|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Máy bay ở Trung Quốc gặp nạn, bầu trời lại sắp đổ sụp xuống đầu Boeing?

15:48 | 22/03/2022
Chia sẻ
Vụ tai nạn máy bay ở Trung Quốc hồi đầu tuần này là cuộc khủng hoảng mới nhất đối với Boeing. Tên tuổi của gã khổng lồ ngành hàng không có thể sẽ phải gắn liền với tai tiếng và thảm họa.
Máy bay ở Trung Quốc gặp nạn, bầu trời lại sắp đổ sụp xuống đầu Boeing? - Ảnh 1.

Một chiếc máy bay Boeing 737-800 của China Eastern Airlines ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Theo New York Times, các nhà điều tra có thể phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng để xác định nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737-800 NG do hãng hàng không China Eastern Airlines vận hành gặp nạn cùng với 132 người trên khoang.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra có thể đè nặng lên Boeing. Gã khổng lồ ngành hàng không của Mỹ mới chỉ vừa thoát được những rắc rối kéo dài hàng năm trời liên quan tới Boeing 737 MAX. Hãng cũng đã trì hoãn việc sản xuất và giao hàng dòng máy bay thân rộng 787 Dreamliner.

Ông Rob Spingarn, Giám đốc điều hành công ty phân tích Melius Research, cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay mới đây ở Trung Quốc rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của công chúng đối với Boeing. Tôi nghĩ cộng đồng đầu tư sẽ tạm hoãn mua cổ phiếu Boeing cho đến khi thông tin được làm sáng tỏ".

Hàng nghìn chiếc 737-800 NG đã bay lượn an toàn trên thế giới trong hàng chục năm qua. Nhiều nhà phân tích và chuyên gia trong ngành không muốn vội vàng kết luận rằng vụ tai nạn là do sai sót thiết kế căn bản. Dẫu vậy, cổ phiếu Boeing vẫn sụt 3,6% trong phiên 21/3. Cổ phiếu China Eastern mất 6,5% trong phiên giao dịch ở Hong Kong.

Sau cơn mưa, trời vẫn chưa rạng?

Boeing là biểu tượng của thời đại hàng không, là nhà xuất khẩu hàng chế tạo lớn nhất ở Mỹ, cổ phiếu bluechip và còn là nhà sử dụng lao động hàng đầu. Năm ngoái là năm Boeing ghi nhận doanh số tốt nhất kể từ năm 2018, với lượng đơn đặt hàng ròng lên tới 535 chiếc máy bay.

Máy bay ở Trung Quốc gặp nạn, bầu trời lại sắp đổ sụp xuống đầu Boeing? - Ảnh 2.

Song, Boeing cũng phải trải qua nhiều bước lùi, bao gồm phí tổn 3,5 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2021 do chậm trễ các đơn hàng Dreamliner. Kết cục, Boeing lỗ 4,2 tỷ USD trong quý IV/2021.

Ngoài hai dòng máy bay chủ lực MAX và Dreamliner, Boeing còn chịu gánh nặng chung của toàn ngành do đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh ngành du lịch hàng không hồi phục chậm chạp, các hãng hàng không đã cắt giảm kế hoạch mua máy bay mới.

Rắc rối gần đây của Boeing bắt đầu với dòng MAX. Dòng máy bay này bị chỉ trích nặng nề sau vụ tai nạn ở Indonesia vào cuối 2018 và sự cố tiếp theo chưa đầy 5 tháng sau ở Ethiopia, khiến tổng cộng 364 người thiệt mạng. MAX bị cấm bay trên toàn thế giới sau vụ tai nạn thứ hai.

Mỹ cho phép dòng MAX quay trở lại bầu trời vào cuối 2020 với yêu cầu Boeing thực hiện một số thay đổi. Các nước dần hành động tương tự, nhưng Trung Quốc mới chỉ dỡ bỏ lệnh cấm vào đầu tháng 12/2021.

Các nhà phân tích đã kỳ vọng Boeing MAX sẽ được bay trở lại ở Trung Quốc trong vài tháng tới. Nhưng sự trở lại của MAX có thể bị cản trở bởi cuộc điều tra về vụ tai nạn mới nhất của chiếc 737-800 NG, mẫu máy bay tiền nhiệm của MAX.

Hôm 21/3, Boeing cho biết đang liên lạc với China Eastern Airlines và Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ - cơ quan dẫn đầu nỗ lực của Mỹ trong việc hỗ trợ cuộc điều tra của Trung Quốc.

Một điều tra viên cấp cao đã được cử làm đại diện cho cuộc điều tra. Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ sẽ đóng góp chuyên môn kỹ thuật.  Boeing cũng cho biết các chuyên gia kỹ thuật của hãng "sẵn sàng hỗ trợ" Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Boeing giao gần 5.000 chiếc Boeing 737-800 NG trong giai đoạn 1998-2020, nhiều hơn bất kỳ loại máy bay thương mại nào khác mà công ty bán ra. 

Mẫu máy bay này có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các hãng hàng không vì sức chứa hành khách và phạm vi hành trình. Máy bay thân hẹp thường được sử dụng cho các chuyến bay nội địa, mặc dù đôi khi chúng cũng được sử dụng cho các chuyến đi quốc tế ngắn.

"Con tin mặc định"

Đối với Boeing, Trung Quốc là thị trường quan trọng. Trong số 25.000 máy bay chở khách đang phục vụ trên toàn thế giới, khoảng 17% là Boeing 737-800 NG, theo công ty dữ liệu hàng không Cirium. Trung Quốc là "mái nhà" của gần 1.200 chiếc 737-800 NG, tiếp theo là châu Âu và Mỹ với lần lượt 1.000 và 800 chiếc.

Tại Mỹ, American Airlines có 265 chiếc 737-800 NG đang hoạt động, Southwest Airlines có 205, United Airlines có 136 và Delta Air Lines có 77 chiếc.

Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ hai của Boeing, xếp sau Mỹ. Năm ngoái, Boeing dự đoán số lượng máy bay thương mại ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Ước tính các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần 8.700 máy bay mới vào thời điểm đó, trị giá khoảng 1.470 tỷ USD.

Nhưng dù Trung Quốc rất quan trọng, mối quan hệ của Boeing với Trung Quốc có thể trở nên phức tạp. Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng – giống như trong chiến tranh thương mại thời chính quyền Tổng thống Trump – Boeing có thể rơi vào thế bất lợi.

Ông Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory chỉ ra: "Có người đã từng nói Boeing luôn là con tin mặc định trong mọi cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc".

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại, ngành hàng không của nước này cũng có khả năng giảm tốc, thách thức sự phụ thuộc của Boeing vào Trung Quốc.

Giang