Tỷ phú Adani: Trung Quốc có nguy cơ bị 'cô lập', Ấn Độ trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới
Trung Quốc bị “cô lập”
Phát biểu tại Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes ở Singapore ngày 27/9, ông Gautam Adani, một trong ba người giàu nhất thế giới, cho rằng sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc, những biện pháp giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và hạn chế về công nghệ tại Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng kết nối của nước này với các nền kinh tế khác.
Bên cạnh đó, nguy cơ gia tăng đối với hoạt động tín dụng và thị trường nhà đất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang diễn biến tương tự với vấn đề mà Nhật Bản đối mặt trong “thập kỷ mất mát” do lạm phát đình trệ vào những năm 1990.
Theo ông Adani, một thách thức khác đối với Trung Quốc là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) siêu dự án thể hiện tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh, cũng đã vấp phải nhiều trở ngại.
Hiện nay BRI đang đối diện với nhiều vấn đề như thiếu hụt nguồn tài chính, sự đình trệ của một số dự án do thiếu đồng thuận về mặt chính trị, những lo ngại về nợ nần và ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Adani nói: “Tôi dự đoán rằng Trung Quốc, vốn được coi là nhà vô địch về toàn cầu hóa, sẽ ngày càng cảm thấy bị cô lập.”
Dù đưa ra những bình luận thẳng thắn về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà tài phiệt Ấn Độ vẫn bày tỏ tin tưởng các nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ điều chỉnh và phục hồi theo thời gian.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức, bao gồm tác động từ xung đột Nga-Ukraine, biến đổi khí hậu và lạm phát tăng cao. Theo ông Adani, những vấn đề này dẫn đến một quá trình tái tổ chức lớn của các hệ sinh thái toàn cầu, với sự thiết lập nguyên tắc hợp tác mới dựa trên củng cố chủ nghĩa dân tộc và khả năng tự lực, cũng như giảm rủi ro chuỗi cung ứng.
Ấn Độ trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới
Trong bài phát biểu kéo dài 30 phút tại hội nghị, ông Adani còn đưa ra nhận định lạc quan về Ấn Độ khi môi trường bất ổn tạo cơ hội cho đất nước Nam Á này. Theo ông, nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới đã trở thành một trong số ít những điểm sáng từ góc độ thị trường và địa chính trị. Ông dự kiến Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.
Về triển vọng của Ấn Độ trong 25 năm tới, ông Adani cho rằng tỷ lệ người dân biết chữ sẽ đạt 100% và nước này sẽ chấm dứt tỷ lệ đói nghèo trước năm 2050.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ là một quốc gia có độ tuổi trung bình là 38 cho đến năm 2050 và là một quốc gia có tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn nhất thế giới. Chúng tôi sẽ là quốc gia đi từ nền kinh tế có quy mô 3.000 tỷ USD lên nền kinh tế 30.000 tỷ USD, thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa lên tới 45.000 tỷ USD và cực kỳ tự tin về vị thế của mình trên trường quốc tế”.
Ông Adani nhấn mạnh Ấn Độ đã mất gần 58 năm để GDP cán mốc 1.000 tỷ USD nhưng chỉ mất 12 năm, để nâng GDP lên 2.000 tỷ USD và 5 năm nữa để vượt con số 3.000 tỷ USD. Ông kỳ vọng tốc độ tăng trưởng này sẽ nhanh hơn nữa nhờ sự khởi động của cuộc cách mạng kỹ thuật số và các hoạt động chuyển đổi quy mô quốc gia.
Ông cũng tự tin rằng số lượng doanh nghiệp kỳ lân - tức là công ty khởi nghiệp tư nhân được định giá từ 1 tỷ USD trở lên - sẽ tăng tốc và tạo ra hàng nghìn doanh nhân.
Mặc dù đà tăng trưởng của Ấn Độ phần lớn dựa vào đầu tư trong nước, song ông Adani vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn đầu tư nước ngoài. Ông trích dẫn số liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ đạt kỷ lục 85 tỷ USD trong năm 2021. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng đặt niềm tin vào quốc gia Nam Á này.
Ông dự đoán dòng FDI đổ vào Ấn Độ sẽ đạt 500 tỷ USD trong vòng 15 năm tới, đưa nước này trở thành điểm đến FDI tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ông nói: “Điểm tôi muốn nói là Ấn Độ có đầy những cơ hội đáng kinh ngạc. Câu chuyện tăng trưởng thực sự của Ấn Độ chỉ mới bắt đầu”.
"Do đó, hiện nay là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt đà phục hồi của kinh tế của Ấn Độ và tận dụng lượng dân số trẻ trung đông đảo nhất thế giới. Ba thập kỷ tới sẽ là giai đoạn tỏa sáng của quốc gia Nam Á".