Hà Nội 20 °C | 09:09PM, 24/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc sẽ phát triển thế nào khi mất đi lực đỡ từ bất động sản?

11:16 | 07/10/2022
Chia sẻ
Trung Quốc cần tìm ra con đường để thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu mạnh hơn khi bất động sản đã không còn là động lực phát triển chính.

Một cửa hiệu Huawei tại Thượng Hải. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg).

Theo Financial Times, vào cuối năm 2013, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố một chương trình cải cách nhằm tái cân bằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo hướng ủng hộ các động lực thị trường và khu vực tư nhân.

Kế hoạch 60 điểm của Bắc Kinh hứa hẹn sẽ loại bỏ những rào cản từng hạn chế tăng trưởng thông qua tiêu dùng tại Trung Quốc: áp thuế tài sản, cấp quyền sử dụng đất cho nông dân và lao động nhập cư, mở cửa các lĩnh vực nhà nước cho tư nhân.

Các phân tích cho rằng nếu được triển khai như dự kiến, Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 7%/năm trong ít nhất một thập kỷ và trở thành quốc gia thu nhập cao.

Gần 10 năm sau, nhiều lời hứa trong bản kế hoạch vẫn chưa thành hiện thực. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm dần sau nhiều năm dựa vào tăng trưởng thị trường bất động sản.

Do ảnh hưởng của chính sách Zero COVID, sóng gió kinh tế toàn cầu và thị trường nhà ở suy giảm, năm 2022 có thể là lần đầu tiên trong 30 năm tốc độ tăng trưởng Trung Quốc sẽ chậm hơn phần còn lại của châu Á.

Bắc Kinh đang nhanh chóng tìm cách “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nước này sẽ cần trả lời câu hỏi: Nếu bất động sản không còn là động lực chính, làm thế nào để nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển.

Ngoại lệ về tiêu dùng

Do tiêu dùng đóng vai trò tương đối khiêm tốn trong nền kinh tế, IMF đã mô tả Trung Quốc như một “ngoại lệ”.

Tỷ lệ tổng tiết kiệm/GDP của Trung Quốc là 44%, so với 22,5% tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Phần lớn số tiền này được cho là nhằm tiết kiệm đề phòng hoặc dành cho nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế và nghỉ hưu.

Tiết kiệm của Trung Quốc đang nằm ở mức rất cao.

Theo các nhà phê bình, hiện tượng tiết kiệm cao là minh chứng cho sự thất bại của Trung Quốc trong việc xây dựng hệ thống lương hưu và mạng lưới an sinh xã hội. Thất bại của Trung Quốc khiến người dân không sẵn lòng chi tiêu thêm.

Ông Bert Hofman, một cựu Giám đốc khu vực Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nhu cầu tiêu dùng bị kìm hãm có thể được giải tỏa “tương đối nhanh”.

Bắc Kinh sẽ cần thay đổi một loạt chính sách nhằm giảm bớt những nỗi lo khiến hộ gia đình Trung Quốc phải tiết kiệm ở mức cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

IMF ước tính rằng “mức tiêu dùng của hộ gia đình Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nếu họ chi tiêu như hộ gia đình Brazil”.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để phát triển. Bà Nancy Qian, Giáo sư kinh tế tại Đại học Northwestern cho biết: “Trung Quốc là một quốc gia thu nhập trung bình, sẽ còn một chặng đường dài để lên mức thu nhập cao”.

“Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ sớm trở thành một nền kinh tế phát triển hoặc quốc gia giàu có”, bà nói.

Con đường cải cách

Trong cuộc cải cách vào những năm 1980 và 1990, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu bình đã quyết định “giúp một số người giàu lên trước”.

Với việc nhà nước không còn là nhà phát triển và chủ đất duy nhất, hoạt động xây dựng đã bùng nổ. Tỷ lệ sở hữu nhà ở tăng từ 20% vào những năm 1990 lên 90% vào năm 2007.

Giai đoạn này đánh dấu sự ra rời của tầng lớp trung lưu, tăng từ 3% dân số vào năm 2000 lên 700 triệu người vào 2018. Kể từ 1990, GDP đầu người thực tế đã tăng gần 10 lần, trong khi lương tại thành phố tăng gấp 5.

Nợ Trung Quốc phình to ra khi ngành bất động sản phát triển.

Ông Brad Setser, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết Trung Quốc đã duy trì mức đầu tư cao bất thường so với quy mô nền kinh tế, cả ở lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng, với thời gian lâu hơn nhiều nhà phê bình từng nghĩ. “Trung Quốc chưa chuyển sang [nền kinh tế tiêu dùng] bởi chưa cần thiết”, ông cho biết.

IMF lập luận rằng nguyên nhân cho “mức tiết kiệm cao và tiêu dùng thấp một cách bất thường” của Trung Quốc là vì “thiếu chi tiêu xã hội” cũng như chính sách một con và việc “dỡ bỏ dần mạng lưới an sinh xã hội” trong gia đoạn 1980-1990.

IMF cũng chỉ ra rằng giá nhà tăng nhanh khiến người dân phải tiết kiệm nhiều hơn. Dưới thời Chủ tịch Tập, giá nhà trung bình tại Bắc Kinh đã tăng 166%.

Một nhà hàng tại Bắc Kinh. Kế hoạch lương hưu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp cận 1 tỷ người. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg).

Trước đại dịch, tỷ lệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe/GDP của Trung Quốc chỉ là 5,4%, thấp hơn nửa so với mức trung bình của OECD là 12,5% và 16,7% tại Mỹ.

Kế hoạch lương hưu của nhà nước dự kiến sẽ tiếp cận được 1 tỷ người. Nhưng theo Bảng tin Lao động Trung Quốc, những lợi ích hiện “còn rất hạn chế” và hàng trăm triệu người, đa phần là lao động nhập cư với công việc không ổn định, vẫn không được hỗ trợ.

Vào tháng 10/2021, Chủ tịch Tập viết rằng Trung Quốc nên “cải thiện hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe, và dần tăng lương hưu cơ bản”.

Nhưng, ông nói thêm rằng “chính phủ không thể xử lý mọi việc” và cảnh báo chống lại việc “nuôi dưỡng những kẻ lười biếng qua ‘chủ nghĩa phúc lợi’”. Theo ông Setser, con đường tốt nhất để Trung Quốc trở lại quá trình tăng trưởng ổn định là để động lực tiêu dùng thay thế cho bất động sản.

“Về cơ bản Trung Quốc cần tạo cho hộ gia đình sự tự tin để giảm các khoản tiết kiệm dự phòng”, ông nói. Ông Hofman cho biết các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc “quá hào phóng” trong việc cung cấp dịch vụ xã hội.

Giải phóng niềm tin tiêu dùng

Cuộc khủng hoảng bất động sản và chính sách Zero COVID đã khiến tỷ lệ tiết kiệm tăng cao. Trong nửa đầu năm 2022, các khoản tiền gửi tiết kiệm mới của hộ gia đình đã tăng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức kỷ lục 10,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) và vượt 9,9 nghìn tỷ nhân dân tệ cho cả năm 2021.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường chính sách hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản. Nhưng Trung Quốc đang tập trung vào việc ngăn chặn cú sốc ngắn hạn mà rời xa những cải cách cần thiết để giải phóng tiềm năng của tiêu dùng.

Ông Stephen Roach, cựu nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley, cho biết: “Để giải phóng toàn bộ niềm tin tiêu dùng, bạn phải nhìn vào những đặc điểm của các quốc gia khác như: tư duy đầy khát vọng, cơ hội phát triển, tự do liên lạc, các giá trị được chia sẻ liên tục thay đổi và chuyển dịch sang lĩnh vực khác”.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lâu năm của Trung Quốc tin rằng việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa vào tiêu dùng đã đạt nhiều tiến bộ.

Ông Andy Rothman, chiến lược gia tại Matthews Asia, chỉ ra rằng tiêu dùng và dịch vụ là thành phần quan trọng nhất của kinh tế Trung Quốc trong 10 năm qua.

Ông cũng cho biết thêm rằng Bắc Kinh dần nâng mức sàn thu nhập chịu thuế. Quyết định này đồng nghĩa với việc gần 100 triệu người trong những năm gần đây đã không phải đóng thuế và có thêm tiền để chi tiêu.

Tăng trưởng trong những năm gần đây đã chậm lại. Nhưng Trung Quốc vẫn ngày càng chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong kinh tế toàn cầu.

Ông cho rằng một khi chính sách Zero COVID bị loại bỏ, các hộ gia đình Trung Quốc sẽ “ngồi trên một đống tiền mặt khổng lồ”. Theo ông Rothman, giới lãnh đạo Bắc Kinh không hề ảo tưởng về tăng trưởng kinh tế .

“Năm ngoái, GDP tăng trưởng với tốc độ chỉ bằng nửa so với một thập kỷ trước, nhưng sự gia tăng quy mô kinh tế lại ở mức lớn nhất trong lịch sử”, ông nói.

Minh Quang