|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Trung Quốc đứng trước thời điểm hoàn hảo để từ bỏ Zero COVID

12:03 | 11/10/2022
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với áp lực tài chính khổng lồ khi quyết tâm theo đuổi chính sách Zero COVID. Đại hội đảng tuần tới có thể là thời điểm phù hợp để Bắc Kinh từ bỏ chiến lược tốn kém này.

 

Liệu Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại? (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để khống chế đợt bùng phát mới nhất, rất khó để Bắc Kinh từ bỏ chiến lược Zero COVID. Tuy nhiên, mọi hộ gia đình đều cần phải cân đối chi tiêu, và chính phủ Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Bloomberg cho rằng đằng sau cánh cửa đóng kín, thời điểm và cách thức mở cửa lại nền kinh tế có thể là một trong các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Đại hội đảng tuần tới có thể là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc điều chỉnh chiến lược chống dịch.

Chính quyền nhiều địa phương, đặc biệt là ở các khu vực nội địa, có thể sắp cạn kiệt nguồn tài chính. Ngân sách của một số quận đang sụt giảm nhanh chóng, giới chức địa phương đã bắt đầu triển khai một số biện pháp để tăng doanh thu, bao gồm các khoản phạt nặng bất thường vì bán cần tây không đạt tiêu chuẩn.

Một thành phố nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên thậm chí còn đề nghị bán đấu giá quyền cung cấp suất ăn trong 30 năm cho các trường công lập. Lương công chức, bao gồm cả giáo viên, đã bị cắt giảm.

Các đợt phong toả lớn, công tác cung cấp nhu yếu phẩm đến hàng triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi phong toả và việc xét nghiệm hàng tuần đều tốn kém tiền bạc.

Trong khi đó, doanh số bán đất - một nguồn thu nhập quan trọng của nhiều chính quyền địa phương, đã chững lại cùng với cú lao dốc của thị trường bất động sản.

Theo ước tính của Morgan Stanley, thâm hụt ngân sách tài khoá của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 562 tỷ USD). Gần một nửa mức thâm hụt là do các đợt phong toả và phần còn lại là do doanh số bán đất đi xuống.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã sử dụng tất cả các khoản tiết kiệm ngân sách trong quá khứ cùng một số khoản trong tương lai để xoay xở tình hình. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã dùng trước 800 tỷ nhân dân tệ ngân sách năm 2023 cho năm nay.

Mặt khác, các chính quyền địa phương có thể sẽ bắt đầu dùng đến hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 1.500 tỷ nhân dân tệ. Hạn ngạch này sẽ được cộng dồn nếu các địa phương không dùng hết từ các năm trước.

Ngoài ra, họ còn có khoản ngân sách tài khoá chưa sử dụng từ năm 2021, trị giá 1.600 tỷ nhân dân tệ. Bài toán chi tiêu trong năm nay có vẻ khó khăn nhưng nhìn chung vẫn có thể giải quyết được.

 

Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc bước sang năm 2023? Doanh số bán đất khó có thể phục hồi nếu niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Liệu Bắc Kinh có thể gánh thêm nợ hay lựa chọn cắt giảm các phúc lợi xã hội như lương hưu và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi?

Ngoài ra, biến chủng dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất. Các quận khó khăn trong nội địa Trung Quốc không có đủ cơ sở hạ tầng y tế để thực hiện chính sách Zero COVID, ngay cả khi họ thực sự muốn.

Ở Tân Cương - khu vực chứng kiến COVID-19 bùng phát mạnh thời gian gần đây, một quan chức hàng đầu thừa nhận rằng một số biện pháp chẳng hạn như xét nghiệm hàng loạt bắt buộc thậm chí có thể làm lây lan dịch bệnh hơn nữa. Một số nhân viên y tế không có đồ bảo hộ đúng tiêu chuẩn đã bị nhiễm bệnh.

 

Bloomberg đã nhắc đến Việt Nam, coi đây là một hình mẫu cho Trung Quốc. Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược dập dịch từ năm ngoái, sau nhiều tháng giãn cách xã hội kéo dài và cuối cùng nền kinh tế hiện đã mở cửa trở lại hoàn toàn.

Hong Kong cũng có thể là một ví dụ. Vào tháng 8, chính quyền Hong Kong đã nới lỏng các hạn chế đi lại và ban hành chính sách “3+4” - ba ngày cách ly tại khách sạn và 4 ngày tự giám sát.

Chỉ hơn một tháng sau, biện pháp cách ly tại khách sạn đã được bãi bỏ, Hong Kong tiếp tục đẩy mạnh quá trình mở cửa trở lại. Tốc độ mở cửa của đặc khu hành chính này đã vượt xa kỳ vọng của truyền thông địa phương.

Tờ SCMP đưa tin, các hãng hàng không quốc tế hiện đang tích cực tăng chuyến bay đến Hong Kong, buộc các hãng bay địa phương như Cathay Pacific phải khẩn trương tuyển thêm phi công và phi hành đoàn.

Tất nhiên, Trung Quốc có thể quyết tâm giữ vững chiến lược Zero COVID, tương tự như cách nước này từng làm với các chính sách trong quá khứ. Tuy nhiên, tình hình tài chính công suy yếu nhanh chóng sẽ buộc Bắc Kinh phải hành động, Bloomberg kết luận.

Khả Nhân