'Các quy tắc cũ đang bị phá vỡ', bất ổn bao trùm nền kinh tế Trung Quốc
Tình cảnh bi đát
Đã nhiều tháng kể từ khi Thượng Hải dỡ bỏ lệnh phong toả kéo dài 60 ngày, sự kiện này vẫn còn ám ảnh các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.
Các công ty đa quốc gia như nền tảng cho thuê dịch vụ lưu trú Airbnb đã ngừng hoạt động ở thị trường tỷ dân, trong khi ngày càng nhiều khảo sát cho thấy không ít doanh nghiệp Mỹ và châu Âu có kế hoạch rời đi.
Số lượng dự án nhận vốn đầu tư của nước ngoài tại Trung Quốc cũng sụt giảm. Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, tổng số dự án trong giai đoạn hai tháng 6 và 7 năm nay giảm khoảng 20,3% so với một năm trước.
Bất ổn đang đeo bám nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Từ các nhà thầu thứ cấp trong nước đến các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp tại Trung Quốc đang phải vật lộn để nắm bắt môi trường kinh doanh.
Triển vọng cả trong và ngoài nước đều ngày càng ảm đạm hơn.
Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đang gây ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu, làm dấy lên nỗi lo suy thoái.
Mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và phương Tây đang đe doạ phá huỷ nhiều thập kỷ phát triển và hội nhập của chuỗi cung ứng.
Cùng lúc, chiến lược Zero COVID hà khắc của Bắc Kinh cũng đang siết chặt gọng kìm lên nền kinh tế Trung Quốc và làm suy yếu vị thế là điểm đến đầu tư tiếng tăm của nước này, tờ SCMP liệt kê.
Kết quả là, người dân Trung Quốc giờ đây hạn chế chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn; doanh nghiệp ngần ngại mở rộng hoạt động; và nhà đầu tư ngoại quốc đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi các liên doanh tại đất nước tỷ dân.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm dần từ mức 10,6% trong năm 2010 xuống còn trung bình 5,1% trong hai năm 2020 - 2021. Quý II năm nay, nền kinh tế chỉ mở rộng 0,4% do các đợt phong toả trên khắp cả nước.
Vì vậy, ít ai tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” cho cả năm 2022.
Trên cổng thông tin Sina.com tuần trước, ông Xu Gao - nhà kinh tế cấp cao tại Bank of China International, nhận định: “Điều thực sự khiến mọi người cảnh giác là có nhiều điểm bất thường trong dữ liệu kinh tế”.
“Có vẻ như các quy tắc kinh tế cũ đang bị phá vỡ, khiến mọi người khó có thể đưa ra dự đoán chính xác và tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng kinh tế của đất nước”, vị chuyên gia nói tiếp.
Các điểm bất thường rất nhiều, chẳng hạn như tăng trưởng nhập khẩu tương đối thấp, áp lực giảm phát ở các thị trường hạ nguồn, hay thị trường bất động sản chùng xuống.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với thách thức về bẫy thanh khoản. Doanh nghiệp không muốn vay vốn hoặc đầu tư vì lợi nhuận sa sút, mặc cho lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp.
“Nếu kinh nghiệm trong quá khứ không còn giá trị, thì chúng ta sẽ rất khó dự đoán triển vọng kinh tế cũng như hình thành kỳ vọng tăng trưởng tốt”, ông Xu nói. “Đây là lý do cốt lõi dẫn đến ‘kỳ vọng yếu kém’ trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay”.
Doanh nghiệp ngoại bi quan
Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện sự thất vọng về môi trường kinh doanh của Trung Quốc. Họ đặc biệt nhấn mạnh tới sự gián đoạn do đại dịch gây ra và căng thẳng chính trị bao quanh Bắc Kinh.
“Chúng tôi đang phải xoay xở với nhiều hạn chế và bất ổn về hệ tư tưởng. Năng lực dự báo tương lai giảm sút bởi những thay đổi chính sách thất thường…”, ông Joerg Wuttke - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc, nhận xét.
Trong một báo cáo thường niên mới công bố, EuroCham cho biết các công ty châu Âu đang phải vận hành một cách tốn kém và không hiệu quả khi phải duy trì hai hệ thống riêng biệt - một cho Trung Quốc và một cho phần còn lại của thế giới.
“Hầu như không có công ty châu Âu mới nào chọn thâm nhập thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây”, hãng tư vấn Rhodium Group cho biết thêm.
Bắc Kinh đã cam kết về việc tiếp tục mở cửa thị trường và Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn sẽ còn thúc đẩy các quy định “minh bạch, ổn định hơn” nhằm đảm bảo Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về đầu tư.
Các nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế của chính phủ có xu hướng coi những khó khăn kinh tế hiện tại là vấn đề ngắn hạn do đại dịch gây ra.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại quốc lại hoài nghi rằng liệu Bắc Kinh có sớm giải quyết dứt điểm mối quan tâm cấp thiết nhất của họ - chính sách Zero COVID, hay không.
Bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, nhận định: “Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông Tập sẽ thay đổi các biện pháp chống dịch ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình”.
Đại gia ngân hàng Pháp dự báo chỉ riêng chính sách Zero COVID đã có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế tỷ dân mất khoảng 2 điểm % trong năm nay bởi phong toả hạn chế người dân đi du lịch và tiêu dùng mua sắm.
Doanh nghiệp nội cũng điêu đứng
SCMP dẫn dữ liệu chính thức cho hay, doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 55,34% tổng vốn đầu tư tại Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2011.
Tại Quảng Đông - tỉnh mạnh về xuất khẩu và kinh tế của Trung Quốc, đầu tư tư nhân sụt 4,5% trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận mức tăng 18,3%.
Đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, tồn tại là vấn đề quan trọng hơn nhiều so với việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Phần lớn đều đang tập trung vào việc duy trì doanh thu và dòng tiền.
Chẳng hạn, thị trường bất động sản sa sút khiến ông chủ công ty trang trí nhà cửa Liu Yun hụt hẫng và bất an về tương lai. Liu - quê ở thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông), bị khách hàng nợ 10 triệu nhân dân tệ nhưng anh không biết khi nào mới nhận được.
“Không ai biết khi nào họ mới thanh toán cho tôi, nhưng chắc sẽ còn rất lâu nữa. 9 tháng, 1 năm hoặc thậm chí lâu hơn”, Liu chia sẻ. “Doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, cũng như người bình thường, đều tin rằng năm tới sẽ còn tồi tệ hơn”.
Ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies, tháng trước cho biết tập đoàn sẽ chú trọng vào lợi nhuận và dòng tiền, đồng thời thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi.
“Chúng ta phải tồn tại trước”, ông Nhậm được cho là đã viết trong một bản ghi nhớ nội bộ, theo tờ China Business News.
Các ông lớn internet - vốn là xương sống của nền kinh tế nền tảng (platform economy) tại Trung Quốc, đang mạnh tay cắt giảm lực lượng lao động, một phần là do cuộc trấn áp của Bắc Kinh vào lĩnh vực này hồi đầu năm nay.
Kỹ sư AI Jim Jiao là một nạn nhân sau khi chủ cũ của anh - một nhà sản xuất robot khử trùng tại Thâm Quyến, quyết định cắt đứt hợp đồng do số đơn đặt hàng của công ty sụt giảm. Anh buộc phải đưa công ty ra toà vì không được trả lương và trợ cấp thôi việc.
Giờ đây, nhiều nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài đang chờ đợi các tín hiệu chính sách mà giới chức cấp cao phát đi từ đại hội đảng lần thứ 20 sắp tới.
Ông Tang Dajie - nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Trung Quốc, cho rằng đại hội sẽ là một sự kiện quan trọng có thể giúp doanh nghiệp vạch ra chiến lược kinh doanh.
“Tín hiệu chính sách được quan tâm nhất sẽ là liệu Bắc Kinh có điều chỉnh chiến lược kiểm soát đại dịch hay không”. Giải quyết được bài toán Zero COVID sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của thị trường.
Tuy nhiên, ông Tang cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức mang tính chu kỳ và môi trường quốc tế phức tạp hơn nhiều. “Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đà đi xuống mang tính chu kỳ bắt đầu từ năm 2017. Bắc Kinh cần có tư duy cải cách mới để xử lý chúng”, ông Tang nói.