|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đội tàu bay hiện đại hàng tỷ USD vừa xuất xưởng đã nằm đắp chiếu vì nứt sơn

09:07 | 28/06/2022
Chia sẻ
Tranh chấp pháp lý trị giá 1 tỷ USD xảy ra giữa Airbus và Qatar Airways do vấn đề chất lượng của lô  A350 khiến phi đội gồm 23 máy bay đang phải nằm đắp chiếu.

Reuters ghi lại hình ảnh hai chiếc máy bay Airbus A350 nằm yên với cửa sổ dán kín và động cơ được đậy lại trong một nhà kho ở vùng Vịnh do tranh chấp pháp lý giữa tập đoàn công nghiệp khổng lồ Airbus và hãng hàng không quốc gia Qatar. Tranh chấp giữa hai bên đã được công chúng biết đến trong nhiều tháng qua nhưng đây là lần đầu tiên hình ảnh về những tàu bay bị lỗi được công bố.

Nhìn từ xa, những chiếc máy bay có thể giống như bất kỳ máy bay phản lực đường dài nào khác tại trung tâm Doha sầm uất. Nhưng một chuyến thăm thực tế của các phóng viên Reuters đã cho thấy sự hư hại trên các bộ phận của cánh, đuôi và thân máy bay.

Theo các nhà phân tích, hai chiếc máy bay tổng trị giá khoảng 300 triệu USD này nằm trong số 23 chiếc A350 đã bị cấm bay trong vụ kiện tụng trị giá 1 tỷ USD tại tòa án London. Tranh chấp xoay quanh việc liệu những lỗi về lớp sơn có gây ra rủi ro an toàn hay không. Airbus khẳng định chắc chắn không có vấn đề gì về an toàn.

Các máy bay đã bị cơ quan quản lý của Qatar cấm bay khi phần sơn bên ngoài bị tróc dẫn đến hư hỏng lớp kim loại phía dưới có nhiệm vụ bảo vệ thân máy bay khỏi nguy cơ sét đánh. Khác với máy bay truyền thống có thân làm bằng hợp kim nhôm, các máy bay như Airbus A350 và Boeing 787 có thân làm bằng vật liệu composite, vì vậy cầng phải có một lớp vỏ kim loại để bảo vệ khỏi tia sét.

Nhiều hãng hàng không khác tiếp tục vận hành A350 sau khi cơ quan quản lý châu Âu tuyên bố máy bay an toàn.

Các lỗ hổng bề mặt trên những chiếc A350 bao gồm một vết nứt kéo dài của lớp sơn bị phồng rộp và nứt hoặc mất dọc theo mái của máy bay.

Lớp lưới chống sét của Airbus A350 đang bị rỉ sét. (Ảnh: Reuters).

Ở một số khu vực, bao gồm cả trên đầu cánh cong, lưới chống sét bảo vệ nằm giữa thân tàu và lớp sơn có vẻ lộ ra ngoài và bị ăn mòn.

Tại những bộ phận khác, lớp kim loại này dường như đã biến mất, khiến thân tàu làm bằng vật liệu composite lộ ra.

Phía dưới lớp kim loại chống sét là thân máy bay làm bằng vật liệu composite. (Ảnh: Reuters).

Lớp sơn ở phần đuôi của một trong những chiếc A350 được trang trí bằng biểu tượng Arabian Oryx  của Qatar Airways đã bị rỗ do sơn nứt và mất làm lộ lớp bên dưới.

Lớp sơn tại phần đuôi máy bay A350 của Qatar Airways. (Ảnh: Reuters).

Xuất hiện những khu vực nhỏ với sợi carbon bị trầy hoặc tách ra khỏi thân máy bay. Vật liệu carbon là nguyên liệu chính cho thân máy bay Airbus A350. Ngoài ra, trên cánh máy bay còn xuất hiện vệt nứt sơn do đinh tán. 

Những vết nứt sơn chạy dọc theo cánh máy bay là do đinh tán. (Ảnh: Reuters).

Tại Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang vận hành 14 chiếc Airbus A350 một cách bình thường.

Vẫn an toàn?

Airbus thừa nhận vấn đề chất lượng đối với những chiếc A350, nhưng phủ nhận bất kỳ rủi ro an toàn nào vì số lượng hệ thống dự phòng và khả năng chịu đựng được tích hợp trong thiết kế của máy bay.

Qatar Airways đã lập luận rằng tuyên bố của Airbus không thể được kiểm chứng cho đến khi có phân tích sâu hơn và từ chối nhận thêm máy bay.

Airbus đã lập luận rằng một số trường hợp trầy sơn là tính năng của công nghệ carbon-composite được sử dụng để chế tạo tất cả máy bay phản lực đường dài hiện đại, một sự đánh đổi cần thiết để tiết kiệm trọng lượng.

Công ty này cho biết các vết nứt là do cách thức mà sơn, vật liệu chống sét gọi là ECF và cấu trúc composite tương tác với nhau. Tuy nhiên, phần đuôi máy bay có những khu vực không chứa vật liệu ECF, nhưng vẫn xảy ra các vết nứt, dẫn tới câu hỏi rằng liệu hư hỏng này có xuất phát từ cùng một vấn đề hay không.

Qatar Airways không đồng ý với lời giải thích của Airbus, và nói với tòa án London rằng những chiếc Boeing 787 của hãng không hề gặp vấn đề tương tự như A350. Cả 787 và A350 đều là máy bay đường dài hiện đại, sử dụng nhiều vật liệu composite trong thiết kế.

Giám đốc điều hành của Qatar Airways ông Akbar Al Baker và Giám đốc điều hành của Airbus ông Guillaume Faury đã có cơ hội giao lưu trong cuộc họp của ngành kéo dài ba ngày tại Qatar trong tuần này.

Khi được hỏi liệu mối quan hệ có được cải thiện sau sự kiện này hay không, ông Al Baker gợi ý rằng hai bên vẫn xa nhau.

"Trên phương diện cá nhân, tôi là bạn với tất cả mọi người nhưng khi nói đến một vấn đề của công ty, thì lại là một câu chuyên khác. Nếu mọi việc đã ổn thỏa, thì chúng tôi đã không phải chờ đợi một phiên tòa diễn ra vào năm tới", CEO của Qatar Airways cho biết.

Ông Faury cho biết đã thảo luận với hãng hàng không và nói về "sự tiến triển thể hiện qua việc hai bên đã trao đổi với nhau".

23 chiếc máy bay A350 có giá tổng giá trị khoảng 3,5 tỷ USD, hai chiếc trong số này bị lỗi sơn nhưng Qatar Airways đang đắp chiếu toàn bộ 23 chiếc. Qatar Airways đang đòi Airbus bồi thường 1 tỷ USD.

Một trong những quan chức cấp cao nhất của ngành hàng không đã bày tỏ lo ngại sau cuộc họp Doha rằng tranh chấp có thể ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ hợp đồng trong toàn ngành.

Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nói với các phóng viên: “Sẽ tốt hơn nhiều nếu hai bên giải quyết với nhau như bạn bè hơn là đưa nhau ra tòa án”.

Minh Quang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.