|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm nhiều chuyên gia cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu

12:38 | 30/09/2022
Chia sẻ
Trang Al Jazeera đưa tin trong tuần qua, nhiều chuyên gia có tiếng tăm như người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel - Giáo sư Paul Krugman đều lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Sau những xì xào hồi đầu năm, lời cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu đang ngày càng ầm ĩ hơn. (Ảnh minh họa: Reuters)

Nguy cơ suy thoái

Theo kết quả cuộc khảo sát mới công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 70% trong số 22 nhà kinh tế làm việc trong lĩnh vực công cũng như tư nhân dự báo kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023. 

Trong khi đó, hãng nghiên cứu đầu tư Ned Davis Research ước tính khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu là 98,1%, mức cao nhất kể từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 năm 2020 và khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. 

Trong khi cuộc chiến tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc và đà tăng của lạm phát đang phủ mây đen lên triển vọng kinh tế, giới đầu tư đặc biệt lo ngại về viễn cảnh chính sách tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái và kéo nhiều nền kinh tế khác lâm vào cảnh tương tự.  

 

Thế khó của Fed

Trong lịch sử, Fed và các ngân hàng trung ương khác đã gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ tăng lãi suất mà không giáng một đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, cuộc suy thoái vào đầu những năm 1980 xuất phát từ nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của Fed.

Một số chuyên gia trong đó có nhà kinh tế nổi tiếng Jeremy Siegel chỉ trích Fed đã chờ đợi quá lâu để bắt đầu tăng lãi suất và sau đó tiến hành các đợt tăng mạnh lãi suất để bù đắp cho việc chậm trễ hành động trước đó. 

Mặc dù nuôi hy vọng về một kịch bản "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, song Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây thừa nhận rằng các quan chức Fed cũng "không biết" liệu nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ có dẫn đến suy thoái hay không và mức độ nghiêm trọng của suy thoái sẽ như thế nào. 

Trong bài viết đăng trên tờ New York Times ngày 22/9, Giáo sư Paul Krugman cho rằng các chính sách của Fed có nguy cơ rất cao "sẽ đẩy Mỹ và thế giới vào cuộc suy thoái nghiêm trọng một cách không cần thiết".

Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây thừa nhận ngân hàn trung ương này cũng không chắc liệu nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ có dẫn đến suy thoái hay không. Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn Al Jazeera, bà Pao-Lin Tien, một chuyên gia kinh tế tại Đại học George Washington, nhận định nếu lạm phát tại Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài tháng cuối năm 2022, Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất sang đến mùa xuân 2023 – thời điểm nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái. 

Bà nói: “Tôi nghĩ một tình huống tương tự cũng sẽ diễn ra tại các quốc gia khác, nếu ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất một cách mạnh mẽ để bảo vệ đồng nội tệ hoặc để kiềm chế lạm phát, do đó, suy thoái là không thể tránh khỏi.”

Giáo sư Campbell R Harvey, tại Trường Kinh doanh Fuqua của Đại học Duke, người đi tiên phong trong việc sử dụng lợi suất thị trường trái phiếu Mỹ để dự đoán suy thoái, nhận định hành động của Fed có thể “dễ dàng đẩy nền kinh tế vào suy thoái – một tình trạng sẽ giảm lạm phát một cách hiệu quả”. 

Tuy nhiên, ông Harvey lưu ý suy thoái sẽ gây đau đớn cho người dân. Ông nói: "Không ai muốn bị sa thải hay buộc phải nhận trợ cấp của chính phủ trong một thời gian dài."

Dù vậy, Giáo sư Harvey cho biết chỉ báo đường cong lợi suất mà ông đã sử dụng để dự 8 tám cuộc suy thoái gần nhất không cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra, khi đường cong vẫn chưa đảo ngược trong đủ một quý. Ông nói: “Khi một sự đảo ngược xảy ra, đó là một tin rất xấu và có liên quan đến suy thoái kinh tế”.  

 

Châu Âu, châu Á chịu tác động 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 26/9 dự báo Đức, Italy và Anh, ba trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ rơi vào cuộc suy thoái vào năm tới, phần lớn là do các vấn đề về nguồn cung năng lượng dưới tác động của xung đột Nga-Ukraine. 

OECD dự kiến Khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ tăng trưởng 0,3% vào năm 2023 và nhiều nền kinh tế của khối sẽ suy thoái trong năm tới. 

Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ không thu hẹp, song những hạn chế về biên giới và chính sách Zero COVID của Trung Quốc là cản trở lớn đối với tiềm năng tăng trưởng của khu vực này. 

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 27/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á Thái Bình Dương xuống 3,2%, so với mức 5% đưa ra hồi tháng 4 và giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 2,8%.

Bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Natixis nhận định các nền kinh tế châu Á sẽ không thoát khỏi tác động của chính sách tăng lãi suất, dù kinh tế khu vực này dự kiến giảm tốc thay vì suy thoái. 

Bà nói: “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ giảm tốc và các nền kinh tế có hoạt động trao đổi thương mại nhiều như Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn, do nhu cầu nước ngoài yếu đi”. 

Theo bà Trinh Nguyễn, ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia châu Á sẽ chứng kiến đầu tư sụt giảm do điều kiện tài chính thắt chặt.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 5,8% trong năm 2021 xuống còn 2,9% vào năm 2022.

Trà My