|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ tạm dừng bàn giao máy bay chiến đấu tối tân vì chứa hợp kim từ Trung Quốc

10:37 | 09/09/2022
Chia sẻ
Lầu Năm Góc đã tạm ngừng giao các máy bay chiến đấu F-35 cho quân đội và khách hàng nước ngoài sau khi Lockheed Martin phát hiện ra một thành phần trong động cơ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo Politico, cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng (DCMA) đã thông báo cho Văn phòng Chương trình Chung (JPO) tại Lầu Năm Góc vào hôm 19/8 về một loại hợp kim trong nam châm của bộ phận động cơ turbine có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Lockheed Martin là nhà thầu chính cho chiếc máy bay, nhưng bộ phận máy turbine lại được Honeywell sản xuất. Văn phòng Chương trình Chung (JPO) cho biết phát hiện này không ảnh hưởng tới các máy bay F-35 đang hoạt động.

“Chúng tôi xác nhận rằng nam châm không truyền thông tin hay gây hại cho máy bay, đồng thời không có rủi ro tới hiệu năng, chất lượng, an toàn hoặc an ninh. Hoạt động của phi đội F-35 sẽ vẫn tiếp tục như bình thường”, người phát ngôn Russell Goemaere của chương trình nói với tờ Politico.

“Các nhà thầu quốc phòng đã tự nguyện chia sẻ thông tin với DCMA và JPO sau khi vấn đề được phát hiện và tìm ra nguồn cung thay thế cho hợp kim”, ông Goemaere nói.

F-35 được lắp ráp tại nhà máy ở bang Texas. (Ảnh: Lockheed Martin).

Máy turbine tích hợp hệ thống phát điện (APU) và máy tuần hoàn không khí (ACM) vào trong một thiết bị duy nhất. Chiếc máy này cung cấp điện năng cho hoạt động bảo trì máy bay trên mặt đất, khởi động động cơ chính và cung cấp nguồn điện khẩn cấp cũng như khí nén cho hệ thống quản lý nhiệt trong quá trình bảo trì.

“Honeywell cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao đáp ứng hoặc vượt quá tất cả yêu cầu hợp đồng của khách hàng”, phát ngôn viên Adam Kress của Honeywell cho biết. 

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Lockheed Martin để đảm bảo việc tiếp tục đạt được những cam kết này với các sản phẩm được sử dụng trên chiến đấu cơ F-35”, ông nói.

F-35 được vận hành bởi Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cùng với 10 quốc gia khác. Hiện tại, việc giao hàng đang bị tạm dừng, DCMA đang điều tra nguyên nhân dẫn đến việc một hợp kim có nguồn gốc từ Trung Quốc lại được đưa vào chương trình F-35. 

Theo RT, luật pháp Mỹ và chính sách của Lầu Năm Góc cấm sử dụng một số kim loại và hợp kim từ một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga.

Lockheed Martin có kế hoạch cung cấp cho Mỹ và các đối tác quốc tế 153 chiếc F-35 trong năm 2022 và đã giao 88 chiếc cho đến nay. Chương trình F-35 là dự án hợp tác của 8 nước: Mỹ, Anh, Italy, Hà Lan, Australia, Na Uy, Đan Mạch và Canada, cùng với 6 quốc gia khác đang mua sắm và vận hành.

Mặc dù đã có hơn 840 chiếc F-35 đã được chuyển giao trên toàn cầu, dự án vẫn còn nhiều lỗi. Theo DCMA, những lỗi này đôi khi được phát hiện sau khi máy bay đã được đưa vào sử dụng và “ảnh hưởng tiêu cực đến phi đội”.

Minh Quang