|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân Trung Quốc vội trả nợ vay thế chấp trước hạn, đề phòng nền kinh tế xấu đi

10:51 | 10/10/2022
Chia sẻ
Triển vọng kinh tế ảm đạm và tiềm năng kiếm lời từ chứng khoán xuống dốc đang thúc đẩy những người đã vay tiền mua nhà ở Trung Quốc nhanh chóng thanh toán nợ nần. Tuy nhiên, quyết tâm của họ lại vấp phải rào cản từ phía ngân hàng.

 

Doanh số bán nhà ở tại Trung Quốc đang lao dốc. (Ảnh minh hoạ: Reuters).  

Ưu tiên trả nợ

Tháng 6 năm nay, cô Aki Wang, một chuyên gia tai mũi họng, đã đặt ra quyết tâm mới nhân sinh nhật thứ 35. Cô tự hứa trước khi sang tuổi 40, bản thân sẽ trả hết khoản nợ vay mua nhà 25 năm. Việc này sẽ giúp cô tiết kiệm gần 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 140.535 USD) tiền lãi.

Cô Wang vay ngân hàng 2 triệu nhân dân tệ để mua căn hộ hai phòng ngủ ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào năm 2018. Cô cho biết: “Lãi suất vay thế chấp của tôi là 5,1%. Làm gì có khoản đầu tư chứng khoán hay sản phẩm quản lý tài sản nào đem lại lợi nhuận cao đến thế?”

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong năm 2022 đã khiến lợi nhuận từ việc đầu tư giảm mạnh. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã mất 20% trong năm nay.

Giống như cô Wang, hàng nghìn người Trung Quốc đang vội vã thanh toán nợ vay thế chấp trước hạn trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng về nền kinh tế xuống dốc. Ông Harry Hu, Giám đốc tại S&P Global Ratings, giải thích: “Xu hướng trên là kết quả khi mọi người mất lòng tin vào tình hình kinh tế vĩ mô. Họ đang ưu tiên trả nợ khi vẫn còn đủ năng lực”.

Số liệu do các ngân hàng thương mại công bố cho thấy một số góc nhìn về xu hướng này. Trong tháng 9, ông Zheng Guoyu, Phó Chủ tịch Ngân hàng Công thương Trung Quốc tiết lộ ngân hàng này đã ghi nhận 260 tỷ nhân dân tệ các khoản trả nợ vay thế chấp trước hạn của cá nhân trong nửa đầu năm nay, cao hơn 13% so với năm trước.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Tháng trước, Phó Chủ tịch Lin Li cho biết: “Một bộ phận nhỏ khách hàng của chúng tôi đã chọn tất toán nợ vay thế chấp trước hạn dựa trên kế hoạch tài chính cá nhân và do lợi nhuận đầu tư tài chính suy giảm trong giai đoạn này”.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), giá trị ròng các khoản cho vay trung và dài hạn mới cho hộ gia đình - đại diện cho nợ vay thế chấp - đã giảm 54% trong 8 tháng đầu năm 2022 so với một năm trước đó, xuống còn 1.970 tỷ nhân dân tệ.

 

Ông Ma Xiangyun, nhà phân tích tại Changjiang Securities cho biết: “Có hai lý do tiềm tàng dẫn đến việc các khoản vay thế chấp mới giảm mạnh...đó là doanh số bán nhà mới sa sút và các khoản thanh toán nợ vay thế chấp trước hạn gia tăng.

Xu hướng đi xuống của các khoản vay thế chấp mới nghiêm trọng hơn nhiều sự lao dốc của doanh số bán nhà, đồng nghĩa với việc một lượng đáng kể người đi vay đã trả nợ trước hạn". 

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán nhà tại nước này đã giảm 30% trong 8 tháng đầu năm. Một giám đốc chi nhánh của ngân hàng Bank of China kể với tờ SCMP rằng khách hàng ngày càng thắc mắc về việc thanh toán nợ vay thế chấp trước hạn, tỷ lệ đã tăng ít nhất 20% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc Hu của S&P lý giải: “Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích ngân hàng tăng cường cho vay, nhưng nhu cầu tín dụng lại thấp. Khi mọi người mất niềm tin về triển vọng việc làm..., họ chọn cắt giảm tiêu dùng, đầu tư và tín dụng. Các xu hướng này sẽ lại càng đè nặng lên nền kinh tế đang chậm lại”.

GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với một năm trước đó. Hậu quả từ chính sách Zero COVID và sự lao dốc của ngành bất động sản là lý do chính khiến các ngân hàng lớn như Nomura, Morgan Stanley và UBS hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Trung Quốc xuống dưới 3% - thấp hơn hẳn mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh.

 

 Ngân hàng "gây khó dễ" 

“Trả nợ vay thế chấp trước hạn” đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc. Tính tới ngày 5/10, những người dùng đã đăng tải hơn 16.000 bình luận về việc thanh toán nợ vay thế chấp.

Chủ đề trên tiếp tục được bàn luận sôi nổi sau khi các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh lãi suất vay thế chấp hai tháng trước. Trong tháng 8, PBoC đã giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 5 năm thêm 15 điểm cơ bản, xuống còn 4,3%. Đây là lần thứ ba trong năm nay PBoC hạ lãi suất tham chiếu cho nợ vay thế chấp.

Theo tổ chức nghiên cứu Beike Research Institute, lãi suất trung bình cho người mua nhà tại hơn 100 thành phố đã giảm còn 4,19 % trong tháng 9. Một năm trước, lãi suất trung bình đạt 5,74%.

Hầu hết các khoản vay thế chấp mua nhà tại Trung Quốc trong vài năm qua đều áp dụng lãi vay thả nổi cao hơn LPR. Do lãi vay được điều chỉnh sau mỗi 12 tháng, người đi vay có thể sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn từ năm 2023. Nhưng nhiều người vẫn quyết tâm tất toán nợ.

Một số ngân hàng đang đặt ra rào cản để ngăn chặn khách trả nợ trước hạn. Hồi tháng 8, Bank of Communications thông báo sẽ áp dụng phí phạt 1% trên số nợ gốc đối với những người trả nợ trước hạn.

Nhưng Bank of Communications đã sớm huỷ bỏ quyết định trên sau khi bị công kích dữ dội trên mạng. Tờ SCMP cho biết Bank of Communications là ngân hàng có giá trị chịu rủi ro với nợ vay thế chấp lớn thứ 5 tại Trung Quốc.

Từ giữa tháng 7 đến tháng 9, 4 trong 5 ngân hàng có giá trị chịu rủi ro với nợ vay thế chấp lớn nhất Trung Quốc đã vô hiệu hóa chức năng trả nợ trước hạn trên ứng dụng điện thoại. Ứng dụng của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cho thấy tùy chọn trả nợ trước hạn trực tuyến không khả dụng do hệ thống đang nâng cấp.

Chuyên gia tai mũi họng Wang cũng gặp phải rắc rối tương tự khi cô muốn trả nợ trước hạn. Cô nghỉ phép một ngày, tới ngân hàng và trả thêm 50.000 nhân dân tệ nợ vay thế chấp nữa. Cô nói: “Các ngân hàng đang gây khó dễ cho chúng tôi. Nhưng tôi quyết tâm trả nợ trước hạn và để dành tiền cho những ngày khó khăn”.

Giang

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.