghi sử dụng công ty Henan Xincaifu Group để kiểm soát các ngân hàng nông thôn. Hiện chưa rõ tung tích của ông ta.

Trước đó, CBIRC cho biết một cuộc điều tra đã phát hiện rằng Henan Xincaifu Group Investment Holding, công ty đầu tư tư nhân có cổ phần trong cả 4 ngân hàng tỉnh Hà Nam, đã thông đồng với nhân viên ngân hàng để thu hút vốn bất hợp pháp thông qua các nền tảng trực tuyến.

Cảnh sát nói thêm rằng băng đảng này cũng sử dụng các nền tảng tài chính trực tuyến của bên thứ ba, nền tảng của chính mình và một loạt công ty môi giới vốn để thu hút tiền gửi và quảng bá sản phẩm tài chính. Tuyên bố của cảnh sát viết: “Gần đây, cảnh sát đã bắt giữ một loạt nghi phạm, tịch thu và phong tỏa tiền và tài sản liên quan đến vụ việc”.

Liệu nạn nhân có lấy lại được tiền?

Tại Trung Quốc, tiền gửi bằng nội tệ hay ngoại tệ của doanh nghiệp và cá nhân ở các ngân hàng nội địa đều được đảm bảo lên tới 500.000 nhân dân tệ cho mỗi người gửi tại mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, không rõ liệu tiền gửi tại các ngân hàng gặp khủng hoảng có được đảm bảo tương tự hay không.  

Hom 11/7, các chi nhánh CBIRC tại Hà Nam và An Huy cho biết khách hàng của 5 ngân hàng với số tiền gửi tối đa 50.000 nhân dân tệ sẽ được hoàn trả trước. Tiền của khách sẽ bắt đầu được trả lại từ ngày 15/7.

Các tài khoản bị nghi ngờ có dính dáng đến hoạt động bất hợp pháp, hoặc được trả lãi cao từ các kênh khác, sẽ không được nhận khoản hoàn lại.

Vì sao ngân hàng nông thôn ở Trung Quốc lại quan trọng?

Ngân hàng nông thôn ở Trung Quốc thường là các tổ chức cấp tín dụng chính cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ ở các khu vực kém phát triển. Các ngân hàng này bị đánh giá là dễ bị tổn thương trong những giai đoạn kinh tế đi xuống.

Trong những năm qua, nhiều ngân hàng nông thôn nhỏ đã hợp tác với các nền tảng trực tuyến không độc quyền, mời chào lãi suất cao hơn một chút so với các sản phẩm tiền gửi tương tự tại những ngân hàng lớn hơn. Mục tiêu là thu hút vốn từ các địa phương khác.

Một sản phẩm tiền gửi thông thường được cung cấp bởi 4 ngân hàng thông qua nền tảng thứ ba trả lãi suất 4-4,5%/năm. Người gửi có thể đáo hạn khoản tiền quay vòng trong nhiều nhất là 5 năm. Để so sánh,  Bank of China , một trong 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc, chỉ trả lãi suất 2,75%/năm cho tiền gửi thời hạn 5 năm.

Trong vài năm qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường giám sát khoảng 4.000 ngân hàng nhỏ ở nước này. Vào năm 2021, PBoC nói rằng các ngân hàng địa phương không nên thu hút tiền gửi trên khắp đất nước thông qua các nền tảng internet. PBoC muốn tránh cảnh các ngân hàng ở địa phương nhỏ lôi kéo doanh nghiệp rời khỏi thị trường quê nhà.

Một rắc rối lớn khác đến từ cấu trúc cổ đông tại một số ngân hàng nhỏ. Cấu trúc này cho phép một số cổ đông tích lũy lượng cổ phần đáng kể mà không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Sau đó những cổ đông này có thể sử dụng ngân hàng để được cấp khoản vay.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đặt ổn định kinh tế làm ưu tiên hàng đầu và cam kết sẽ tăng cường giám sát trong hệ thống tài chính.

Enodo Economics, công ty dự báo kinh tế vĩ mô và chính trị ở London, nhận định rằng ít có khả năng rắc rối hiện nay của một số ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. “Nhưng tại Trung Quốc, việc người dân rút tiền hàng loạt tại ngân hàng nội địa có thể báo hiệu sự suy giảm lòng tin vào hệ thống mà Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu”, công ty nói thêm.

Giang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).